Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng, lý luận và thực tiễn sâu sắc

Hiền Lương| 22/12/2021 09:05

(HNMO) - Sáng 22-12, phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Vận dụng sáng tạo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình nghiên cứu khoa học có tầm khái quát rất cao, hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng, lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Trong lãnh đạo, Đảng ta có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, nhưng Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, ở Thủ đô Hà Nội, thực tiễn hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng bộ thành phố, nhất là sau 35 năm đổi mới, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện: Từ kinh tế, văn hóa xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và đối với công cuộc đổi mới đất nước; thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

“Có được những thành tựu đó là do Đảng bộ thành phố đã luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quan tâm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của Thủ đô trong từng giai đoạn phát triển”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy nhìn nhận, thành phố hiện gặp không ít những khó khăn, thách thức, như: Tác động không thuận lợi của đại dịch Covid-19; nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc nảy sinh trong quá trình đô thị hóa, mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn với phát triển, nhất là khu vực phố cũ, khu vực nội đô lịch sử; tăng trưởng chưa thực sự ổn định, bền vững; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nguy cơ cháy nổ; tai nạn giao thông; kiểm soát và xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, úng ngập, ùn tắc giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm; dịch bệnh, tệ nạn xã hội; tình trạng khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người, vượt cấp, diễn biến phức tạp.

Việc huy động, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho phát triển nhanh, bền vững Thủ đô luôn là vấn đề thách thức và còn nhiều vướng mắc cả về thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thành phố, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh. Tình trạng suy thoái đạo đức, phẩm chất, lối sống và tiêu cực khác trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa được khắc phục triệt để. Các thế lực, phần tử thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn lấy Thủ đô làm địa bàn trọng điểm để thực hiện các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhận thức sâu sắc rằng, Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Nhằm tiếp tục phát huy tốt hơn nữa truyền thống ngàn năm văn hiến - anh hùng, truyền thống cách mạng kiên cường qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong xu thế phát triển chung của đất nước, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045.

Trong đó, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021), đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình nghiên cứu khoa học có tầm khái quát rất cao, hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng, lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bài viết đã làm sáng tỏ 4 vấn đề lớn: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao chúng ta đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội? Chúng ta phải làm gì để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào và đặt ra vấn đề gì trên những bước đường phía trước?

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, hội thảo quán triệt đầy đủ, sâu sắc hệ quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng, nhất là quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”; đồng thời, khai thác, vận dụng sáng tạo những giá trị to lớn, cốt lõi trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đề xuất những giải pháp cơ bản, phù hợp thực tiễn Thủ đô, góp phần đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra, xây dựng và phát triển Thủ đô của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vững bước đi lên theo con đường chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng, lý luận và thực tiễn sâu sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.