Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học đắt giá về quản lý trật tự xây dựng

Nhóm phóng viên| 05/08/2016 06:09

(HNM) - Khoảng 3h30 ngày 4-8, căn nhà số 43 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, bất ngờ bị đổ sập. Ngôi nhà này do ông Trần Anh Tuấn, sinh năm 1964, làm chủ hộ. Căn nhà có diện tích khoảng 30m², 3 tầng, 1 tum; tầng 1, 2 để kinh doanh, tầng 3 là bếp và nơi ngủ của nhân viên.

Khoảng 3h30 ngày 4-8, căn nhà số 43 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, bất ngờ bị đổ sập. Ngôi nhà này do ông Trần Anh Tuấn, sinh năm 1964, làm chủ hộ. Căn nhà có diện tích khoảng 30m², 3 tầng, 1 tum; tầng 1, 2 để kinh doanh, tầng 3 là bếp và nơi ngủ của nhân viên. Cạnh ngôi nhà 43 là ngôi nhà 41 đã tháo dỡ để xây dựng lại. Tại thời điểm xảy ra vụ sập nhà, trong nhà có 9 người đang cư trú.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt trong ngôi nhà bị sập tại số 43 phố Cửa Bắc.
Ảnh: Việt Hùng



Ngay sau khi nhận được tin báo cứu nạn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng gồm: Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng, Y tế cùng các lực lượng liên quan của quận và phường đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho các nạn nhân bị thương và bảo đảm an toàn cho các hộ dân xung quanh, ổn định tình hình trật tự khu vực. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn xác định có 4 người tự thoát ra ngoài, 5 người mắc kẹt trong nhà.

Huy động tối đa nhân lực cứu nạn, cứu hộ

Nhận được tin báo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng hai Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Thế Hùng đã có mặt ngay tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn, điều tra nguyên nhân vụ việc. Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố, việc cứu nạn phải rất khẩn trương nhưng cũng phải bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu nạn và không gây sập, đè các tảng bê tông xuống những nạn nhân còn kẹt trong đống đổ nát. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo không sử dụng phương tiện cơ giới nhấc những tấm bê tông đổ ngả vào nhà số 45 phố Cửa Bắc, vì khả năng những tấm bê tông này là chỗ dựa cho nhà số 45.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã khẩn trương huy động phương tiện, nhân lực tối đa để cứu những người còn đang bị kẹt dưới đống đổ nát. Đến 9h sáng, lực lượng cứu nạn đã lần lượt đưa được 3 nạn nhân ra khỏi khu vực nhà sập và chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Đến 11h30, 2 nạn nhân cuối cùng là anh Nguyễn Văn Quang và chị Nguyễn Thị Hằng được đưa ra ngoài, nhưng xác định là đã tử vong.

Những tấm lòng sẻ chia

Ngay sau khi sự cố xảy ra, trong chiều 4-8, các ban, ngành, đoàn thể thành phố và nhiều đơn vị đã thăm hỏi, động viên người bị nạn, bước đầu hỗ trợ người bị thương 5 triệu đồng/người và gia đình 2 nạn nhân tử vong, với số tiền là 22,4 triệu đồng (trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội 5 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ thành phố 2 triệu đồng, UBND quận Ba Đình và UBND phường Trúc Bạch 15,4 triệu đồng). Bệnh viện Thanh Nhàn hỗ trợ phương tiện miễn phí đưa người bị nạn về quê.

Cùng chia sẻ với những người không may mắn, đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 3 nạn nhân đang điều trị tại đây, mỗi nạn nhân 1 triệu đồng. Các bệnh nhân xúc động trước sự động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới, cơ quan báo chí đầu tiên đến hỏi thăm, hỗ trợ và động viên tinh thần các nạn nhân. Trong số các nạn nhân đang được điều trị, chị Nguyễn Thị Thoa bị đa chấn thương; anh Nguyễn Vĩnh Đua nghi chấn thương sọ não. Đến tối ngày 4-8, lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, sức khỏe hai nạn nhân đang điều trị tại đây đã ổn định. Riêng nạn nhân Nguyễn Vĩnh Đua đang tiếp tục theo dõi chấn thương sọ não. Đó chính là "liều thuốc" giảm đau tốt nhất của những người xa quê. Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới cũng đã đến chia buồn, động viên 2 gia đình nạn nhân tử vong và hỗ trợ mỗi gia đình 3 triệu đồng.

Bài học về quản lý trật tự xây dựng

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung, về nguyên tắc chủ đầu tư các công trình xây dựng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận khi thi công. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả điều tra ban đầu của Công an quận Ba Đình chiều 4-8 thì: Qua thu thập chứng cứ, bước đầu Công an quận Ba Đình xác định, thời điểm nhà số 43 bị sập, nhà số 41 do bà Nguyễn Thị Vân (SN 1934) làm chủ đang xây dựng lại. Anh Trương Quốc Hùng, con trai bà Vân và ở cùng nhà đã thuê em vợ là Trần Tiến Tuân (SN 1985, ở Thường Xuân, Thanh Hóa) xây lại nhà cho gia đình. Tuân đã thuê Bùi Quốc Tùng (SN 1986, ở Tây Hồ, Hà Nội) đào móng nhà và vận chuyển rác thải. Khoảng 22h ngày 3-8, Tùng thuê Trần Văn Minh lái máy xúc đến đào móng nhà ở số 41, còn Tùng và Lê Văn Tiến lái xe chở chất thải đi đổ. Nhóm của Tùng làm đến 3h thì phát hiện nhà số 43 rung lắc và đổ sập.

Làm việc với cơ quan điều tra, các đối tượng trên khai nhận, quá trình thi công nhà số 41 đã làm vỡ đường ống nước, làm lở móng nhà số 43. Ngoài ra, nhà số 43 xây dựng từ năm 1980 không có kết cấu bê tông nên đã dẫn tới việc sập nhà. Trước những dấu hiệu phạm pháp hình sự, cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" để tiếp tục điều tra làm rõ.

Như vậy, mặc dù việc xây dựng lại công trình tại số nhà 41 phố Cửa Bắc đã được UBND quận Ba Đình cấp phép, song công tác quản lý trật tự xây dựng sau cấp phép đã không lường hết được thực trạng và sự xuống cấp của ngôi nhà số 43 bên cạnh nên đã không quyết liệt trong việc chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án bảo đảm an toàn khi thi công. Đây là một lời cảnh báo, là bài học đắt giá rất cần rút kinh nghiệm về quản lý trật tự xây dựng.

Theo ông Trần Việt Trung, hằng năm, trước khi vào mùa mưa bão, UBND các quận, huyện đều phải rà soát, thống kê các công trình hư hỏng, xuống cấp, có dấu hiệu mất an toàn; chuẩn bị phương án chống đỡ, di dời đối với công trình nguy hiểm khi có mưa, bão. Vì thế, vụ việc sập đổ nhà 43 phố Cửa Bắc cũng còn là một lời cảnh báo cho cả cơ quan chức năng và người dân đang sinh sống trong những căn nhà lâu năm, xuống cấp về tình trạng nguy hiểm, mất an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài học đắt giá về quản lý trật tự xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.