(HNM) - Như đã nói, số người đóng BHXH/số người hưởng đang ngày càng giảm (từ hơn 200 người đóng/1 người hưởng hiện chỉ còn 9 người đóng/1 người hưởng). Vì vậy, mở rộng đối tượng tham gia BHXH là một trong những giải pháp Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với Chính phủ.
Theo cơ quan này, cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) theo hướng xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, bảo đảm bền vững, công bằng.
Chênh lệch thu – chi
Nguyên nhân không nhỏ khiến Quỹ BHXH đứng trước nguy cơ vỡ là do chênh lệch giữa thu và chi; số người đóng BHXH trên số người hưởng ngày càng giảm - từ hơn 200 người đóng/1 người hưởng hiện chỉ còn 9 người đóng/1 người hưởng. Trong khi đó, chính sách BHXH tự nguyện hiện hành đang tồn tại nhiều bất cập, thiếu sức hấp dẫn đối với người lao động. Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh mức đóng BHXH tự nguyện khá cao, phương thức đóng thiếu linh hoạt, không phù hợp với việc làm có thu nhập thấp và không ổn định của lao động thuộc khu vực không chính thức. Do đó, cơ quan này khuyến cáo, việc sửa đổi Luật BHXH đòi hỏi phải có sự đột phá, tạo ra sức hấp dẫn của chính sách để khuyến khích, thu hút sự tham gia của người lao động, thúc đẩy việc phát triển mở rộng đối tượng, diện bao phủ BHXH.
Giải pháp đột phá được Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất với Chính phủ là áp dụng chế độ BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản và đối với học viên quân đội, CA, cơ yếu đang theo học và được hưởng sinh hoạt phí. Thực hiện theo phương án này sẽ mở rộng hơn nữa đối tượng áp dụng, góp phần vào mục tiêu tăng diện bao phủ của BHXH, đặc biệt là với người có hợp đồng lao động với thời hạn từ 1 đến 3 tháng, tạo sự bình đẳng hơn giữa hình thức lao động dài hạn và ngắn hạn, nâng cao trách nhiệm về BHXH của người sử dụng lao động. Phương án này còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc tham gia BHXH - tạo nên ý thức tự an sinh cho mọi lao động. Dự báo sẽ có thêm gần 6 triệu lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH so với các đối tượng áp dụng quy định hiện hành. Về việc thu BHXH bắt buộc với nhóm học viên quân đội, CA, cơ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, nên mở rộng hơn nữa. "Để bảo đảm công bằng với các nhóm đối tượng khác cũng đang hưởng sinh hoạt phí và phụ cấp thì Chính phủ cần bổ sung quy định cán bộ không chuyên trách cấp xã cũng thuộc đối tượng BHXH bắt buộc" - bà Trương Thị Mai đề xuất. Ngoài ra, cũng nên bổ sung phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện gồm mỗi năm một lần, một lần cho nhiều năm về sau theo hướng thấp hơn mức đóng hằng tháng. Đặc biệt, bỏ quy định về giới hạn độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện để khuyến khích ngày càng nhiều người có nguyện vọng được tham gia và thụ hưởng từ chính sách BHXH.
Trông chờ vào quy định chi tiết
Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn với những đề xuất đã nêu. Theo luật sư Nguyễn Ngọc Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội, dự thảo luật mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc về mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện. Điều này sẽ dẫn đến mức lương hưu thấp đối với tất cả người lao động tham gia, cần bổ sung quy định về mức thu nhập tối đa mà người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn để đóng. Hiện nay, chưa có khái niệm "mức thu nhập tối thiểu", do đó, Chính phủ, Ban soạn thảo Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần làm rõ khái niệm này trong mối quan hệ với "mức lương tối thiểu", "mức lương cơ sở", "chuẩn nghèo" để có cơ sở thực hiện. Muốn vậy, cần xây dựng sàn lương hưu tối thiểu. Qua đó, tất cả các đối tượng tham gia đóng BHXH, dù theo diện bắt buộc, tự nguyện hay đối tượng khó khăn được Nhà nước hỗ trợ, khi nghỉ hưu sẽ được Nhà nước bảo đảm mức lương hưu không thấp hơn sàn lương hưu tối thiểu.
Liên quan đến chủ trương mở rộng đối tượng tham gia BHXH, luật sư Nguyễn Ngọc Nam nhận định, trong bối cảnh đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, dự thảo luật còn chưa thể chế hóa đầy đủ, cụ thể quan điểm chỉ đạo của Đảng về mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức. Vì thế, cần quy định trong luật nhóm đối tượng lao động cụ thể được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, gắn với tiêu chí mức thu nhập tối thiểu và dự kiến nguồn lực để thực hiện chính sách này.
Với việc sửa đổi quy định cho phép người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu, không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện như hiện hành chắc chắn sẽ hút thêm lượng người tham gia. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung thêm các quy định khác về mức đóng góp, thủ tục, hồ sơ tham gia để có cơ sở thực hiện nhanh và rộng. "Chúng ta đang phấn đấu chuyển dịch lao động nông nghiệp chỉ còn 30%, lao động dịch chuyển dần vào khu vực công nghiệp, dịch vụ, đẩy nhanh lao động có quan hệ lao động. Chính vì vậy, Nhà nước sẽ phải tính toán phương án hỗ trợ để tăng số lượng lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH. Chẳng hạn, người lao động khó khăn chưa thể tham gia BHXH, Nhà nước có thể hỗ trợ năm đầu tiên 100%, năm thứ hai giảm xuống còn 80%, năm thứ ba xuống còn 50%, năm thứ tư chỉ còn 20% và sau đó rút ra để người lao động tự đóng. Riêng đối tượng cực kỳ khó khăn thì Nhà nước đóng cho toàn bộ" - luật sư Nguyễn Ngọc Nam đề xuất.
Đã thấy rõ yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với việc sửa đổi Luật BHXH, tuy nhiên với đặc thù của một đạo luật liên quan mật thiết đến đông đảo người lao động, Ban soạn thảo cần phải cân nhắc tìm giải pháp phù hợp theo thứ tự ưu tiên nhằm khắc phục những bất cập hiện nay. Dư luận mong rằng, cùng với mở rộng đối tượng tham gia BHXH, trước hết, dự luật phải giải quyết thấu đáo, hiệu quả tình trạng nợ đọng BHXH, lách luật trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động đang ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của không ít lao động…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.