Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Bài toán'' nông nghiệp công nghệ cao

Thế Văn| 29/11/2022 05:58

(HNM) - Nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành xu thế phát triển, nông nghiệp Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng không đứng ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” hệ thống nhà kính, nhà màng, nhà lưới… như một giải pháp thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao đã để lại không ít hệ lụy. Nhiều vấn đề cần được đặt ra cho “bài toán” này - công nghệ cao phải gắn với một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trồng hoa, trồng rau trong nhà kính, nhà lưới đã được xem như một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, được triển khai tại nhiều địa phương, rầm rộ nhất là tại thành phố Đà Lạt và một số huyện của tỉnh Lâm Đồng. Nhà kính tạo ra tiểu vùng khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây trồng, cho năng suất cao, chủ động được thời vụ, giảm chi phí lao động, hạ giá thành sản phẩm…, mang lại thu nhập đáng kể cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân. Tuy nhiên, sự mất kiểm soát trong việc phát triển mô hình này đã dẫn đến những hậu quả khó lường. Bạt ngàn nhà kính, nhà lưới đã không chỉ lấy đi nét đẹp tự nhiên của Đà Lạt - “thành phố ngàn hoa”, “thành phố mộng mơ” - mà còn để lại những hậu quả ghê gớm như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên…

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, nhà kính là một phương án canh tác chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Đó là hình ảnh của nông nghiệp chuyên canh để đạt năng suất cao. Còn nông sản chất lượng cao là loại nông sản phát triển hài hòa với môi trường xung quanh, không dựa vào sự bao bọc của nhà kính. Công nghệ cao trong nông nghiệp có nhiều thành tố như công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ tự động…

Chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, cơ cấu lại nông nghiệp hướng tới những giá trị xanh, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động số 272/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp “sạch”, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu...

Đây là bước chuyển mới trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, mang đặc trưng Hà Nội hướng tới những giá trị xanh, phát triển bền vững.

Muốn vậy, hàng loạt giải pháp cần được triển khai, trước hết là thay đổi tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành về một nền nông nghiệp đa giá trị - không chỉ là “trụ đỡ” cho khu vực nông thôn mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; đồng thời tiếp cận đa chiều với nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó chuyển tư duy, nhận thức thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Cùng với việc cơ cấu lại và quy hoạch nông nghiệp dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng; gắn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với các loại hình du lịch…, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp có tiềm lực về công nghệ và tài chính đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác là hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường trong nước và quốc tế.

Lời giải cho “bài toán” nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội là gắn công nghệ với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Bài toán'' nông nghiệp công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.