Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Có gì ở “sân sau”?

Thu Trang| 03/11/2014 06:20

LTS: Việc thiếu minh bạch,

LTS: Xã hội hóa (XHH) hoạt động y tế là một chủ trương lớn nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, góp phần tăng nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, việc thiếu minh bạch, "nhập nhèm" quyền lợi công - tư tại các bệnh viện (BV) đang gây khó cho người bệnh, tạo kẽ hở cho tiêu cực, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa và hiệu quả của chủ trương lớn.

Bài đầu: Có gì ở “sân sau”?

XHH hoạt động y tế là một chủ trương đúng. Thế nhưng, muốn khuyến khích XHH y tế, hướng việc thực hiện chủ trương này theo đúng quỹ đạo thì vấn đề tự chủ tài chính trong BV cần có sự minh bạch, tránh sự nhập nhèm công - tư tại các BV công.

Xã hội hóa y tế là một chủ trương lớn song quá trình thực hiện đã phát sinh rất nhiều bất cập. Ảnh: Ngọc Châu


Chủ trương đúng, thực hiện đã đúng?

Trước đây, đa phần BV trong nước không có trang thiết bị hiện đại nên nhiều người bệnh phải ra nước ngoài chữa trị, chấp nhận khoản chi phí nhiều gấp đôi, gấp ba. Thế nhưng, từ khi hoạt động XHH được đẩy mạnh, cơ sở y tế được nâng cấp, có đủ thiết bị y tế hiện đại, tính chính xác trong khám, chẩn đoán và điều trị được nâng lên thì người bệnh đã tin tưởng hơn vào công tác KCB ở trong nước.

Sau 5 năm triển khai (2009-2014), công tác XHH hoạt động y tế ở các BV công lập trên địa bàn Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu. Hiện đã có 13/41 BV công lập, 6 Trung tâm Y tế xây dựng và thực hiện 48 đề án liên doanh, liên kết, góp vốn mua sắm trang thiết bị hoặc cho đối tác đầu tư lắp đặt trang thiết bị phục vụ hoạt động KCB. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên, các đề án XHH không chỉ giúp BV đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế, máy móc đưa kỹ thuật cao vào phục vụ người bệnh mà còn góp phần nâng cao tay nghề của đội ngũ y bác sĩ. Mặt khác, XHH góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ nhân viên y tế, tạo cơ chế cạnh tranh, buộc các BV phải nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Ngoài việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, nhiều BV trên địa bàn Hà Nội cũng triển khai công tác XHH trong hoạt động KCB theo yêu cầu. Chẳng hạn, trong các BV công, với cơ chế tự chủ tài chính, mô hình khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám dịch vụ, tự nguyện, chất lượng cao đã ra đời. Các hình thức này giúp người bệnh có khả năng chi trả, tiếp cận dịch vụ tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, được lựa chọn bác sĩ, phẫu thuật viên, nhất là tránh được sự phiền hà, "nạn phong bì"…

Nhiều BV, dù đang trong tình trạng quá tải nhưng vẫn dành diện tích đáng kể tại các buồng bệnh được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để kê giường điều trị theo yêu cầu. Như tại BV Thanh Nhàn, ngoài 540 giường bệnh trong kế hoạch được thành phố giao, đơn vị kê thêm gần 250 giường dịch vụ. BV Ung bướu Hà Nội kê thêm 167 giường dịch vụ, BV Phụ sản Hà Nội thêm 290 giường, BV Đa khoa Đức Giang thêm 140 giường… Người bệnh nằm ở khu vực dịch vụ phải trả thêm 100-500 nghìn đồng/giường/ngày. Tình trạng tồn tại xen kẽ "giường dịch vụ" và "giường ngân sách" tại các BV công tạo ra sự mặc cảm, đã có nhiều phản ứng từ người bệnh. Hơn nữa, điều này khiến cho tình trạng quá tải BV không những không giảm, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh nghèo, các đối tượng chính sách và cả người bệnh KCB dịch vụ khi họ phải nằm xen kẽ trong phòng điều trị công lập nhưng phải trả thêm một khoản phí dịch vụ. Thậm chí, khi cán bộ hưởng lương ngân sách sang làm dịch vụ, tất yếu nảy sinh tâm lý tận tâm với bệnh nhân điều trị dịch vụ hơn là với những bệnh nghèo, bệnh nhân KCB bằng bảo hiểm y tế.

