(HNM) - Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ (KPC), song tất cả các dự án đều chỉ tôn tạo những di tích, những căn nhà riêng lẻ...
Phố Tạ Hiện đẹp hơn sau khi được tu bổ, tôn tạo. Ảnh: Linh Tâm
Khơi dậy tiềm năng di sản
Sau khi được trùng tu, tôn tạo, phần lớn công trình nhà ở, di tích, mặt tiền, đường phố trong KPC Hà Nội trở nên gần gũi với không gian xưa, rõ nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của người Hà Nội hơn. Việc cải tạo, chỉnh trang đoạn phố Tạ Hiện vừa hoàn thành, cũng như một số dự án tu bổ, trùng tu di sản độc lập khác trong thời gian trước đó đã mở ra nhiều điều thú vị về công tác bảo tồn KPC.
Với tổng kinh phí chỉnh trang gần 15 tỷ đồng, đoạn phố Tạ Hiện thuộc phạm vi dự án dài khoảng 52m (giới hạn từ phố Lương Ngọc Quyến đến ngõ Đào Duy Từ, dãy nhà chẵn từ số nhà 8 đến số nhà 18, dãy nhà lẻ từ số nhà 5 đến số nhà 27), giờ như mang gương mặt mới, khang trang, sạch sẽ. Toàn bộ đoạn phố được sơn một màu thống nhất là vàng nhạt. Lòng đường được lát đá tự nhiên. Ngay cả đường ống thoát nước từ mái các ngôi nhà cũng được làm bằng gốm đất nung, điều hiếm thấy trong kiến trúc đương đại. Nếu không phải vì màu sơn còn quá mới, nhiều người dễ có cảm giác như đang đi trong phố cổ Hà Nội nhiều năm trước đây. Ông Trịnh Thọ, 81 tuổi, trú tại nhà số 17 Tạ Hiện vui mừng nói: "Tôi đã sống ở đây hơn 50 năm. Tôi thấy kiến trúc tuyến phố sau cải tạo trông đồng bộ và đẹp. Mặt ngoài tuyến phố giống với kiến trúc thuở ban đầu, nhưng khang trang hơn. Nhiều người dân trong khu phố cổ và du khách thấy ngỡ ngàng và khen ngợi về tuyến phố được cải tạo này".
Trước khi cải tạo đoạn phố Tạ Hiện, ngôi nhà 87 Mã Mây gần đó như đã tìm lại được chính mình sau khi được trùng tu, trở thành điểm nhấn văn hóa - du lịch trong KPC. Ngôi nhà ấy hiện là địa chỉ tái hiện sinh động bức tranh toàn cảnh sinh hoạt, buôn bán tấp nập của Hà Nội ba mươi sáu phố phường xưa, hấp dẫn du khách trong, ngoài nước. Đến đây, du khách có cơ hội tìm hiểu kiến trúc, văn hóa, lịch sử của ngôi nhà và mua những mặt hàng thủ công truyền thống của các làng nghề cổ Việt Nam như vòng, nhẫn bạc, tranh Đông Hồ, tượng tranh, bình, lọ gốm, tượng đồng, bàn ghế mây tre đan, mặt nạ giấy, gỗ, lụa tơ tằm hoặc nhờ ông đồ viết đôi câu đối Tết.
Đình Quan Đế (28 Hàng Buồm) là một ví dụ khác về sự hồi sinh kiến trúc cổ trong KPC, phát huy giá trị di sản. Sau khi được trùng tu và trở thành Trung tâm Thông tin phố cổ, chuyên cung cấp các thông tin về di sản, văn hóa trong KPC Hà Nội cho du khách trong và ngoài nước, đình Quan Đế còn là điểm đến của những người yêu nghệ thuật ca trù vào tối thứ bảy hằng tuần.
KPC sẽ được biết đến nhiều hơn, hữu ích hơn nếu biết cách bảo tồn và khơi dậy tiềm năng vốn có.
