(HNM) - Hai năm trước, sau khi bị loại từ vòng bảng AFF Cup 2010, bóng đá Singapore đứng trước áp lực phải xây dựng lại đội tuyển quốc gia bắt đầu bằng việc sa thải HLV Radojko Avramovic và loại bỏ những cầu thủ cao tuổi để trẻ hóa triệt để.
Trái với bóng đá Việt Nam, sau mỗi thất bại người ta thường có xu hướng "xóa đi làm lại'', thậm chí phá thành quả của những người đi trước để làm mới thì Singapore vẫn tin tưởng vào ông thầy người Serbia suốt chín năm qua, kể cả ở những thời điểm khó khăn nhất. Trong ba giải đấu khu vực gần đây, VFF luôn thay HLV trưởng và người sau thường có cách xây dựng đội hình riêng, không giống người đi trước nên thường không có tính kế thừa. Điều đó khiến HLV mới cũng phải mất rất nhiều thời gian để làm lại và nhiều khi giải đấu đã cận kề vẫn chưa tìm được điều mình cần.
Trong khi đó, dù có giải đấu bết bát, nhưng ĐT Singapore sau AFF 2010 vẫn duy trì bộ khung đã được ông Avramovic xây dựng. Có đến 10 trong số 11 cầu thủ vào sân trong đội hình chính thức ở trận chung kết lượt về với Thái Lan vào tối 22-12 là những người từng tham dự AFF Cup 2010. Các cầu thủ cao tuổi như Alexandar Duric (sinh năm 1970), Daniel Bennett (sinh năm 1978) hay Mustafic Fahrudin (sinh năm 1981) từng bị kêu gọi rút lui để nhường chỗ cho các cầu thủ trẻ vẫn được trọng dụng dù họ không còn đạt phong độ đỉnh cao.
Để ông Avramovic có thể yên tâm xây dựng đội hình theo cách mà mình cho là đúng nhất, không thể không kể đến sự ủng hộ hết mình của LĐBĐ Singapore. Quan điểm của LĐBĐ nước này là "không tin thì không dùng, nhưng đã dùng thì phải tin'' nên đã giao toàn quyền cho ông Avramovic, kể cả việc sử dụng những cầu thủ nhiều tuổi và không còn đạt phong độ tốt ở ĐTQG.
Thực tế ở AFF Cup 2012 đã cho thấy "con tính'' của ông Avramovic chính xác đến từng ly. Alexandar Duric không còn là cỗ máy ghi bàn như trước, nhưng chiều cao và khả năng làm tường của anh này vẫn rất hữu hiệu trong các pha tấn công bóng bổng của Singapore. Chính cầu thủ này đã hai lần tạo cơ hội cho đồng đội ghi bàn vào lưới Thái Lan ở trận chung kết lượt đi. Daniel Bennett không còn đóng vai trò trung tâm ở hàng phòng ngự, nhưng khi bị đẩy sang cánh phải thì vẫn chơi xuất sắc để chặn đứng ngòi nổ nguy hiểm của Thái Lan bên cánh này. Còn Mustafic Fahrudin đã khá chậm chạp, nhưng kinh nghiệm và khả năng đọc tình huống của anh đã hỗ trợ rất nhiều cho "tiểu tướng'' Hariss Harun. Bộ ba này chính là chỗ dựa vững chắc cho dàn cầu thủ, nhất là ở yếu tố kinh nghiệm trong những thời điểm khó khăn.
Thế nên, trong lời phát biểu đầu tiên khi giành chức vô địch AFF Cup, HLV Avramovic đã đặc biệt cảm ơn LĐBĐ Singapore về sự ủng hộ hết mình trong những thời điểm khó khăn nhất và cho rằng nếu không có sự ủng hộ đó thì ông không thể lập nên kỳ tích "Ba lần giành chức vô địch AFF Cup trong chín năm'' cho một đất nước nhỏ bé như Singapore.
Bài học đi lên từ thất bại của BĐ Singapore, người ta lại thấy lo cho BĐVN khi sau AFF Cup 2012, VFF lại quyết định thay HLV trưởng rồi đưa lứa U.22 QG lên thay lứa cầu thủ vẫn còn khá tốt ở ĐTQG. Phải chăng vẫn còn có nhiều cách ứng xử với thất bại tốt hơn cách "xóa đi làm lại'' mà bóng đá Việt Nam vẫn làm như những năm qua?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.