Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: “Nhặt sạn” phố đi bộ

Lâm Vũ - Ngọc Thủy| 14/10/2016 07:18

(HNM) - Thừa nhận phố đi bộ tác động tích cực đến cảnh quan đô thị cũng như thu nhập của các hộ dân trong khu vực, nhưng nhiều người vẫn chưa thích nghi được với những quy định mới, hoặc vì thói quen mà cố tình vi phạm khiến du khách phiền lòng.


Mục đích chính là nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng việc tổ chức không gian đi bộ tại các khu vực này, từ đó tạo những "sản phẩm" độc đáo, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Để giúp bạn đọc hình dung đầy đủ hơn, Báo Hànộimới thực hiện loạt bài nhằm làm rõ vấn đề này.

Vẫn còn tình trạng xả rác không đúng quy định tại không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: Khánh Huy


Giữa lòng thành phố sôi động, phố đi bộ ở khu vực "lõi" phố cổ và xung quanh Hồ Gươm huyền thoại đã góp phần tạo ra không gian vui chơi cho người dân, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Nội. Việc xây dựng phố đi bộ đồng nghĩa với việc hạn chế các phương tiện lưu thông. Bám phố mưu sinh, cuộc sống của không ít người vì thế bị đảo lộn từ khi có phố đi bộ. Thừa nhận phố đi bộ tác động tích cực đến cảnh quan đô thị cũng như thu nhập của các hộ dân trong khu vực, nhưng nhiều người vẫn chưa thích nghi được với những quy định mới, hoặc vì thói quen mà cố tình vi phạm khiến du khách phiền lòng. Để phố đi bộ đẹp hơn, bình yên hơn thì “nhặt sạn” không chỉ là công việc của lực lượng chức năng…

Cần thay đổi thói quen xấu

19h ngày 9-10, khi trời nhá nhem tối cũng là lúc tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân bắt đầu nhộn nhịp. Các hộ kinh doanh dưới lòng đường đã tuân thủ nghiêm túc chỉ giới, tuy nhiên trên vỉa hè thì hàng hóa vẫn bày kín lối đi. Theo quy định, người dân phố cổ muốn vào tuyến phố đi bộ phải trình thẻ cho lực lượng chức năng và dắt xe trong tuyến phố này, nhưng rất nhiều người không tuân thủ. Người thì quên thẻ, người thì không trình thẻ và khi lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra thì "tỏ thái độ"...

Chỉ trong ít phút có mặt tại chốt chặn Lãn Ông - Hàng Ngang, chúng tôi chứng kiến tới hai trường hợp tranh cãi với lực lượng chức năng khi được yêu cầu xuống xe và kiểm tra thẻ ra vào. Anh Nguyễn Việt Hải, nhân viên Công ty cổ phần Đồng Xuân - đơn vị được giao tổ chức tuyến phố đi bộ - cho biết, những trường hợp như vậy tuy không nhiều nhưng vẫn thường xảy ra. Tại phố Hàng Buồm lúc 20h, chúng tôi quan sát thấy 4 trường hợp không đội mũ bảo hiểm phóng xe máy vù vù bất chấp trẻ em, người già, người nước ngoài đang đi dạo giữa đường. Đại úy Nguyễn Chí Nguyện, Công an phường Hàng Buồm, chia sẻ: "Đối với các trường hợp đi xe trong tuyến phố đi bộ, áp dụng Luật Giao thông đường bộ, chúng tôi xử phạt 150 nghìn đồng/phương tiện. Mỗi tối có khoảng 20-30 trường hợp bị xử phạt, nhắc nhở thì nhiều hơn, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Đặc biệt, đối với xe đạp, xe đạp điện, chưa áp dụng hình thức xử phạt nên vi phạm cũng nhiều hơn".

