(HNM) - LTS: Trong khi nhiều quận nội thành của Hà Nội “nhọc nhằn vì thiếu bể bơi” (Báo Hànộimới đã có bài phản ánh tại số báo ra ngày 14 và 15-7) thì khu vực ngoại thành cũng rơi vào cảnh tương tự. Đáng lo ngại hơn, không chỉ thiếu mà còn có một thực tế là: Nhiều bể bơi đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng... Thậm chí, không đủ điều kiện bảo đảm an toàn.
Bể bơi nằm giữa cánh đồng ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. |
Thời gian gần đây, hàng loạt bể bơi không phép ở các vùng ngoại thành đã đi vào hoạt động, dù hầu hết không đúng quy hoạch, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng… Tình trạng này không thể không nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương. Và một thực tế là, hồ sơ vi phạm đã được lập, nhưng chưa có công trình nào bị cưỡng chế...
Bể nuôi lươn thành... bể bơi
Con đường đất dẫn ra khu đồng Vặng, thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (Quốc Oai) là lối vào một bể bơi. Bể bơi này nằm giữa vùng ruộng, mái che là những mảnh bạt lúc nào cũng có thể bay theo gió. Nói là bể bơi, nhưng thực chất đây là một bể nuôi lươn được cải tạo lại làm dịch vụ bơi, thế nhưng những ngày nóng bức, bể bơi này vẫn nườm nượp khách. Bể bơi nằm trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông Hoàng Cao Khải. Khoảng năm 2013, gia đình ông Khải tự ý làm bể nuôi lươn, đã bị UBND xã lập biên bản do khu vực này chưa được UBND huyện phê duyệt thành vùng chuyển đổi. Vi phạm cũ chưa bị xử lý, đến năm 2015, gia đình ông Khải cải tạo bể nuôi lươn thành bể bơi.
Quy mô hơn, bể bơi ở xã Cấn Hữu hay bể Đồng Lạc ở xã Lại Thượng (Thạch Thất) được xây dựng gần khu dân cư và có phong cách phục vụ khá chuyên nghiệp. Có mặt tại đây vào một ngày cuối tháng 7, chúng tôi nhận thấy bể bơi rất đông khách. Cũng như nhiều bể bơi ở vùng nông thôn, nguồn nước là nước giếng khoan, song quy trình xử lý nước thế nào, đạt tiêu chuẩn ra sao thì không được nhiều người quan tâm. Ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Lại Thượng cho biết: Trước đây, khu bể bơi là thùng đào, hố đấu do HTX Nông nghiệp Thanh Phú giao thầu cho một cá nhân thả cá, trồng cây với thời hạn 20 năm. Sau khi đã nhận chuyển nhượng lại, ông chủ đã làm bể rộng hơn 1.600m2 và bể bơi đã đi vào hoạt động 4 năm nay!
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại huyện Thường Tín cũng tồn tại 2 bể bơi không phép, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhưng hằng ngày vẫn phục vụ khách bơi và mở các lớp dạy bơi. Trong đó, có một bể bơi xây dựng trong nông trại của HTX Sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh và dịch vụ Anh Tùng do ông Phạm Văn Quỳnh làm Giám đốc. Theo ông Quỳnh, trước kia khu đất có diện tích khoảng 6ha này chỉ trồng, kinh doanh cây cảnh... Nắm bắt nhu cầu của một số trường học, muốn cho học sinh tiếp cận với các kỹ năng của cuộc sống như: Trồng lúa, trồng rau… nên ông Quỳnh chuyển sang mô hình nông trại từ năm 2011.
Trong nông trại, ông Quỳnh tổ chức các mô hình thu nhỏ để dạy kỹ năng gieo trồng cho trẻ nhỏ… Gần đây, nhận thấy nhu cầu bơi lội của người dân ngày càng lớn, nên ông Quỳnh đã đầu tư xây dựng thêm bể bơi. Ông Quỳnh thừa nhận bể bơi không có giấy phép và đã bị các cơ quan chức năng đến kiểm tra. Cách đó không xa là bể bơi khá “đình đám”, nằm trong Cụm công nghiệp, tiểu thủ làng nghề Duyên Thái. Ngay từ khi đi vào hoạt động năm 2014, vi phạm này đã được Báo Hànộimới phản ánh tại số báo ngày 5-8-2014 với tiêu đề: “Chậm xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại xã Duyên Thái, Thường Tín: Vì lợi ích của ai?”. Song, sau rất nhiều cuộc họp, chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ của UBND huyện Thường Tín, đến nay vi phạm vẫn chưa bị xử lý và bể bơi vẫn hoạt động bình thường?
Vì sao chưa xử lý triệt để?
Qua khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản hầu hết bể bơi tự phát… nhưng không vi phạm nào bị cưỡng chế, xử lý... Về việc "mùa đông là bể nuôi lươn, mùa hè trở thành bể bơi", ông Vũ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu cho biết: UBND xã đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu đình chỉ, nhưng người vi phạm không chấp hành. Chưa kể, cũng trên diện tích này, năm 2014 ông Khải đã bị lập biên bản về hành vi xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Thế nhưng đến nay, ông Khải mới dỡ được mái bể bơi. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Sơn, Đội phó Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) Quốc Oai khẳng định: Đây là một cái bể chứa nước để tắm chứ không đủ điều kiện là bể bơi. Qua kiểm tra hiện trạng, nhận thấy công trình đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai, không xử lý theo quy trình vi phạm trật tự xây dựng và đã được báo cáo huyện Quốc Oai từ năm 2015…
Tương tự, những sai phạm tại bể bơi ở xã Hồng Vân và Duyên Thái (Thường Tín) bị phát hiện ngay từ những ngày đầu thi công… Ông Đỗ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái cho biết: Vi phạm có đủ hồ sơ và thuộc thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế của UBND huyện, nhưng đến nay chưa có quyết định? Còn với vi phạm tại bể bơi ở nông trại của ông Phạm Văn Quỳnh, Đội TTXD Thường Tín đã lập biên bản từ đầu tháng 4-2016, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân đã ra Quyết định đình chỉ, nhưng bể bơi vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5-2016, Đội đã 2 lần báo cáo UBND huyện Thường Tín, UBND huyện cũng đã giao Phòng Tài nguyên - Môi trường và Đội TTXD phối hợp, đôn đốc xã Hồng Vân xử lý… nhưng vi phạm vẫn chưa được ngăn chặn…
Qua trao đổi với đại diện các xã có bể bơi vi phạm, lãnh đạo các địa phương này đều thống nhất “vi phạm phải bị xử lý” và vẫn chờ chỉ đạo từ cấp trên… Thậm chí, vi phạm tại bể bơi Đồng Lạc ở xã Lại Thượng (Thạch Thất) có kết luận thanh tra từ năm 2012 về việc sử dụng đất sai mục đích, hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, nhưng vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.