Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài trừ mê tín dị đoan mùa lễ hội

Nguyễn Thanh| 04/02/2023 06:29

(HNM) - Cả nước đang bước vào mùa lễ hội xuân đầy náo nức sau hơn hai năm chịu gián đoạn vì dịch Covid-19. Rất nhiều phương án tổ chức và quản lý lễ hội, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan đã và đang được triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra trang trọng, văn minh, tiết kiệm.

Người dân đi lễ đầu năm tại chùa Vạn Niên (quận Tây Hồ). Ảnh: Miên Hạo

Thực hành văn minh trong lễ hội

Đã thành truyền thống, sau tiếng trống “giỗ trận” sáng mùng 5 Tết tại gò Đống Đa, một loạt lễ hội truyền thống trên đất Thăng Long - Hà Nội cũng bắt đầu mở ra vào các ngày tiếp theo, thu hút hàng vạn lượt người hành hương, trẩy hội, gửi gắm ước nguyện về một năm mới hanh thông, nhiều thành công. Đây cũng là thời điểm các hoạt động mê tín dị đoan lợi dụng không gian lễ hội “nở rộ” thông qua các hành vi lạm dụng vàng mã, xem bói, xóc thẻ, rải rắc tiền lẻ vô tội vạ… Sau rất nhiều biện pháp bài trừ, ngăn chặn hành vi mê tín dị đoan, mùa lễ hội xuân năm nay cho thấy các hiện tượng nhức nhối này về cơ bản đã được đẩy lùi.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới thời gian qua, hầu hết lễ hội xuân trên địa bàn Thủ đô diễn ra trang nghiêm, bảo đảm các nghi thức truyền thống, hướng tới các giá trị cố kết cộng đồng và bảo tồn, phát huy di sản. Người đi hội đông, có lúc xảy ra ùn tắc cục bộ, song vẫn bảo đảm an ninh trật tự; đặc biệt, không có hiện tượng chen lấn, tranh cướp, dẫm đạp phản cảm như những mùa lễ hội nhiều năm trước. Tại chùa Vạn Niên, Tổ đình Phúc Khánh…, người đi lễ rất hạn chế dâng cúng vàng mã, chỉ thắp từ 1 đến 3 nén hương và đặt tiền lễ đúng nơi quy định. Lò hóa vàng mã tại phủ Tây Hồ, chùa Hà… không còn xảy ra tình trạng quá tải như mọi năm. Còn tại đền Quán Thánh không còn hiện tượng cài rải tiền lẻ, xoa tiền vào tượng thờ để xin vía. Ở chùa Hương, các hành vi đổi tiền lẻ, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan… được kiểm soát chặt chẽ.

Có mặt tại chùa Hà vào sáng 1-2, em Nguyễn Thị Thu Trang (sinh viên Trường Đại học Hà Nội) cho hay: “Dù tấp nập người đến lễ, nhưng không bị xô bồ, không nghi ngút khói hương và lạm dụng vàng mã. Mọi người ứng xử văn minh, thành tâm lễ phật và rất ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh chung”. Còn Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ Trương Tiến Hồi cho biết, Ban Quản lý đã huy động 100% quân số, phân công công việc rõ từng người, từ bảo đảm an ninh trật tự, nhắc nhở du khách không sử dụng nhiều hương nhang, không rải rắc tiền lẻ…, đến việc bố trí người thu gom, sắp đặt đồ lễ gọn gàng…

Người dân hóa vàng mã đúng nơi quy định tại chùa Hà (quận Cầu Giấy). Ảnh: Miên Hạo

Thường xuyên tuyên truyền, vận động

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, bên cạnh những người coi lễ hội là thời điểm hướng về cội nguồn, về với những giá trị chân thiện mỹ, thì không ít người coi đây là dịp mặc cả, khoán ước với thần thánh để cầu lợi cho bản thân.

Nhận định này không phải không có cơ sở, khi sau rất nhiều tuyên truyền, vận động, các đợt kiểm tra, giám sát, các hiện tượng mê tín dị đoan, dù không phổ biến, vẫn tồn tại ở một số di tích, lễ hội trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Đơn cử như tại cụm di tích đình - chùa Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông), dù loa tuyên truyền liên tục nhắc nhở, người dân vẫn phớt lờ quy định, đua nhau cài, đặt tiền lễ khắp nơi. Tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) vẫn còn tình trạng nhét tiền vào tay tượng phật và đền ông Hoàng Mười (tỉnh Nghệ An) còn hiện tượng dâng cúng đồ mã cồng kềnh…

Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có Văn bản số 46/VHCS-NSVH gửi các địa phương đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023, trong đó yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, hoạt động mê tín dị đoan. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, cần tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; kiên quyết không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp; hoạt động cờ bạc, bói toán, xóc thẻ, xin quẻ, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, biến tướng trong dâng sao giải hạn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội…

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, để đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong lễ hội, cần làm tốt công tác tuyên truyền với sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội; có quy định xử phạt cụ thể và khả thi, tránh hiện tượng nhờn luật; đồng thời, tăng cơ hội thực hành các giá trị văn hóa truyền thống cho nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Sở thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của gần 30 lễ hội lớn, lễ hội trọng điểm, thu hút đông người trên địa bàn thành phố. Trong đó, nội dung kiểm tra tập trung vào công tác tổ chức và quản lý lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ mê tín dị đoan... trong hoạt động lễ hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài trừ mê tín dị đoan mùa lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.