LTS: Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa ở hai bên chiến tuyến đã trở về sống yên bình bên gia đình. Mỗi người một công việc và đang làm tất cả những gì có thể để chung tay xây dựng đất nước.
Bài đầu: Âm thầm làm nên lịch sử
Vai trò của các nhà tình báo, các chiến sĩ biệt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là vô cùng to lớn và hết sức quan trọng, dù âm thầm lặng lẽ. Để thực hiện nhiệm vụ này, họ phải sống trong hang ổ kẻ thù, chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn (trái) nhiều năm hoạt động trong lòng địch và lập nhiều chiến công hiển hách. Ảnh tư liệu |
Vào sinh ra tử
Để khoa trương sức mạnh quân sự, ngày 26-10-1962, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức triển lãm tại đường Norodom, trưng bày vũ khí hiện đại của chúng và những vũ khí thô sơ của quân và dân miền Nam. Thế nhưng, chỉ ngay trong ngày khai mạc, chiếc trực thăng đang triển lãm bỗng nổ tung, cuộc triển lãm buộc phải phong tỏa, giải tán.
Ít người biết thực hiện nhiệm vụ này là một nữ biệt động hóa thân thành cô nữ sinh Sài Gòn xinh đẹp, và chiếc khăn mùi xoa cô cầm duyên dáng trên tay là quả lựu đạn. Chiến công đầu đời của nữ biệt động trẻ khiến chính quyền ngụy bẽ mặt. Cô gái đó chính là Lê Thị Thu Nguyệt, mang biệt hiệu "Chim sắt" mà sau ngày Giải phóng Sài Gòn, người ta mới biết đến cô nữ biệt động tài giỏi, gan dạ này. Thu Nguyệt sinh ra tại Tân Định, Sài Gòn. Mẹ mất sớm, ba hoạt động cách mạng nhưng bị lộ phải tập kết ra Bắc, để lại cô con gái cho người chú ở Sài Gòn nuôi. Lên 14 tuổi, Nguyệt đã tìm đường theo cách mạng. Từ cô bé giao liên chuyển thư từ mật, Thu Nguyệt chuyển vũ khí vào Sài Gòn và sau đó trực tiếp đánh Mỹ.
Thu Nguyệt cũng chính là "người hùng đánh Mỹ trên đất Mỹ" khi đã làm nổ tung chiếc máy bay Boing 777 của Mỹ vào năm 1963 ở sân bay Honolulu thuộc đảo Hawaii. Trước đó, nắm được quy luật của địch, hằng tuần đều có chuyến bay từ Tân Sơn Nhất trở về Honolulu (Bang Hawaii - Mỹ), trên máy bay thường có hàng trăm sĩ quan và binh lính Mỹ, một kế hoạch táo bạo đã được vạch ra và Thu Nguyệt được giao nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm này. Để có thể ra vào sân bay, cô đã đóng giả tình nhân của đồng chí 8E, cũng là cán bộ biệt động được cài vào làm phụ trách bốc xếp hàng lên máy bay ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Nguyệt giả mang bụng bầu để ôm bom gài đồng hồ hẹn giờ vào kho hàng máy bay. Chuyến bay hôm đó có 130 cố vấn quân sự Mỹ, 80 sĩ quan quân sự cao cấp và nhiều tài liệu quan trọng về cuộc chiến tranh Việt Nam. Máy bay đã phát nổ khi về đến sân bay thuộc đảo Hawaii khiến cả thế giới xôn xao. Chiến công của Thu Nguyệt cùng đồng đội đã được Bác Hồ trực tiếp gửi thư khen ngợi.
Nhưng cũng sau chiến công hiển hách đó, nữ biệt động bị lộ do có người chỉ điểm. Cô bị địch bắt, bị tra tấn dã man và đày ra nhà giam Phú Quốc. Sau Hiệp định Paris Thu Nguyệt mới thoát khỏi nơi lao tù theo thỏa thuận trao trả tù binh, cô trở về căn cứ Tây Ninh điều trị sau đó tham gia hoạt động trong Trại Davis.
Là Cụm trưởng Cụm tình báo H.63 (cụm tình báo ra đời để phục vụ điệp viên tài ba Phạm Xuân Ẩn - Hai Trung) năm 1966, nhà tình báo Tư Cang (Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu) vào Thành để chỉ huy mạng lưới, làm việc trực tiếp với điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Rất nhiều lần nhà tình báo lão luyện này gặp phải tình huống "ngàn cân treo sợi tóc". Có lần tưởng như đã bị bắt khi ông cùng cô giao liên Tám Kiên (cô Hà Thị Kiên) giả làm hai vợ chồng về quê ăn giỗ để vào căn cứ. Dù đã trinh sát đường đi nhưng khi sắp đến Mỹ Phước (Bình Dương) thì bất ngờ gặp trạm kiểm soát đột xuất của địch. Khi nhìn thấy tên lính ngụy kiểm tra giấy tờ bằng cách nắm tờ giấy bóp nhẹ để xem chất lượng giấy, ông nghĩ mình khó thoát vì chất lượng giấy do ngụy cấp và giấy tờ giả do ta làm trên chiến khu có sự khác biệt nếu có kinh nghiệm sẽ phát hiện ra. Dù đã bị nghi ngờ, nhưng với sự bình tĩnh ông đã thoát ra khỏi tình huống nguy cấp, bảo vệ được mình và đồng đội.
