Giao thông

Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Cung đường “sống chậm”, hay nét vẽ của Hà Nội yên bìnhBài 2: Sứ mệnh phụng sự

Nhóm phóng viên 13/05/2024 06:30

Xe buýt Hà Nội hôm nay đang tiếp tục sứ mệnh phụng sự. Mỗi chuyến xe, mỗi cung đường là biết bao ân tình, niềm cảm mến trao đi và nhận về. Chính tình yêu nghề và hạnh phúc với sứ mệnh được phục vụ của những người lao động “làm dâu trăm họ” mà xe buýt ngày càng được nhiều người lựa chọn.

Những cung đường ấm áp

Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua là những ngày Hà Nội bước vào đợt nắng nóng cao điểm đầu tiên mùa hè này. Đó cũng là những ngày mà Fanpage Xe buýt Hà Nội - Transerco “bội thu” những lời khen ngợi về đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ.

“Tại điểm đỗ Đình Làng Thần có một cụ già trên 80 tuổi lên, chú lái xe đỗ hẳn và khi cụ lên chú rất ân cần hỏi: “Cụ ngồi ổn định chưa để cháu đi?". Ra đến Phú Xuyên có 2 ông bà đưa nhau đi khám bệnh, chú phụ xe điều chỉnh chỗ ngồi của người khác để hai cụ được ngồi cùng nhau. Khi các ông bà đưa tiền để mua vé, vì không có vé tháng và không có thẻ miễn phí, chú lái xe bảo không thu tiền vé của ông bà… Những lời nói, hành động rất bình thường nhưng sao tôi thấy ấm lòng!”, chị Đỗ Thị Nghĩa (huyện Ứng Hòa) kể về những điều mắt thấy tai nghe trên xe buýt tuyến 101B mang biển kiểm soát 29B-29.037, lịch trình từ xã Đại Cường (huyện Ứng Hòa) lên bến xe Giáp Bát trong ngày 29-4.

img_9006.jpeg
Bắt đầu một ngày làm việc của tài xế Trần Anh Dân. Ảnh: T. Hoa

Còn niềm xúc động của Nguyễn Thanh Quyên (sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất) là khi đãng trí để quên túi đồ cá nhân trên xe buýt tuyến 28, biển kiểm soát 29B-19.167 thì được hỗ trợ rất nhanh và chu đáo. “Sau khi nhận được từ tổng đài thông tin về xe và số điện thoại bác tài, em đã liên hệ và được nhận lại đồ. Em vô cùng cảm ơn sự hỗ trợ đầy trách nhiệm của các anh chị tổng đài và bác lái xe, chú phụ xe “cute”. Em chúc mọi người luôn nhiều sức khỏe và mãi vững tâm với nghề…”, Quyên chia sẻ.

Sự giúp đỡ dù là nhỏ cùng lời hỏi thăm, động viên chân tình với những người đau yếu, mệt mỏi luôn là liều thuốc quý. Gửi lời cảm ơn tới lái xe và phụ xe tuyến buýt số 94, biển kiểm soát 29B-61.987 của Công ty cổ phần Vận tải Newway tối 1-5, chị Đỗ Thị Mẫn (huyện Thanh Oai) kể thêm: Khi xe chạy đến gần điểm chợ Bình Vọng (huyện Thường Tín), do mới đi chạy thận về, chị thấy đầu đau, choáng váng kèm buồn nôn nên đã gọi nhân viên bán vé xin nằm nhờ ở hàng ghế cuối. Được tận tình giúp đỡ kèm những lời hỏi han ân cần trên suốt hành trình về nhà, chị Mẫn vô cùng cảm động.

img_9007.jpeg
Những hình ảnh thường thấy trên mỗi chuyến buýt. Ảnh: T.Hoa

Những lời cảm ơn như thế có lẽ cũng là thứ tài sản quý giá được tích luỹ theo năm tháng để những người “làm dâu trăm họ” thấy mình thật “giàu có”. Chị Tạ Thị Bính, nhân viên phục vụ trên tuyến buýt 97, Xí nghiệp Xe buýt 10-10 Hà Nội còn may mắn có được một mối nhân duyên tốt từ việc làm tưởng không có gì đáng nói của mình. Khoảng tháng 10-2023, khi thấy một cháu học sinh lúng túng và sợ hãi đến sắp phát khóc vì lên xe mà quên mang theo vé tháng, chị đã động viên cháu bình tĩnh, tặng tiền để mua vé cho cả lượt đi, lượt về. Từ một việc làm hết sức bình thường đó, chị Bính không ngờ ngày hôm sau, bố mẹ cháu đã cùng con lên xe tìm gặp để trò chuyện, cảm ơn. Không dừng lại ở đó, về sau, hai bên năng đi lại thăm hỏi và dần trở thành những người thân, coi nhau như người trong một gia đình.

Nghề của nhiều mồ hôi và niềm vui!

