(HNM) - Trên thực tế, công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ này ở cơ sở vẫn tỏ ra lúng túng, thiếu hiệu quả...
(Tiếp theo số báo ra ngày 6-8 và hết)
(HNM) - Trách nhiệm quản lý thức ăn đường phố đã rõ, khi giao đầu mối chính cho UBND cấp xã, phường, quận, huyện. Thậm chí, mô hình thanh tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) đang được triển khai thí điểm đã trao quyền cho chính quyền địa phương, nhằm củng cố thêm cơ sở pháp lý trong kiểm tra, xử phạt vi phạm với thức ăn đường phố. Thế nhưng, trên thực tế, công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ này ở cơ sở vẫn tỏ ra lúng túng, thiếu hiệu quả...
Công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh thức ăn đường phố vẫn thiếu hiệu quả. |
Phải làm thật
Báo cáo kết quả công tác bảo đảm ATTP của Sở Y tế Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, Hà Nội đã thành lập 1.421 đoàn thanh tra, kiểm tra, tiến hành kiểm tra gần 58.000 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm (cao hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 2.000 cơ sở), trong đó phát hiện 8.397 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền hơn 3,38 tỷ đồng (tăng gần 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015), tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP. Hà Nội cũng đã lấy 546 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, phát hiện 73 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học...
Theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh, đặc biệt ở 10 xã, phường thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa kiên quyết, chủ yếu là nhắc nhở. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố trên địa bàn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động… gây khó khăn cho thanh tra chuyên ngành ATTP trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Thêm vào đó, tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm, không tạo ra sức răn đe.
Một cán bộ làm công tác thanh tra ATTP của xã ngoại thành Hà Nội phân trần, khi tổ chức đoàn đi kiểm tra rất khó gặp được chủ kinh doanh, vì phần lớn thức ăn đường phố thường là hình thức lưu động. Địa phương cũng tuyên truyền, kêu gọi, triệu tập đi tập huấn kiến thức ATTP, nhưng họ cũng không đến. Ngay cả với những cơ sở kinh doanh có địa điểm cố định, được cấp giấy chứng nhận ATTP, khi cơ quan chức năng hẹn ngày, giờ đến kiểm tra, họ còn cố tình đóng cửa. Còn chuyện xử phạt thì quá nan giải, rất khó khăn đối với cơ quan quản lý.
Theo bà Hà Thị Lê Nhung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra ATTP tuyến cơ sở còn mỏng, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm và còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Quận Đống Đa có 2 phường tham gia thí điểm mô hình ATTP cấp cơ sở là Trung Liệt và Láng Hạ. Mỗi phường có 7 thanh tra viên nhưng họ cũng chưa nắm hết các quy định do phải kiêm nhiệm “nhiều vai”. Cán bộ các quận, huyện cũng phải đảm đương nhiều công việc khác nên không thể nhớ hết được các quy định về ATTP.
Từng góp ý cho mô hình thí điểm thanh tra ATTP cấp cơ sở mà Hà Nội đang triển khai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thẳng thắn chỉ ra rằng, tôi kiểm tra thấy ông chủ tịch phường đọc vanh vách cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Rõ ràng, họ đã nắm rõ các cơ sở, vậy thì việc cần làm là phải tăng cường kiểm tra, xử lý. Hà Nội phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương và điều quan trọng nhất bây giờ là phải làm thật, chứ trên thực tế không chuyển biến, khiến người dân lo lắng.
Phát huy vai trò của người tiêu dùng
Cùng với việc tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) còn nhấn mạnh vai trò của người dân trong giám sát công tác bảo đảm vệ sinh ATTP. Bởi lẽ, dù cơ quan quản lý có đông nhân lực bao nhiêu cũng không thể phát hiện hết được tất cả vấn đề. Thế nhưng, theo bà Hoàng Hoài Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (Đống Đa), có những quán ăn rõ ràng đã bị xử lý vì vi phạm ATTP, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không hiểu vì sao người dân vẫn tìm đến. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường quản lý, mạnh tay xử phạt của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của người dân “tẩy chay” hàng quán mất ATTP, thì “cuộc chiến” cam go này mới kết thúc.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho rằng, chính các thực khách hằng ngày đến ăn tại các quán bằng mắt thường quan sát cũng có thể biết được quán đó có bảo đảm những yếu tố cơ bản của ATTP hay không như: Có đựng riêng thức ăn sống, chín hay không; sàn nhà có sạch sẽ, đũa dùng có bị mốc hay không; có dụng cụ bảo quản thực phẩm không... Nếu người tiêu dùng biết bẩn mà vẫn “nhắm mắt” mua, sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. “Để giải quyết bức xúc vấn đề vệ sinh ATTP, UBND TP Hà Nội đã thành lập 5 đoàn thanh tra, trong đó có 2 đoàn do Sở NN&PTNT, 2 đoàn do Sở Công Thương và một đoàn do Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn. Các đoàn thanh tra này đều có số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể phản ánh trực tiếp. Cụ thể, Sở Công Thương: 1900585826; Sở NN&PTNT: 043.3800115; Sở Y tế: 043.9985765. Chúng tôi rất mong muốn nhận được nhiều thông tin từ phía người dân để kiểm tra và xử lý ngay” - ông Trần Ngọc Tụ nhấn mạnh.
Hy vọng, người dân sẽ phát huy vai trò giám sát của mình, chung tay cùng các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề liên quan tới ATTP. Khi có sự chung tay giữa các cơ quan quản lý và người dân, chắc chắn công tác bảo đảm vệ sinh ATTP sẽ phát huy hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.