(HNM) - Thời gian gần đây, du khách nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc, tới Nha Trang (Khánh Hòa) tăng mạnh là tín hiệu vui đối với ngành du lịch tỉnh này. Tuy nhiên, sự tăng trưởng lại là một nguyên nhân gây ra tình trạng lộn xộn, đồng thời bộc lộ sự lúng túng trong công tác quản lý du lịch của chính quyền địa phương.
Đây có phải là bài học và ngành du lịch làm gì để tránh tình trạng tương tự? Muốn "câu chuyện Nha Trang" không lặp lại với không chỉ khách Trung Quốc mà cả những thị trường khác, phải có được giải pháp tổng thể, dài hạn.
Khách du lịch Trung Quốc đến Nha Trang (Khánh Hòa) ngày càng tăng. |
Chất lượng dịch vụ đi xuống
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, 5 tháng đầu năm 2016, lượng khách Trung Quốc đến Khánh Hòa đạt 175.000 lượt người, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 40% tổng lượng khách quốc tế đến tỉnh này. Việc lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng đã góp phần làm tăng doanh thu cho ngành du lịch, tuy nhiên lại dẫn đến nhiều hệ lụy như tình trạng khan hiếm phòng nghỉ, chất lượng dịch vụ và một số vấn đề quan trọng khác.
Với những hạn chế đã bộc lộ trong thời gian qua, nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là năng lực cung cấp dịch vụ tại Nha Trang chưa đủ để đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong nước và khách quốc tế một cách tốt nhất, đặc biệt là khi có chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến bay) đưa khách Trung Quốc đến đây. Bị thuyết phục bởi những đoàn khách Trung Quốc đông nườm nượp, một số đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, giải trí có tư tưởng “ưu ái” đối tượng này nên có lúc tỏ thái độ... không mấy thân thiện, thậm chí từ chối phục vụ khách trong nước...
Điều đáng ngại là, theo ông Lê Công Năng - Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour, chất lượng dịch vụ tại Nha Trang đang đà “giảm dần đều” vì nhiều đơn vị hạ giá thành, kéo chất lượng phục vụ xuống để thu hút khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc “đổ bộ” ồ ạt của hướng dẫn viên (HDV) không có thẻ từ khu vực Móng Cái, Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là HDV Trung Quốc đã khiến chất lượng tour giảm sút. Thậm chí, một số công ty du lịch còn sử dụng nhiều “mánh” để thu lợi không chính đáng. Chẳng hạn, những đơn vị này chào giá tour "thấp kỷ lục" và bù lại bằng cách yêu cầu HDV ép khách mua các gói tour tham quan Vinpearlland, lặn biển Hòn Mun, tắm bùn… với giá cao gấp đôi, gấp ba, hoặc ép khách vào mua sắm tại các cửa hàng “ruột” (đa số không có biển hiệu). Không những vậy, gần đây ngày càng có nhiều người Trung Quốc vào Nha Trang với lý do du lịch nhưng "núp bóng" tư cách pháp nhân của doanh nghiệp Việt Nam để kinh doanh du lịch; sử dụng thương hiệu Việt Nam để kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng của Trung Quốc. Tình trạng lộn xộn đến mức Tổng cục Du lịch đã phải ban hành Văn bản số 519/TCDL-LH, ngày 1-6-2016, về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, đón khách du lịch Trung Quốc tại TP Nha Trang.
Không phải chuyện mới
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi RedTours, "câu chuyện Nha Trang" không mới bởi trước đây, tình trạng này đã diễn ra tại Đà Nẵng, Móng Cái, Hạ Long... Ngành Du lịch Việt Nam luôn rơi vào tình trạng là, khi chúng ta tập trung cho mục tiêu tăng trưởng về lượng khách quốc tế thì thường tạo mọi điều kiện để thu hút đối tượng khách này; nhưng khi khách đến nhiều, mục đích chính đạt được rồi thì lại không ý thức được sự cần thiết phải tăng cường quản lý chặt chẽ ngay từ đầu. Một số địa phương biết rõ sai phạm của các đơn vị lữ hành trong nước hay nước bạn, nhưng vẫn lờ đi.
Chuyện ở Nha Trang đã từng xuất hiện ở một số địa phương khác, như khi khách Trung Quốc đổ vào Quảng Ninh hay khách Nga đến Mũi Né... với số lượng lớn. Khi đó, có cảm giác rằng khách nước ngoài tự đến và tự đi, ngành Du lịch rơi vào thế bị động, không tận dụng tốt cơ hội đến từ việc có nhiều khách. Vì lợi ích, một số địa phương tỏ ra "quá linh động" trước sự tồn tại của mô hình kinh doanh bất hợp pháp. "Khi chúng ta dễ dãi, phía có hành vi sai phạm càng được đà lấn tới. Sự dễ dãi thành nếp thì rất khó chữa. Khi lượng khách tới từ một thị trường nào đó đã chiếm tỷ lệ quá lớn thì dù đó là nguyên nhân gây ra hệ lụy, cơ quan quản lý địa phương sẽ lâm vào tình trạng ngại đưa ra phản ứng mạnh do sợ ảnh hưởng đến nguồn khách này" - ông Nguyễn Công Hoan nói.
Sự lộn xộn trong việc đón khách quốc tế ở Nha Trang cho thấy, cần có giải pháp bài bản cho vấn đề này để bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Khách Trung Quốc có đặc điểm là nhiều người chọn phương án "đi tour dưới giá thành". Do đó, để đón họ mà vẫn không làm ảnh hưởng tới khách trong nước cũng như các thành phần khách quốc tế khác, chúng ta có thể tính đến việc xây dựng một hệ thống cơ sở dịch vụ phù hợp với khách Trung Quốc, giống như một số nước đã làm. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tình thế.
Để "câu chuyện Nha Trang" không lặp lại với không chỉ khách Trung Quốc mà cả những thị trường khách khác, điều quan trọng là phải có được giải pháp tổng thể, mang tính dài hạn. Ngành Du lịch có thể dùng nhiều biện pháp để xúc tiến, quảng bá, thu hút khách đến Việt Nam, nhưng công tác quản lý điểm đến phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ ngay từ đầu; kiên quyết không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ chỉ để chiều theo sở thích, thói quen của nhóm khách nào đó - dù là số lượng lớn đến thế nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.