(HNM) - Những năm gần đây, lượng phương tiện giao thông cá nhân ở Hà Nội tăng chóng mặt. Nhiều giải pháp được đưa ra (thí điểm cũng như chính thức) để hạn chế ùn tắc nhưng cũng không thể giải quyết dứt điểm, bởi hạ tầng không theo kịp
Sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện cá nhân gây sức ép lớn
cho giao thông đô thị.Ảnh: Hồ Ý
Phương tiện giao thông tăng quá nhanh
Vấn đề này đã nhiều lần được đề cập. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp để tháo "ngòi nổ" này nên phương tiện cá nhân tiếp tục tăng và tăng mạnh. Tháng 12-2010, tại một cuộc họp, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP) Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ năm 2009 đến thời điểm đó, trung bình mỗi tháng thành phố có thêm từ 10 nghìn đến 15 nghìn phương tiện, trong đó khoảng 3-5 nghìn xe ô tô. Cơ sở hạ tầng giao thông dù đã được đầu tư, nhưng không theo kịp, luôn ở tình trạng quá tải. Hơn 8 tháng sau, tại buổi làm việc của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo với Sở GTVT, Phó Giám đốc Công an TP Trần Thùy công bố số liệu mới, đáng lo ngại hơn. Theo đó, 7 tháng đầu năm đã tiếp nhận thêm 28 nghìn ô tô, hơn 155 nghìn mô tô. Trung bình mỗi tháng có thêm 4 nghìn ô tô, hơn 20 nghìn xe máy. Và, tính đến tháng 8 năm nay, toàn thành phố có hơn 4,1 triệu xe máy, 368 nghìn ô tô. Lượng xe máy ở thành phố chiếm khoảng 1/8 số xe cả nước, với ô tô là khoảng 1/5.
Theo ông Thùy, nếu không giải nhanh bài toán điểm đỗ thì sẽ rất khó khăn. Trên thực tế, hiện tượng dừng, đỗ tùy tiện đã và đang diễn ra phổ biến, bởi quỹ đất dành cho bãi đỗ xe quá thiếu. Khi lực lượng chức năng mở chiến dịch chấn chỉnh tình trạng đỗ sai quy định, hàng loạt xe phải "xuống đường diễu hành" gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ trên một số tuyến phố.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án hạn chế, kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Đây là yêu cầu cấp thiết, nhưng để tìm được tiếng nói đồng thuận trong xã hội không đơn giản. Trước đây, thành phố đã có quyết định hạn chế đăng ký xe máy mới ở các quận nội thành nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng bị phản ứng quyết liệt với lý do vi phạm… Hiến pháp và phải bãi bỏ.
Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng
Hạn chế phương tiện cá nhân là vì lợi ích chung của thành phố do vậy rất cần sự hưởng ứng của mỗi công dân Thủ đô. Tuy nhiên, nhìn chung ý thức tham gia giao thông của người dân còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, nếu không sử dụng phương tiện cá nhân, cũng không biết trông đợi vào loại hình gì, khi chất lượng vận tải và vận tải công cộng (VTCC) đều còn vấn đề. Biện pháp cấm e sẽ gặp phải sự phản ứng như trước đây và biện pháp cứng rắn chỉ nên là giải pháp cuối cùng tính đến.
Phát triển hệ thống VTCC bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu chắc chắn sẽ thu hút đông đảo người dân và phương tiện cá nhân sẽ tự… giảm. Chẳng đâu xa, cách đây hơn chục năm, không nhiều người sử dụng xe buýt, thì đến nay, xe buýt đã thu hút rất đông khách. Trung bình mỗi năm, hệ thống xe buýt vận chuyển khoảng 400 triệu lượt hành khách. Tuy nhiên, xe buýt hiện đã "tới ngưỡng" và mới đây bị Sở GTVT phê bình tơi bời vì chất lượng dịch vụ kém. Dự án xe buýt nhanh BRT đã khởi động từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được khởi công. Các dự án đường sắt đô thị, metro không khá hơn là mấy. Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn-Ga Hà Nội được khởi công từ cuối năm 2006, dự kiến hoàn thành dịp 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, thì đến dịp Đại lễ lại… khởi công lần nữa. Dự án này hiện cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là về vốn khi sau vài năm chậm tiến độ, kinh phí đã tăng lên khoảng 1,5 lần. Rất may, ngoài dự án Nhổn-Ga Hà Nội, thêm dự án đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh đã triển khai tương đối khả quan và phần nào thấy chút hình hài. Các dự án đường sắt đô thị còn lại hoặc đang trong quá trình chuẩn bị, hoặc án binh bất động.
Hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết, nhưng trong bối cảnh VTCC còn quá nhiều vấn đề phải bàn, thật không dễ để giải bài toán quá tải phương tiện. Vậy nên, trước mắt, điều cần phải làm là tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp chất lượng hệ thống VTCC hiện có; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án VTCC khối lượng lớn để sớm hoàn thành đưa vào khai thác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.