LTS: Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh trật tự là một tiêu chí khó. Thực tế, bên cạnh những tác động tích cực, mặt trái của cơ chế thị trường đã tạo ra không ít
Bài đầu: Mảng tối ở nhiều vùng quê
Các vùng quê ngoại thành vốn được coi là nơi yên bình. Tuy nhiên, trong tiến trình đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng cùng những cơn lốc đến từ mặt trái của cơ chế thị trường, cơ cấu làng xã không còn như xưa, những làng quê yên bình đang bị xáo trộn…
Công an xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) tuần tra bảo đảm an ninh trật tự. |
Nạn trộm cắp vặt
Nhắc đến trật tự an toàn xã hội ở địa phương, Trưởng công an xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất Mai Duy Hùng trầm tư: Có tháng xảy ra cả chục vụ trộm. Người dân hễ sơ hở là mất trộm. Có vụ công an xã phải "rình" gần 2 tháng mới bắt được kẻ gian tháo trộm lan can cầu vượt đường cao tốc vào ban đêm. Ông Mai Duy Hùng cũng thừa nhận một thực tế: Trộm cắp nhiều nhưng số vụ công an xã bắt được chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Bởi xã Thạch Hòa mới thành lập, phần lớn là người "tứ xứ" đến sinh sống. Đường giao thông thuận tiện, Thạch Hòa còn là "điểm ăn chơi" có nhiều nhà hàng, quán ăn, quán hát karaoke nên dễ nảy sinh tệ nạn xã hội. Trung bình mỗi năm, xã có khoảng 70 vụ phạm pháp hình sự, trộm cắp các loại. Công an TP Hà Nội đã xếp xã Thạch Hòa vào diện an ninh trật tự phức tạp.
Người dân xã Đông La, huyện Hoài Đức không quên vụ trộm vịt vào đêm 29-9-2015 ở trang trại của gia đình anh Phan Huy Thế, thôn Đông Lao. Các đối tượng Cường, Lâm, Dũng, Được (người huyện Quốc Oai) trong lần trộm đầu tiên đã lấy được 116 con vịt cho vào 4 bao tải chở xe máy về thả vào vườn nhà của Dũng ở xã Phượng Cách, Quốc Oai. Thấy vịt trong trang trại của anh Thế vẫn còn nhiều, chúng mang theo xe cải tiến quay lại bắt trộm gần 200 con vịt, lấy đi 300 quả trứng. Khi đến đầu đê thuộc thôn Đông Lao, bị phát hiện, bọn trộm sử dụng hung khí đe dọa rồi bỏ lại tang vật tháo chạy. Vụ án gây xôn xao khắp làng trên, xóm dưới và ít ngày sau đó, nhóm trộm vịt đã bị công an huyện điều tra, bắt giữ.
Cách Đông La không xa, xã Song Phương cũng là một trong những địa chỉ nhức nhối vì nạn trộm cắp nông sản. Ông Nguyễn Văn Sinh canh tác tại xứ đồng Cây Đa than phiền: Hai năm gần đây, không năm nào nhà không mất trộm. Vụ đầu chỉ trong 1 đêm, gia đình ông bị trộm 600 quả bưởi Diễn, 2 cây bưởi cảnh, 6 cây cam cùng nhiều đồ đạc làm vườn, ti vi... trị giá khoảng 50-60 triệu đồng. Gia đình ông Sinh đã trình báo chính quyền địa phương và công an xã nhưng chưa điều tra ra thủ phạm thì lại bị trộm "hỏi thăm".
Lần này, kẻ trộm vặt gần 600 quả bưởi. Ông Sinh buồn rầu: "Mình phải tự rút kinh nghiệm mà bảo vệ tài sản thôi".
Những câu chuyện buồn
Thời gian vừa qua, thành phố triển khai nhiều chương trình lớn như dồn điền đổi thửa, kiến thiết hạ tầng xây dựng NTM, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang đất phục vụ mục đích công nghiệp, phát triển đô thị. Đây là những dự án liên quan đến quyền lợi của nhiều người dân, trong khi chính quyền một số nơi còn lúng túng trong quá trình thực hiện nên ở một số nơi đã nảy sinh mâu thuẫn, khiếu kiện.
Thực tế cho thấy, những địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong triển khai công tác dồn điền đổi thửa, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng NTM sẽ không xảy ra mâu thuẫn. Khiếu kiện phức tạp chỉ xảy ra ở những địa phương không làm được điều đó.
Mặc dù đã hoàn thành công tác xây dựng NTM nhưng nhiều người vẫn nhớ cách đây vài năm, xã Cổ Đô từng "nóng" bởi tình trạng khiếu kiện kéo dài. Người dân đề nghị thanh tra nhiều nội dung, đặc biệt là yêu cầu công khai minh bạch từ diện tích đến kinh phí Nhà nước hỗ trợ trong dồn điền đổi thửa và xây dựng NTM khiến các cấp, các ngành mất rất nhiều công sức giải quyết mới có được sự đồng thuận trong nhân dân. Ở một số nơi, phương án dồn điền đổi thửa chưa được sự đồng thuận cao của bà con. Việc chính quyền địa phương huy động triển khai đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng cũng gây phản ứng ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai… Sau khi thành phố và huyện thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm, tuyên truyền, giải thích, vận động và hướng dẫn cụ thể cách tháo gỡ, đến nay người dân đã nhận ruộng ổn định sản xuất nhưng để lại cho địa phương nhiều bài học sâu sắc về thực hiện quy chế dân chủ gắn với duy trì ANTT ở nông thôn.
Một thực tế đau lòng khác là nếu như trước đây tệ nạn ma túy chỉ có ở các đô thị thì giờ đây đã len lỏi về vùng nông thôn. Không chỉ ma túy, tình trạng uống bia rượu dẫn đến mâu thuẫn cũng khiến nhiều vùng quê mất đi sự yên bình. Tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên đã từng xảy ra chuyện gia đình trong thôn có đám cưới, một số thanh niên tự ý đến dự dù không được mời, đòi mở nhạc lớn để nhảy như ở vũ trường. Hình ảnh các trai làng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm lạng lách, hù dọa người đi đường không phải hiếm. Chứng kiến những hành vi trên, nhiều người lớn tuổi hết sức bức xúc. Văn hóa nông thôn đang bị một bộ phận giới trẻ làm đảo lộn, những giá trị truyền thống tốt đẹp của làng quê đang nhạt phai dần trong một bộ phận dân cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.