Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học trên giảng đường - hành trang tương lai

Lê Trần Đức Huy| 09/06/2014 05:46

(HNM) - Đã một tuần trôi qua kể từ ngày học sinh cả nước thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sự kiện gần hai chục người gồm thanh tra, giám thị, bảo vệ, công an, lãnh đạo hội đồng thi Trường Trung học phổ thông Quang Trung (Đống Đa - Hà Nội) phục vụ cho thí sinh duy nhất thi môn lịch sử vẫn để lại rất nhiều suy nghĩ.



Hình ảnh thí sinh Khánh Linh một mình trong phòng thi môn lịch sử vào sáng 2-6 dễ dàng mang ý nghĩa đại diện, trong bối cảnh không có nhiều thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông chọn môn thi này, ít nhất là so với những môn thi tự chọn khác. Nỗi lo lắng về sự thờ ơ của giới trẻ đối với lịch sử nước nhà, thông qua hiện tượng "lười" học môn sử đã xuất hiện từ nhiều năm trước, giờ trở nên nặng nề hơn, nhất là khi cả nước sục sôi trước sóng gió từ Biển Đông liên tục dội vào đất liền. Có nhẽ nào, như Chế Lan Viên cảm thán về một thời đã xa, "quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê/ lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ"?

Những câu chuyện về lịch sử, về môn học lịch sử và bài học từ nó đã quay trở lại trong tháng sáu này, như từng xuất hiện trước đây vài ba năm nhưng giờ thì được đón nhận một cách sâu sắc hơn, có ý nghĩa thúc đẩy một sự cải cách giáo dục toàn diện và nâng cao nhận thức công dân. Nhưng, cũng như trước, câu hỏi quan trọng vẫn là vì sao, ra sao và như thế nào?

Lịch sử, hiểu một cách đơn giản là những gì liên quan đến xã hội loài người đã xảy ra. Điều đáng chú ý trong số nhiều cách lý giải về khái niệm "lịch sử" là ở chỗ nó mô tả câu chuyện mà qua đó chúng ta biết mình là ai, dựa trên tiêu chí chung là "thật, chính xác". Học sử là một cách để hiểu về gốc gác, tổ tiên, quá trình xây dựng và bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ. Những bài học về chiến tranh có thể giúp hun đúc giá trị của hòa bình, và mặt khác, thúc đẩy ý chí quyết tâm bảo vệ những gì mà tổ tiên đã bỏ xương máu để giữ gìn, trao lại cho hậu thế. Lịch sử, khoa học lịch sử và ý nghĩa từ nó là vậy. Lịch sử Việt Nam trải qua hàng nghìn năm oanh liệt, bao gương sáng tiền nhân, không thiếu sự thú vị đem lại cảm hứng về niềm tự hào dân tộc là vậy mà sao sự học, ước muốn tìm hiểu lại có sự hạn hẹp đến thế?

Người ta đã phân tích rất kỹ về nguyên nhân dẫn đến hiện trạng nói trên và bao giờ thì sự bàn luận cũng dẫn về vài hạn chế cơ bản, bao gồm nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và ý thức của học sinh đối với môn học này. Đó là những điều thường xuyên được nhắc tới tại những hội nghị chuyên ngành cũng như trong câu chuyện của mỗi gia đình dù những người nghĩ xa hơn thường đề cập đến một nguyên nhân cơ bản, có ý nghĩa bao trùm: Sự tôn trọng dành cho khoa học lịch sử và môn học lịch sử chưa xứng đáng với vai trò quan trọng của nó. Vì sao mà lịch sử lại phải chịu khoác "áo" môn phụ? Vì sao mà học sinh phổ thông ngại học môn lịch sử, cứ mỗi kỳ thi lại run rét vì nó? Tư duy thực dụng, thể hiện rõ ràng qua những câu chuyện về "đầu ra", do đâu mà có? Tâm lý học để lấy bằng, vì sao trở nên phổ biến?...

Tư duy quản lý dẫn dắt hành động, tạo ra hệ quả - như người ta nói là "nhân nào quả ấy", "gieo gì gặt nấy". Rõ ràng là "quy trình" học lịch sử theo cách thầy cô nói, học trò nghe, đến kỳ thi - kiểm tra thì tìm cách học thuộc lòng những gì có trong sách vở đã không thể tạo ra nhiều công dân am tường lịch sử nước nhà, không hiểu đủ về lịch sử thế giới để có thể kích thích lối tư duy biện chứng bằng cách xem xét lịch sử Việt Nam trong dòng chảy thế giới, nhờ đó tránh được cách hiểu ngộ nhận và thậm chí là hiểu sai về bản chất vấn đề.

