Chính trị

Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013:Công việc rất thiêng liêng và hệ trọng

Hà Phong 27/05/2025 - 09:45

Sau hơn nửa tháng triển khai công tác lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các công việc đang được thực hiện đúng định hướng, tiến độ và kế hoạch.

Kết quả bước đầu cho thấy, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm không chỉ tiết kiệm chi phí, mà điều quan trọng hơn cả là nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước để đưa đất nước phát triển.

hoi-nghi.jpg
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do Bộ Tư pháp tổ chức, tháng 5-2025.

Từ những giải pháp quyết liệt

Thời gian qua, những chủ trương của Đảng về việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị đã được nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình ủng hộ, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện rất khẩn trương, toàn diện. Đây không những là một hướng đi đúng và là điều người dân mong đợi từ lâu. Bởi những lần trước, chúng ta chủ yếu tập trung vào sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, cụ thể là bộ máy hành chính. Lần này, chúng ta triển khai một cách toàn diện, tức là cả hệ thống chính trị, bao gồm cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Mục tiêu không chỉ là tiết kiệm chi phí, mà điều quan trọng hơn là nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, để đưa đất nước tăng tốc phát triển.

Để làm tốt các nhiệm vụ đó, đầu tiên phải có mô hình tổ chức bộ máy. Thứ hai, phải có hệ thống quy định pháp luật để bộ máy nhà nước và toàn dân thực hiện đồng sức, đồng lòng.

Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với tư cách là một đạo luật gốc, điều chỉnh những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng: Sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đang được các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, khẩn trương góp ý với trách nhiệm cao nhất.

Theo kế hoạch, Chính phủ giao Bộ Tư pháp hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Xác định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp dù ở phạm vi, quy mô nào cũng là một công việc rất thiêng liêng, rất hệ trọng, do đó, từ khâu lên kế hoạch, xây dựng văn bản chỉ đạo, đến xác định tiến độ thực hiện đều được Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết từ rất sớm, bảo đảm UBND cấp tỉnh hoàn thành, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30-5-2025.

Ý Đảng thuận lòng dân

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh cho biết, thống kê mới nhất cho thấy, tính đến 20h ngày 26-5 đã có khoảng 17,1 triệu lượt người dân tham gia góp ý trực tiếp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID. Số ý kiến nhận được lớn hơn nhiều so với con số trên, vì còn nhiều phương thức góp ý khác.

Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân góp ý khá tập trung và trách nhiệm về các nội dung quy định sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp năm 2013 khi thực hiện chủ trương sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; những đột phá cần thiết trong phân cấp, phân quyền, cơ chế giám sát quyền lực…

Còn theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã có 717.712 ý kiến góp ý trong hệ thống Mặt trận vào các điều khoản được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hầu hết ý kiến đều bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và mong muốn những điểm mới trong dự thảo Nghị quyết sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp.

Đối với kết quả góp ý kiến vào điều khoản cụ thể của dự thảo Nghị quyết, nhìn chung, đa số ý kiến thống nhất, tán thành cao và đều cho rằng nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 đã khẳng định rõ hơn vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Liên quan đến nội dung này, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Việt Anh khẳng định, việc hiến định Mặt trận Tổ quốc là tổ chức đứng đầu và 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc là hoàn toàn hợp lý. Khi có sự đồng thuận trong xã hội thì việc người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ những điểm mới tại Điều 9 là rất lớn.

Đa số ý kiến cũng đề nghị giữ lại quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, tại Khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp, vì đấy là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước… Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp Cù Thu Anh phân tích: Việc chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân góp phần cung cấp thêm thông tin để phục vụ hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật tại địa phương. Nếu chỉ ghi nhận đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND thì mới chỉ quy định quyền chất vấn các cơ quan thực hiện quyền hành pháp mà chưa thực hiện chất vấn đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương, dẫn tới việc giám sát chưa toàn diện, hạn chế quyền giám sát của cơ quan dân cử.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi:

o-cuong.jpg

Sửa đổi Hiến pháp là đòi hỏi tất yếu

Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đã có những thay đổi thì việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà trước tiên là sửa đổi Hiến pháp là đòi hỏi tất yếu. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này gắn với sắp xếp lại bộ máy nhà nước sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, kéo theo phát triển quan hệ sản xuất.

Bộ máy được tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, ít tốn kém chi phí sẽ góp phần đưa ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào dễ dàng, làm cho công cụ lao động tiên tiến, người lao động tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, làm chủ công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những đổi mới vô cùng quan trọng thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách nhanh chóng để đất nước có thể vươn mình trở thành con rồng châu Á.

Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Hoàng Việt:

o-viet.jpg

Thành lập 11 tổ lấy ý kiến nhân dân

UBND phường Mai Động tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và ban hành thông báo phân công chi tiết. Tại mỗi chi bộ khu dân cư, tổ dân phố thành lập 2 nhóm: Nhóm lực lượng lưu động đi từng ngõ, đến từng nhà mời người dân ra địa điểm chung để được hướng dẫn và thực hiện; nhóm lực lượng tại chỗ thực hiện hướng dẫn người dân qua ứng dụng VNeID bằng điện thoại và máy tính.

UBND phường đã mời các đồng chí Thường trực Đảng ủy phường và phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách cùng các lực lượng tham gia các tổ công tác. 18 chi bộ khu dân cư, tổ dân phố được chia thành 11 tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo phường trực tiếp phụ trách, trong đó có đồng chí Bí thư Đảng ủy phường trực tiếp phụ trách 2 chi bộ.

Trong những ngày qua, 11 tổ công tác đã làm việc tích cực, được sự đồng thuận của người dân tại các khu dân cư, tổ dân phố. Qua nắm bắt tình hình cho thấy, phần lớn người dân tán thành với những sửa đổi, bổ sung của 8 nội dung cần góp ý của Hiến pháp năm 2013.

Bà Trương Thị Nhâm (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng):

ba-nham.jpg

Đồng thuận với các nội dung đề xuất sửa đổi

Tôi đã nghiên cứu và thấy những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Điển hình như quy định mô hình địa phương 2 cấp là cách quản lý vận hành rất phù hợp, nhất là trong thời đại chuyển đổi số như hiện nay. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đã có hiệu quả thiết thực, vừa nâng cao hiệu quả quản lý mà vẫn gần dân, sát dân.

Tôi hoàn toàn đồng thuận với các nội dung đề xuất sửa đổi. Đặc biệt, tôi thấy rằng việc lấy ý kiến toàn dân, thể hiện tinh thần dân chủ, cầu thị và trách nhiệm trước nhân dân. Các nội dung sửa đổi lần này bổ sung, làm rõ thêm các quy định, phân định rõ hơn giữa các thiết chế quyền lực nhà nước, tạo cơ sở cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Hiền Thu ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Công việc rất thiêng liêng và hệ trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.