Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học về yếu tố bất ngờ

ANHTHU| 01/02/2008 08:43

(HNM) - Trang sử vàng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là minh chứng sinh động về nghệ thuật quân sự của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng cam go của dân tộc; là bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam “tiến công chiến lược một cách bất ngờ”,

Các chiến sỹ Quân giải phóng Đại đội 1, Tiểu đoàn 8 xuất kích đánh địch tại ấp Diêm Tiêu xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.Ảnh: Tư liệu TTXVN

(HNM) - Trang sử vàng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là minh chứng sinh động về nghệ thuật quân sự của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng cam go của dân tộc; là bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam “tiến công chiến lược một cách bất ngờ”, nhân lên sức mạnh trong thế lấy “nhỏ thắng lớn”, lấy “ít địch nhiều”, thô sơ và kém hiện đại hơn để đánh thắng đối phương có trang bị hiện đại.

Trước hết là yếu tố bất ngờ về thời điểm tiến hành. Nhận định rõ, với bản chất của quân đội tay sai, bán nước, Tết Nguyên đán là thời điểm binh lính ngụy vốn mang tâm trạng chán ngán chiến tranh, mong Tết đến sẽ là những ngày ngừng bắn để được xả hơi, may mắn hơn thì được nghỉ phép về thăm gia đình... do đó không khỏi bê trễ nhiệm vụ. Lính Mỹ, quân lính các nước chư hầu chứng kiến không khí đoàn viên của người Việt Nam càng tăng tâm trạng sợ chết, mong mỏi sớm được về nước. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên toàn miền Nam đã nổ ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán- thời điểm mà cả Mỹ và ngụy đều phải thừa nhận là “ngoài sức tưởng tượng” của chúng. Trong hồi ký “Lợi thế”, Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn viết: “Trận tiến công này nổ ra giữa ngày Tết... Cộng sản giành được thắng lợi lớn, nhất là ở thành phố Huế lịch sử, Cộng sản đã đột nhập thành nội và chiếm giữ được hơn 20 ngày... Vì chiến dịch tiến công này nhằm vào các vùng đô thị nên các lực lượng đồng minh và Nam Việt Nam đã rút từ những vùng nông thôn về để bảo vệ các trung tâm dân cư. Vì thế, nhiều vùng nông thôn Việt Nam bị bỏ trống cho Việt cộng”.

Yếu tố bất ngờ thứ hai là địa điểm. Trong cuộc tổng tiến công, ta chọn mục tiêu tiến công là các đô thị khiến địch hết sức bất ngờ. Bất ngờ vì đô thị là cơ quan đầu não, trung tâm chính trị, kinh tế và thực chất là những căn cứ quân sự, “bàn đạp” để Mỹ-ngụy tiến hành chiến tranh xâm lược quân sự. Trước khi mở những đòn tiến công táo bạo vào các đô thị, Bộ Chỉ huy tối cao của ta đã phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình và so sánh tương quan lực lượng trên mọi mặt giữa ta và địch, để trên cơ sở ấy, chúng ta bí mật chuẩn bị việc cất giấu, vận chuyển vũ khí, trang bị, các phương tiện bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; xây dựng lực lượng đấu tranh chính trị, quân sự trong các tầng lớp nhân dân; bí mật xây dựng thế trận, tổ chức “ém quân”, vạch các phương án tác chiến, cơ động lực lượng chiến đấu. Theo kế hoạch, đêm31-1, đúng vào lúc tiếng pháo giao thừa nổ ran, các LLVT ta đồng loạt tiến công vào các đô thị trên toàn miền Nam. Bộ đội đặc công, biệt động, pháo binh và bộ binh đã tấn công vào hầu hết các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch ở trung ương và địa phương. Đặc biệt, trận tiến công của ta vào tòa nhà Đại sứ quán Mỹ, khiến cho nước Mỹ bàng hoàng, hoảng hốt; nhiều chính khách phương Tây đã phải kinh ngạc thốt lên “đây là sự kiện không thể tin nổi”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 còn làm cho địch bị bất ngờ về quy mô và lực lượng của ta. Quân ta không chỉ đánh vào “vài chục điểm nhỏ” như phán đoán của tình báo địch, mà đánh đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam, đánh bằng ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược, lấy đô thị, thành phố là chính; bằng nhiều lực lượng kết hợp cả quân sự, chính trị, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các lực lượng quần chúng, khiến cho địch hết sức bối rối, không tài nào xác định được nơi đâu là đòn tiến công chủ yếu của lực lượng ta.

Đêm 30-1 (đêm 29, rạng ngày 30 Tết), LLVT cùng nhân dân Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng ven biển Khu 5 đồng loạt nổ súng tiến công, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Đêm 31, vào lúc giao thừa điểm cũng chính là lúc lực lượng vũ trang giải phóng đồng loạt tiến công vào Sài Gòn, Huế, Quảng Trị, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Vĩnh Long, Cần Thơ và các căn cứlớn, quan trọng của quân đội Mỹ và quân đội ngụy. Tại Sài Gòn, trọng điểm của cuộc tiến công, quân ta đánh Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, kho xăng Nhà Bè, Bộ Tư lệnh Hải quân, Trại thiết giápPhù Đổng (Gò Vấp), Trại pháo binh Cổ Loa, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, căn cứ truyền tin Phú Lâm...

Trước đòn tổng tiến công mạnh mẽ, bất ngờ và rộng khắp của quân và dân ta, Mỹ- ngụy buộc phải rút lực lượng ở các nơi về cứu nguy cho đô thị, bỏ hở vùng nông thôn rộng lớn. Nắm vững thời cơ do cuộc tổng tiến công tạo ra, lực lượng vũ trang giải phóng đã hỗ trợ cho nhân dân các địa phương đồng loạt nổi dậy giáng những đòn nặng nề vào bộ máy kìm kẹp của địch ở hầu hết các vùng nông thôn đồng bằng và miền núi, làm đảo lộn chiến lược quân sự của địch, đẩy chúng lún sâu vào thế phòng ngự bị động...

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cho thấy để thắng địch, yếu tố bất ngờ đã được chủ động tận dụng dựa trên những cơ sở khoa học của nghệ thuật quân sự, tạo thế và lực mới cả về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, hình thành sức mạnh tổng hợp mạnh hơn hẳn để đánh thắng địch. Thắng địch bất ngờ về chiến lược phản ánh bước nhảy vọt tất yếu về chất của chiến tranh nhân dân trên cơ sở tích lũy lâu dài, vững chắc về lượng. Người lãnh đạo, chỉ huy chiến tranh chống xâm lược tài giỏi là người nắm vững nghệ thuật đánh địch bất ngờ qua cách tạo thời cơ, sử dụng lực lượng một cách chắc chắn, kiên quyết và táo bạo, đánh đúng vào chỗ hiểm yếu nhất của địch; khiến kẻ địch trong tay quân vẫn còn đông, vũ khí còn nhiều mà vẫn phải chịu thua. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của chúng ta hiện nay và sau này.

Đồng Văn Đức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học về yếu tố bất ngờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.