Những năm gần đây, việc dạy và việc học môn lịch sử là đề tài được trao đổi thường xuyên, mỗi ngày một rõ là vấn đề mang tính thời sự. Câu hỏi về phương pháp, nội dung dạy và học lịch sử cũng vì thế mà "nóng" hơn, một điểm nhấn thực sự trong toàn bộ chương trình đổi mới nền giáo dục quốc dân. Vấn đề là trả lời câu hỏi đó như thế nào, điều gì sẽ phải ưu tiên thực hiện trước tiên nhằm thay đổi hiệu quả của việc dạy và học theo hướng tích cực?

Chúng ta đã có định hướng đúng về phát triển giáo dục - đào tạo trong thời gian tới, thể hiện rõ nhất thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Mục tiêu chung là xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng…Vấn đề là hành động thực tế để bảo đảm tạo dựng đúng, đủ điều kiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trong đó, nhiệm vụ quan trọng vẫn là thay đổi tư duy dạy và học, thay đổi phương pháp giáo dục, chương trình và nội dung giảng dạy.

Lịch sử là môn học có ảnh hưởng quan trọng đối với việc hình thành khả năng tư duy và nhân cách con người và bởi vậy, cần phải bãi bỏ cách học thụ động như hiện nay. Tùy vào từng cấp học - độ tuổi, chúng ta phải cân nhắc liều lượng và tần suất trong việc tiến hành những giờ học - trao đổi, trong đó giáo viên là người dẫn dắt sự tìm hiểu và thể hiện hiểu biết của học sinh thay vì gieo vào đầu chúng quá nhiều sự kiện, số liệu được viện dẫn từ sách và bắt chúng thuộc lòng như vẹt. Nhưng trình độ, phương pháp giảng dạy của giáo viên không phải là đối tượng duy nhất cần có sự thay đổi, vấn đề còn nằm ở nội dung chương trình, sách giáo khoa và "xa" hơn nữa là hệ thống sách, tư liệu tham khảo có tác dụng bổ trợ cho việc tìm hiểu của học sinh cũng như khả năng vận dụng chúng để phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Sự hiểu trong việc học bao giờ cũng tốt hơn là chỉ nhớ, giúp ích cho việc phân tích sự vật, hiện tượng sau này. Ít ngày qua, khi có thông tin về việc Trung Quốc củng cố Gạc Ma mà họ dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam, người viết từng nghe câu chuyện mà ở đó rõ ràng là người nói đã nhầm Gạc Ma thuộc quần đảo Hoàng Sa thay vì Trường Sa như phải thế. Nhưng, vấn đề lớn hơn nằm ở khả năng đánh giá vấn đề liên quan, chẳng hạn như việc củng cố Gạc Ma có liên quan gì tới chiếc giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, có ý nghĩa gì trong chiến lược hướng tới mục tiêu khẳng định cái gọi là "đường lưỡi bò"… Trong một trường hợp khác, nói và bàn về sự can dự của các nước lớn và khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ nhờ vào nội lực, nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội đã… thay Đảng và Nhà nước để "chọn đối tác". Nhiều ý kiến bình luận theo sau các bài viết về vấn đề này thể hiện cách hiểu tương đối đơn giản về tình hình hiện tại và giải pháp của chúng ta.

Thực tế là đã có những câu chuyện khác, vấn đề khác, lớn hơn, phức tạp hơn sự hiểu nhầm một địa danh trên quần đảo Trường Sa đã được đặt ra trong những buổi trò chuyện ngoài đời, mà qua đó, vấn đề được đặt ra là từ bài học lịch sử trong nhà trường ta có thể xem xét sự kiện, hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống và giải mã chúng một cách đúng đắn hay không. Ngày nay, bản chất của mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới với các quốc gia có tiềm lực yếu hơn là như thế nào? Bài học lịch sử về sự bộc lộ tư tưởng nước lớn, tính chất bá quyền của một quốc gia trong từng thời điểm cụ thể có gì liên quan hay không, nó thể hiện điều gì và điều đó giúp gì về mặt nhận thức và hành động của chúng ta?... Những điều đó không thể đòi hỏi một học sinh phổ thông trả lời ngay, nhưng ít nhất thì người lớn cần phải chuẩn bị cho chúng điều kiện ban đầu, khuyến khích sự tìm hiểu nâng cao để tìm ra bản chất vấn đề của sự kiện diễn ra trong tương lai.

Sự thực thì việc có ít học sinh chọn thi môn lịch sử trong mùa thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay có nguyên nhân của nó. Nhưng, dù nguyên nhân có là gì đi nữa thì điều đó cũng không thể hiện rằng giới trẻ thờ ơ với vận mệnh của đất nước, bằng chứng là sự quan tâm và lòng nhiệt thành mà họ đã thể hiện trong những ngày qua. Vấn đề là từ những điều nói trên, việc dạy và học lịch sử cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ, mục tiêu là tạo hành trang hiểu biết đúng nghĩa cho họ, thúc đẩy họ tìm đến với lịch sử nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học trên giảng đường - hành trang tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.