Một tình huống nguy hiểm khác là lần ông và Phạm Xuân Ẩn nhận được chỉ thị của cấp trên chuyển một lá thư (kèm ảnh) của Trung ương Đảng bạn cho đối tượng đang làm việc trong sứ quán của một nước tư bản tại Sài Gòn. Trao thư nghĩa là lộ thân phận, có thể bị bắt ngay tại chỗ. Cả tháng trời ông và Phạm Xuân Ẩn bàn đi tính lại về phương án thực hiện, và tính cả tình huống tử thủ nếu bị lộ để bảo toàn mạng lưới và tin tức. Cuối cùng, lá thư đã được trao tại một bữa tiệc đứng của đại sứ quán.
Hoạt động gần như một thân một mình trong hang ổ, không vũ khí tự vệ bởi hầu hết điều kiện hoạt động tình báo không cho phép mang vũ khí bên mình, người chiến sĩ tình báo luôn cân não với kẻ thù và xác định tâm thế sẵn sàng chấp nhận tất cả khi xảy ra bất trắc để giữ bí mật cho đồng đội, để mạng lưới điệp viên tiếp tục hoạt động. Đồng đội bị bắt, nếu rút về thì mất đường dây đã dày công gây dựng, nhưng nếu ở lại thì đồng đội chịu không nổi tra tấn có thể sẽ khai ra, nguy hiểm đến tính mạng. Có lần, đồng đội Phạm Văn Ria (biệt danh Tư Lâm) bị bắt, không muốn gián đoạn đường dây vốn có Phạm Xuân Ẩn tài ba, ông Tư Cang đã quyết định ở lại thành bám trụ, chấp nhận hy sinh nếu bị khai…
Lặng thầm sau những chiến công
Người tình báo chịu rất nhiều thiệt thòi khi hoạt động âm thầm không ai biết, không chỉ bản thân mà ngay cả người thân cũng chịu thiệt thòi. Trong câu chuyện của mình, ông Tư Cang luôn biết ơn người phụ nữ đã chấp nhận xa cách cả tuổi thanh xuân để chồng hoạt động cách mạng. Kết duyên với nhau năm ông 18 tuổi còn bà 17. Ở với nhau chỉ vài tháng thì ông vào chiến khu còn bà theo gia đình lên Sài Gòn học và làm nghề đánh máy, nuôi con. Con gái được sinh ra vào tháng 3-1947 nhưng mãi đến năm 1949 ông mới nhận được lá thư của bà báo sinh con. Rồi Hiệp định Geneva được ký kết, ông lại xuống tàu tập kết ra Bắc. Sau bao năm chờ đợi đằng đẵng, khi ông về căn cứ Bời Lời, bà chỉ được đến thăm chồng trong khoảng 2 giờ đồng hồ, ăn một bữa cơm trưa. Do nguyên tắc cao nhất của tình báo là bí mật và ngăn cách nên dù sau này ông vào thành và ở cách bà chỉ vài cây số nhưng không thể gặp nhau. Cho đến ngày 30-4, ngọn cờ cách mạng bay trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30', nhưng cho đến 12h đêm, khi sắp xếp xong công việc ông mới về tìm vợ con…
Với Thu Nguyệt, thời gian tham gia hoạt động trong trại Davis, tình yêu đã nảy sinh giữa cô và một vị đại tá trong đoàn đại biểu miền Bắc. Cưới nhau năm 1976, khi nước nhà đã thống nhất, những tưởng hạnh phúc đã tròn đầy, nhưng hơn 10 năm trong nhà giam Phú Quốc, lĩnh đủ những trận đòn roi tàn nhẫn nhất của quân địch đã khiến bà không thể thực hiện thiên chức làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ. Khi các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ lắc đầu thì bà lặn lội khăn gói ra Hà Nội. Sau nhiều thời gian kiên nhẫn chữa trị, hạnh phúc đã mỉm cười, khi bà đã có được con trai đầu lòng và 2 năm sau có thêm được con thứ. Đến nay 2 cậu con trai đã trưởng thành nhưng vẫn quyết định sống chung nhà cùng bố mẹ để tiện chăm sóc bà mỗi khi trái gió trở trời.
40 năm sau ngày thống nhất đất nước, ông Tư Cang cho rằng mình là một trong những người may mắn, hạnh phúc nhất khi tham gia đầy đủ những cột mốc lịch sử dân tộc và bốn đơn vị ông phụ trách là H.63, Đoàn 367, Phòng Tình báo miền, Đoàn 316 đều được phong danh hiệu đơn vị anh hùng. Nói về mình, ông cho rằng sự hy sinh của mình chỉ là rất nhỏ so với sự hy sinh rất lớn của dân tộc, của các đồng đội ông như Tư Lâm, và nhiều người khác. Hiện đã có cuộc sống bình yên bên người vợ hiền, con gái và cháu ngoại, ông vẫn trăn trở về những đồng đội của mình, nhiều người đã được Nhà nước công nhận công lao nhưng cũng còn một số người vẫn chịu thiệt thòi bởi hoạt động tình báo là âm thầm, không ai biết…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.