Từ khi chưa mở phố đi bộ ở khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, không ít người đã “nhức mắt” khi chứng kiến cảnh nhảy múa, uốn éo phản cảm, mặc quần đùi, may ô, thậm chí cởi trần tập thể dục trên đường dạo ven hồ, trước cổng đền, đình, chùa… hay tình trạng dắt chó đi dạo không đeo rọ mõm, phóng uế bừa bãi. Nay phố tập trung đông người hơn, được trang hoàng đẹp hơn khiến những hình ảnh này càng trở nên lạc lõng, khó chấp nhận. Ngoài ra, một số hộ kinh doanh chưa quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường, khách ăn xong xả rác tại chỗ nhưng không có người thu dọn kịp thời, nhiều hộ kinh doanh ăn uống rửa bát ngay trên vỉa hè.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, tại tuyến phố đi bộ mở rộng ở 6 phố trong khu vực bảo tồn cấp 1 khu phố cổ, đến nay còn 39/127 hộ kinh doanh chưa đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, bàn ghế, trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh. Mặt khác, tiêu chí ban đầu về mặt hàng kinh doanh là các mặt hàng ẩm thực truyền thống thuần Việt của 3 miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là ẩm thực tiêu biểu của khu phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, không ít hộ chưa nhận thức được hết ý nghĩa, lợi ích của việc phát triển du lịch thông qua mở rộng tuyến phố đi bộ nên vẫn kinh doanh các mặt hàng chạy theo thị hiếu như bia hơi, các món ăn vặt như khoai chiên, chân gà, xúc xích nướng...

Những điểm trông xe tự phát tại các khu phố vệ tinh như: Hàng Bạc, Hàng Chĩnh, Lãn Ông... cũng khiến nhiều du khách bức xúc vì nạn “chặt chém” vô tội vạ. Khảo sát ban đầu cho thấy, hầu hết điểm trông xe tự phát đều “giữ giá” từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/xe máy.

Rõ ràng, những “hạt sạn” trên bắt nguồn từ thói quen đã tồn tại nhiều năm của một số người dân sinh sống trong khu phố cổ. Phố đi bộ mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng và mỗi cá nhân; để hướng đến một cuộc sống tốt hơn thì việc thay đổi, điều chỉnh thói quen là cần thiết.

Chủ động vào cuộc

Sau hơn một tháng mở rộng không gian đi bộ ra các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, những cụm từ “xả rác bừa bãi”, “hàng rong đeo bám”, “chặt chém”, “nhà vệ sinh quá tải”… vẫn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để giải quyết những “hạt sạn” này, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều hạng mục công việc. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đối với vấn nạn hàng rong, quận Hoàn Kiếm đã cắm chốt ở tất cả các đường vành đai không cho hàng rong vào khu vực này, đồng thời đề xuất bổ sung các loại hình dịch vụ để phục vụ cho du khách. "Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai các máy bán nước tự động, kết quả là hàng rong bán nước đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay, chỉ còn hàng rong bán đồ ăn nên chúng tôi đã khuyến khích các hộ dân mở hàng ăn. Tại các khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lò Sũ..., một số hộ đã chuyển đổi mục đích kinh doanh từ bán cặp, túi sang loại hình nhà hàng cà phê, khách sạn", ông Phạm Tuấn Long cho biết.

Để bảo đảm vệ sinh môi trường, quận đề xuất lắp đặt thêm thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, tăng cường lực lượng thu gom, đặc biệt là lập 3 đoàn kiểm tra xử lý vi phạm, trong đó có xử phạt về vệ sinh môi trường. Năm 2016 là năm đầu tiên quận Hoàn Kiếm xử lý phạt các trường hợp ném rác ra đường với mức 100.000 đồng, song song với việc tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn khu vực hồ Hoàn Kiếm thực hiện quy định...

Quận cũng phối hợp với Công an thành phố, Đoàn Thanh niên Công an thành phố và Thành đoàn Hà Nội mở rộng các điểm trông giữ xe, nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trông xe tự phát; phân công lực lượng cùng thanh tra giao thông, Đội cảnh sát giao thông số 1 và UBND các phường kiểm tra xử lý nghiêm các điểm trông giữ phương tiện trái phép, thu quá giá quy định. Sắp tới, quận sẽ mở rộng các điểm trông giữ xe, phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ Tư lệnh Thủ đô bảo đảm trông giữ đúng diện tích được cấp phép và thu đúng giá quy định.

Thời gian qua, tình trạng “bún mắng, cháo chửi” cũng tạo dư luận không hay về thái độ phục vụ, ứng xử của một số hộ kinh doanh. Các tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương đến các hộ bị “mang tiếng”, phân tích để người dân hiểu và có thái độ đúng mực. "Đây là văn hóa của người bán hàng. Bún mắng cháo chửi chỉ là trường hợp cá biệt. Có một thực tế là trước đây các hàng ăn ngon rất ít nên họ cậy thế mà giao tiếp như vậy. Qua tuyên truyền, góp ý, người bán hàng đã dần có thái độ ứng xử văn minh hơn" - ông Long khẳng định.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: “Nhặt sạn” phố đi bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.