Những bài học hữu ích
Do tuyến phố Tạ Hiện có sự giao lưu về kiến trúc, giữa Đông và Tây nên trong quá trình cải tạo, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật chung như chỉnh trang cửa chính, cửa sổ, ban công, màu sơn nhà, biển quảng cáo... được sắp xếp theo quy chuẩn, các kiến trúc sư đã phải đưa ra những giải pháp khác nhau cho từng dãy nhà, chẳng hạn như với dãy nhà có kiến trúc Việt thì lợp ngói vảy cá, theo đúng phong cách phương Đông. Ông Phạm Tuấn Long, Phó BQL phố cổ Hà Nội cho hay: "Đoạn phố Tạ Hiện nằm trong khu bảo tồn cấp 1 của KPC Hà Nội, là một trong số ít phố còn giữ được nét đặc trưng kiến trúc của nhà ở liền kề, nên BQL phố cổ đã lựa chọn một đoạn phố này để cải tạo. Dự án được làm thí điểm, để rút kinh nghiệm trong việc cải tạo mặt đứng của các tuyến phố cổ sau này".
Đây là lần đầu tiên việc cải tạo, chỉnh trang phố cổ Hà Nội được tiến hành trong điều kiện người dân vẫn duy trì sinh hoạt, kinh doanh bình thường. Do đó, trước khi thực hiện, chính quyền quận Hoàn Kiếm, BQL phố cổ đã gặp gỡ nhân dân để tuyên truyền, phổ biến giá trị của KPC, những yêu cầu bức thiết về cải tạo, bảo tồn nhằm tạo mối lợi chung có liên quan mật thiết đến đời sống của cư dân sở tại. BQL phố cổ còn trưng bày mô hình của đoạn phố sau khi cải tạo để mọi người góp ý kiến, trao các bản thiết kế đến từng hộ dân, giúp họ cân nhắc thái độ ứng xử phù hợp trên cơ sở tự trao đổi, phân tích giá trị tuyến phố. Nhằm tạo điều kiện cho các hộ sinh hoạt, buôn bán, các gia đình được quyền ấn định thời gian thi công, khi người dân thông suốt, thống nhất về thời gian thì việc cải tạo mới được tiến hành. Ông Phạm Tuấn Long khẳng định: "Sự ủng hộ của nhân dân là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của dự án. Hầu hết các gia đình đã tự đầu tư thêm tiền để cải tạo một phần ngôi nhà của mình, sao cho phù hợp với không gian mới, đồng thời chuyển từ kinh doanh hàng ăn sang kinh doanh dịch vụ du lịch, bán đồ lưu niệm".
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị và nông thôn, phía thi công đã rút kinh nghiệm trong việc xác định phương án thi công phù hợp để việc cải tạo đạt mục tiêu cần thiết: "Việc triển khai, chuẩn bị vật liệu, thi công, chỉnh sửa các khối nhà cổ Tạ Hiện khá đơn giản, hoàn toàn nằm trong khả năng của các chuyên gia Việt Nam. Điều khó nhất vẫn là việc khảo sát, phân tích hồ sơ và tìm ra phương án chuẩn để trùng tu khối nhà cổ này".
Tuyến phố đẹp hơn, song nhiều người dân KPC vẫn lo lắng việc cải tạo từng đoạn có thể khiến KPC loang lổ. Bà Nguyễn Nguyệt Nga, phố Tạ Hiện nói: "Nhìn khu phố đẹp lên từng ngày, ai cũng vui. Nhưng dự án mới chỉ làm có 52m thì dừng, khiến chúng tôi thấy băn khoăn". Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long khẳng định: "Đoạn phố Tạ Hiện được làm thí điểm để nhân rộng ra các tuyến phố khác. Hiện chúng tôi đang lập hồ sơ cải tạo, chỉnh trang phố Lãn Ông. Với phố này, quy trình thực hiện tương tự Tạ Hiện, song mức độ can thiệp có khác, ưu tiên cho các ngôi nhà rõ kiến trúc Việt".
Dự kiến, dự án cải tạo phố Lãn Ông sẽ được thực hiện trong năm nay và sau đó sẽ là những phố khác trong khu vực bảo tồn cấp 1 của KPC. Kinh nghiệm từ Tạ Hiện có thể được nhân rộng, đem lại sắc thái mới cho KPC Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.