Từng đưa con trai vào một BV công có tiếng để phẫu thuật cột sống, bác Âu Thị Thức (phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho biết BV này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân muốn được phẫu thuật sớm thì phải nộp thêm tiền dịch vụ. Mặt khác, nếu không muốn phải nằm ghép giường thì bệnh nhân có thể thuê phòng dịch vụ. Giá phòng và giường bệnh dịch vụ tại đây được chia theo nhiều mức, phòng có 3 giường bệnh, giá là 350.000 đồng/giường/ngày đêm, phòng 2 giường, giá từ hơn 500 nghìn đồng/giường/ngày đêm, giá "phòng vip" với đầy đủ trang thiết bị (ti vi, điều hòa, tủ lạnh) và công trình phụ khép kín khoảng hơn 1 triệu đồng. Để "tận thu", người nhà muốn mượn thêm ghế nhựa để ngồi chăm sóc bệnh nhân cũng phải trả phí 10.000 đồng/chiếc/ngày... "Điều dễ nhận thấy là cung cách phục vụ của các y bác sĩ đối với người bệnh nằm giường dịch vụ rất tốt, khác hẳn với khi KCB bằng thẻ bảo hiểm y tế", bác Âu Thị Thức nói.

Chăm sóc bệnh nhân tại BV Nhi trung ương. Ảnh: Bảo Lâm


Hệ lụy khó lường

Các loại hình dịch vụ tại BV công cho thấy bóng dáng của hình thức đầu tư "tư trong công". Chủ trương XHH y tế mở đường cho các dịch vụ y tế tư nhân, góp phần chia sẻ gánh nặng cho hệ thống y tế nhà nước. Tuy nhiên, lâu dần, nhiều doanh nghiệp nhận thấy đầu tư y tế là "mảnh đất màu mỡ" nên tìm cách lợi dụng uy tín của BV công lập để kiếm lời. Họ đầu tư máy móc, trang thiết bị, cung cấp thuốc, hóa chất... sau đó tự xác định giá dịch vụ y tế, mục tiêu là thu hồi vốn nhanh. Hậu quả là giá dịch vụ y tế trong các BV được đẩy cao, tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm, tăng số điều trị nội trú, sử dụng thuốc không hợp lý, kéo dài thời gian điều trị... để tăng thu xảy ra thường xuyên hơn, rất khó kiểm soát.

Nhiều chuyên gia đã "mổ xẻ" bất cập của việc "tư nhân hóa" khâu cung ứng dịch vụ y tế ở các BV công. Theo GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, mặt trái của kinh tế thị trường tạo gánh nặng cho y tế, nảy sinh sự đối chọi giữa nhân đạo và lợi nhuận, sự can dự của đồng tiền vào các khâu chăm sóc sức khỏe… Vào năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được mời giúp Việt Nam đánh giá chi phí KCB của người dân, kết quả cho thấy chi phí KCB ở nước ta vào nhóm cao nhất thế giới. "Chúng ta vẫn nghĩ nền y tế tốt là nền y tế có chất lượng KCB tốt; không nghĩ rằng nền y tế tốt không chỉ là nền y tế có chất lượng KCB tốt mà còn góp phần làm cho dân không bị nghèo hóa. Chúng ta mới chỉ chú trọng vế đầu tiên, chứ chưa quan tâm đúng mức đến vế thứ hai. Nếu các y bác sĩ kê một đơn thuốc không cần thiết, lại đắt tiền, hay chỉ định một xét nghiệm không cần thiết và đắt tiền thì không ai khác, chính chúng ta là tội đồ gây ra sự nghèo đói cho người bệnh", GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng nói.

Tự chủ tài chính trong BV cần sự công khai, minh bạch, tránh nhập nhèm công - tư. Thực tế cho thấy, cần có cơ chế tách bạch để người bệnh không bị phân biệt đối xử ngay trong môi trường BV công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Có gì ở “sân sau”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.