Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học thành công về công tác tổ chức cán bộ

Võ Lâm| 26/06/2018 06:55

(HNM) - Khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” của Quốc hội khóa XII, một trong những công việc khó khăn nhất đã được Đảng bộ TP Hà Nội thực hiện rất thành công đó là, công tác sắp xếp cán bộ, tổ chức bộ máy.


Bài 1: Những thách thức chưa có tiền lệ


Bài toán về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ đặt ra cho những người có trách nhiệm ở thời điểm cách đây 10 năm về trước những thách thức chưa từng có tiền lệ. Không chỉ do số lượng cán bộ đông mà còn là nhiều vấn đề phức tạp khác đòi hỏi phải có cách giải quyết phù hợp và hiệu quả.

Từ thách thức “nhân đôi bộ máy”…

Thách thức Thủ đô Hà Nội phải đối mặt khi bắt tay triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” của Quốc hội khóa XII là công tác cán bộ. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng nói: “Điều khó khăn nhất là việc hợp nhất tổ chức bộ máy và cán bộ. Đây là công việc có ý nghĩa rất quyết định, làm tốt việc này thì những việc khác thuận lợi hơn rất nhiều, còn nếu làm không tốt thì cũng phát sinh thêm những khó khăn mới”.

Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông.Ảnh: Bá Hoạt


Quả vậy, thời điểm ngay sau hợp nhất, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy cấp thành phố tăng cao do “nhân đôi bộ máy”. Cụ thể, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hà Nội tăng từ 57.000 lên thành 102.700 biên chế. Chỉ tính riêng số lượng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã lên tới con số hơn 900 người. Một số sở sau khi gộp lại như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cũ) có đến 13 phó giám đốc; nhiều sở có phổ biến từ 6 đến 8 phó giám đốc; các ban Đảng Thành ủy có nơi số lượng cấp phó cũng lên tới 8 người. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tăng lên thành 99 ủy viên; Ban Thường vụ Thành ủy có 23 đồng chí. Số lượng cán bộ đông như vậy, làm sao để bộ máy vận hành hiệu quả, không chồng chéo thực sự là bài toán không đơn giản.

Càng khó khăn hơn khi đội ngũ cán bộ được cộng cơ học từ hai bộ máy của hai địa phương không đồng đều từ chất lượng cho đến thói quen, tác phong công tác... Cụ thể, bộ máy của TP Hà Nội đã mang những đặc điểm của chính quyền đô thị, đảm đương các nhiệm vụ của một đô thị hóa ở mức độ cao. Trong khi bộ máy của tỉnh Hà Tây - vốn quản lý một địa bàn sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, khối lượng công việc ở mỗi vị trí tương đương, nhất là cấp trưởng của Hà Nội với tỉnh Hà Tây có sự khác nhau khá lớn. “Việc này giống như hai cỗ máy có kích cỡ khác nhau đang chạy với hai tốc độ khác nhau trong môi trường, nhiệt độ, ánh sáng khác nhau, giờ nhập làm một” - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị so sánh.

Làm sao để hai cỗ máy đó hòa vào nhau mà vẫn giữ được cân bằng, đi vào hoạt động ngay, phát huy hiệu quả? Đó là câu hỏi hóc búa đặt ra khi Hà Nội bắt tay thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12.

…đến tâm lý và tư tưởng


Từ những khó khăn khách quan nêu trên, không tránh khỏi nảy sinh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức những vấn đề tâm lý, tư tưởng. Đơn cử như trụ sở làm việc thay đổi, cơ quan phân tán, dẫn đến những thay đổi về công tác, sinh hoạt cũng tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Xuân Hộ thời điểm đó từng nêu băn khoăn, trăn trở của đội ngũ cán bộ: "Trụ sở chật hẹp, đi lại mất cả tiếng đồng hồ; cán bộ không phải ai cũng thông suốt nên cần quan tâm công tác tư tưởng". Chưa kể khó tránh khỏi nảy sinh tâm lý lo ngại về tính cục bộ, địa phương. Đây là vấn đề đặt ra, bởi sau khi hợp nhất, thành phố phải sắp xếp lại bộ máy sao cho hợp lý, hoạt động hiệu quả, khi đó buộc phải đụng chạm lợi ích đến từng cá nhân cán bộ, nhất là những người nắm các vị trí lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Thực tế, chỉ có cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý do Trung ương quyết định gồm Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy và các Phó Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy. Ngoài ra, thành phố phải tổ chức sắp xếp toàn bộ phần còn lại, trước tiên là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý với hơn 900 người. Trong đó, cấp phó được giữ nguyên nên dễ ổn định, nhưng trong hai cấp trưởng thì phải chọn một người đảm nhiệm vị trí đứng đầu sau hợp nhất. Ở các sở, ban, ngành cũng phải thực hiện nhiệm vụ tương tự với những nơi có các phòng, ban được gộp vào. Tiếp theo, để cơ cấu lại số lượng cấp phó bảo đảm quy định chung, thành phố tiếp tục phải thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ về các quận, huyện, thị xã. “Ai đi, ai ở?” là câu hỏi đặt ra mà nếu không quan tâm “đúng lúc, đúng chỗ” sẽ là nguồn cơn nảy sinh mâu thuẫn... Nếu không giải quyết tốt vấn đề tư tưởng sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm cho bộ máy không thể vận hành bình thường.

Vấn đề tư tưởng cũng chính là nội dung mà đồng chí Nông Đức Mạnh, khi đó là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thay mặt Trung ương lưu ý lãnh đạo thành phố tại lễ công bố quyết định và ra mắt cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội (sau khi mở rộng địa giới hành chính): “Đồng thời với quá trình sắp xếp cán bộ, kiện toàn bộ máy, phải tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giải thích để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội. Thông qua đó, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng và nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong mọi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, trong các tầng lớp nhân dân thành phố; tạo thành sức mạnh tổng hợp cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Nhận diện những thách thức đặt ra để có cách làm sáng tạo, kịp thời chính là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội xác định phải tập trung thực hiện cho tốt để hoàn thành nhiệm vụ Trung ương và Quốc hội giao phó, không phụ lòng tin tưởng, sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài học thành công về công tác tổ chức cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.