Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán tiêu thụ nông sản

Chí Kiên| 29/07/2011 07:16

(HNM) - Trong những năm qua, huyện vùng trũng Ứng Hòa đã phát huy được lợi thế phát triển kinh tế trang trại, từng bước nâng cao thu nhập trên phần diện tích cấy lúa kém hiệu quả.


Một mô hình chuyển đổi đa canh ở xã Minh Đức (Ứng Hòa). Ảnh: Chí Đạo

Minh Đức là xã đầu tiên đưa cây nấm về trồng thử nghiệm ở huyện Ứng Hòa. Sau thời gian ngắn (thời điểm cuối năm 2009 đầu 2010), cây nấm đã tỏ rõ hiệu quả, nông dân trong xã khi đó hồ hởi, nhiều người nghĩ, cứ đà phát triển như vậy thì sang năm 2011 cả xã sẽ "đổ xô" trồng nấm. Thế nhưng, vào những ngày cuối tháng 7 năm 2011, khi PV Hànộimới trở lại tìm hiểu nghề trồng nấm của nông dân Minh Đức, kết quả lại không như mong đợi. Chủ nhiệm HTX thôn Cầu, Nguyễn Xuân Sùng và một số người dân trực tiếp trồng nấm tỏ rõ sự thất vọng. Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Sùng cho biết, thời kỳ đầu riêng thôn Cầu có đến 30 hộ tham gia trồng thử nghiệm, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ còn 4 đến 5 hộ, sản xuất cầm chừng, sản phẩm làm ra tự tiêu thụ. Những hộ được coi là "làm lớn", quy mô lên đến 1 tấn rơm một lứa nấm như gia đình bà Nguyễn Thị Nẩy, Nguyễn Thị Tươi bây giờ cũng nghỉ để thu hoạch mùa vụ. Một số hộ khác gieo giống đã quá ngày nhưng nấm không phát triển vì nắng nóng. Theo ông Sùng, tình trạng ảm đạm này là do không tính toán kỹ lưỡng bài toán tiêu thụ nông sản trước khi triển khai mô hình, chỉ quan tâm đến "đầu vào", còn "đầu ra" gần như thả nổi.

Tuy nhiên, có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang lại hiệu quả cao đối với khu vực thuần nông nghiệp. Đặc biệt, khu vực đồng trũng với mô hình kết hợp trồng lúa, nuôi cá, vịt; trồng sen; nuôi trồng thủy sản; cung cấp giống... đã tận dụng được nguồn lực đất đai, lao động và sử dụng được cả phần diện tích đất xấu, canh tác kém hiệu quả. Điển hình như xã Trung Tú, đến nay có gần 800ha đất nông nghiệp trở thành những cánh đồng, những khu nuôi trồng thủy sản mênh mông, cho thu nhập gấp 2 đến 3 lần so với trước. Theo thống kê của UBND huyện Ứng Hòa, toàn huyện đã chuyển đổi được 2.250ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình đa canh lúa, cá, vịt; nuôi trồng thủy sản; trồng cây ăn quả... đồng thời phát triển được 127 trang trại, đạt giá trị một hécta canh tác trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Quyết Chiến, sản xuất nông nghiệp của Ứng Hòa còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khả năng thích ứng với thị trường hạn chế; tốc độ chuyển dịch trong nội bộ ngành nông nghiệp vẫn chậm so với yêu cầu...

Ông Nguyễn Quyết Chiến cho biết, Ứng Hòa đang tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM) điểm tại xã Đồng Tân, hoàn thành vào năm 2012. Ngoài ra, giai đoạn từ nay đến 2015 tiếp tục triển khai ở 8 xã, gồm Trung Tú, Phương Tú, Viên An, Đông Lỗ, Minh Đức, Vạn Thái, Hoa Sơn và Tảo Dương Văn. Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng nông thôn, huyện đã lập kế hoạch vốn với tổng kinh phí khoảng 2.435 tỷ đồng. Giải pháp trọng tâm xây dựng NTM ở những địa phương này là tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện, công tác dồn điền, đổi thửa cơ bản đã hoàn thành, mỗi hộ chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng. Trong 5 năm tới, Ứng Hòa phấn đấu thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm; giá trị trên một hécta canh tác đạt 101,9 triệu đồng/năm.

Mục tiêu là vậy nhưng bài học về cây nấm ở xã Minh Đức đã cho thấy rõ những hệ lụy khi ồ ạt phát triển các mô hình kinh tế mà "vô tình quên" những vấn đề đặt ra từ thực tế như nông dân phải "bắt tay" với ai để yên tâm cho sản phẩm đầu ra.

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên: Huyện đã đề ra chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; xây dựng thương hiệu "Lúa thơm khu Cháy"; đưa Ứng Hòa trở thành vùng chuyên canh thủy sản trọng điểm của Thủ đô... Trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015), huyện Ứng Hòa đặt mục tiêu mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng cao, chiếm khoảng 40%; tiếp tục chuyển đổi 1.500ha đất nông nghiệp sang các mô hình đa canh. Huyện cũng sẽ đánh giá và quy hoạch lại từng vùng trên cơ sở vùng trũng mở rộng chuyển đổi lúa, cá, vịt; vùng vàn sản xuất lúa chất lượng cao, trồng cây vụ đông, chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng ven sông Đáy sản xuất hoa màu, cây công nghiệp, cây dược liệu, chăn nuôi bò, lợn... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản Trung Tú - Đồng Tân; mở rộng dự án chăn nuôi xa khu dân cư Vạn Thái - Tảo Dương Văn và dự án nuôi trồng thủy sản Phương Tú...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán tiêu thụ nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.