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...”, những câu hát ấy có lẽ đã thôi thúc để năm 2017, khi Xí nghiệp Xe buýt 10-10 Hà Nội bắt đầu mở tuyến 92, tuyến ngoại thành xa nhất, anh Trần Anh Dân xung phong cầm lái. Dù khi ấy, anh đã qua thời trai trẻ sục sôi, bước vào tuổi 40.

7 năm qua, trên lộ trình gần 47km từ Nhổn lên Ba Vì với nhiều cung đường nhỏ, lại xấu, chỉ đủ 2 xe tránh nhau, dễ xảy ra tai nạn, anh Dân cùng đồng nghiệp đã vững tay lái, giúp hành khách có những hành trình an toàn quý giá. Nhiều người trong số họ được vinh danh “Vô lăng vàng”. Anh Dân còn vinh dự 2 lần liên tiếp giành giải Nhất trong cuộc thi lái xe giỏi của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.

21 năm gắn bó với công việc là chừng ấy thời gian anh Dân đi sớm, về khuya. Làm ca sáng, anh phải có mặt tại Xí nghiệp từ 3h30 để kịp giờ xe xuất bến. Với ca chiều, anh thường về nhà khi đã gần bước sang ngày mới. Chẳng những thời gian làm việc kéo dài, giai đoạn trước đây, vận hành xe buýt cũ chưa có điều hòa, các bác tài thường kiệt sức vì nắng nóng. Lại thêm đủ thứ áp lực vận hành phương tiện ra vào điểm đón, nhà chờ trong điều kiện giao thông nội đô đông đúc, ùn tắc…, lái xe buýt nào phải thật sự yêu nghề thì mới trụ vững. Nụ cười hài lòng, lời cảm ơn của hành khách, đặc biệt là thư cảm ơn của một hành khách cao tuổi được anh Dân trả lại nhiều giấy tờ bỏ quên trên xe là những tài sản quý “tiếp sức” cho anh, cứ đầy dần theo năm tháng.

img_9008.jpeg
“Khám sức khỏe” kỹ càng cho xe trước giờ xuất phát. Ảnh: T. Lương

Với anh Vương Tiến Dũng, công nhân lái xe tuyến 11 (Công viên Thống Nhất - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) của Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội, chặng đường 20 năm gắn bó là sự tận tâm, nhẫn nại. Anh kể, bắt đầu đến với nghề từ năm 2004 khi được một người thân trong gia đình cũng làm nghề lái xe buýt giới thiệu, dù đã có nhiều năm gắn bó với công việc lái xe, song khi vận hành những chiếc xe buýt lớn luôn đông đúc, anh mới thấy được hết trách nhiệm lớn của mình đối với mỗi hành khách.

Theo anh Dũng, để vững vàng tay lái, bảo đảm sự an toàn cao nhất cho hành khách trên xe buýt và những người tham gia giao thông trên đường, điều quan trọng nhất vẫn là bản thân phải luôn tự rèn luyện, không ngừng học hỏi từ các thế hệ đi trước, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, các quy trình tác nghiệp của đơn vị. Anh và đồng nghiệp của mình luôn thấm nhuần phải có tinh thần, thái độ làm việc tận tuỵ thì mới phục vụ hành khách vui vẻ, hạnh phúc.

Cùng có hành trang 20 năm gắn bó như anh Dũng, anh Trần Thế Tuấn, công nhân lái xe tuyến 90 (Hào Nam - Sân bay Nội Bài) của Xí nghiệp Xe buýt Yên Viên chia sẻ về công việc bằng sự hứng khởi còn vẹn nguyên như những ngày đầu. “Công việc này cho tôi cơ hội được tiếp xúc với hành khách ở mọi độ tuổi khác nhau. Các bạn trẻ mang trong mình sự trẻ trung, sôi nổi. Còn những hành khách lớn tuổi thể hiện sự chững chạc, lịch sự. Cả xã hội thu nhỏ trên xe buýt luôn khiến những công nhân lái xe cảm thấy đầy hứng khởi và được nạp nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày. Cũng qua công việc, mỗi chúng tôi sẽ trở nên khéo léo trong giao tiếp ứng xử, năng động, tháo vát hơn về mọi mặt trong cuộc sống”, anh Tuấn vui kể.

Những người như anh Dân, anh Dũng, anh Tuấn, hay chị Bính, cùng tập thể hàng nghìn người lao động đang làm việc tại các đơn vị hoạt động buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tìm thấy chung niềm vui, gắn bó với sứ mệnh phục vụ hành khách Thủ đô. Thái độ, tác phong phục vụ chuyên nghiệp, nhân văn trên mỗi tuyến buýt cũng từ đó lan tỏa lối ứng xử văn minh tới hành khách, hình thành nét văn hóa trên mỗi chuyến xe, cũng như làm giàu thêm nét thanh lịch của người Hà Nội.

Và sự gắn bó của họ với công việc vất vả này còn xuất phát từ niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn, phát triển hơn nữa của vận tải hành khách công cộng Thủ đô…

logo-dien-tu2-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Cung đường “sống chậm”, hay nét vẽ của Hà Nội yên bình Bài 2: Sứ mệnh phụng sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.