Thị trường

Bài cuối: Tìm giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Thanh Hương 03/01/2024 - 11:43

Trong bối cảnh hiện nay, tìm giải pháp căn cơ để thị trường vàng trong nước phát triển ổn định, lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế là việc làm cần thiết. Học hỏi mô hình quản lý thị trường vàng tại một số nước có thể mang lại kinh nghiệm tốt cho việc quản lý thị trường vàng Việt Nam.

Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số nước

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam; tại Trung Quốc, nơi thị trường vàng có nhiều nét tương đồng với thị trường vàng Việt Nam, trước đây, nước này cũng thực hiện chính sách đóng thị trường vàng.

Tuy nhiên, cơ chế độc quyền trong phân phối và kiểm soát giá đã làm cho giao dịch trên thị trường bị méo mó, giá cả không tuân theo quy luật cung cầu, trong khi nhu cầu vàng của người dân ngày càng cao, làm tăng lượng vàng nhập lậu kém chất lượng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã từng bước tự do hóa thị trường, đặc biệt là từng bước xóa bỏ cơ chế độc quyền trong sản xuất, kinh doanh và phân phối vàng; xóa bỏ từng bước chế độ quản lý xuất nhập khẩu vàng.

vang1.jpg

Đáng chú ý, năm 2002, Trung Quốc đã thành lập Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) do PBOC là cơ quan quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động. SGE được tổ chức thành 2 thị trường: Giao dịch vàng vật chất và giao dịch vàng qua tài khoản. Sàn có hệ thống hơn 150 thành viên chính, gồm ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại lớn, một số ngân hàng quốc tế, công ty kinh doanh vàng lớn và một số công ty khai thác mỏ vàng. Các thành viên này là các nhà tạo lập thị trường, tham gia giao dịch, làm đại lý nhận lệnh, thực hiện chức năng ngân hàng thanh toán hoặc cung cấp dịch vụ kho bãi, giao nhận. Các loại hàng hóa kinh doanh tại SGE thời gian đầu gồm có vàng, bạc, bạch kim, sau thêm nhiều mặt hàng khác. Giá các sản phẩm do cung - cầu trên sàn quyết định.

“Là một trong những nước tiêu thụ vàng lớn trên thế giới, lượng vàng nhập khẩu hằng năm khá nhiều, song thị trường vàng Trung Quốc 20 năm qua hoạt động quy củ, ổn định và phát triển, giá luôn đi sát với giá thế giới”, ông Huỳnh Trung Khánh nói.

Trong khu vực Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia đều đã thành lập sàn giao dịch vàng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng vật chất (bao gồm vàng nữ trang, vàng miếng, vàng nguyên liệu 9999 dưới dạng thỏi) đều do các Bộ Thương mại và Kinh tế quản lý. Các giao dịch vàng phi vật chất (vàng tài khoản, hợp đồng vàng tương lai (kỳ hạn) và các hợp đồng vàng phái sinh…) do các ngân hàng thương mại thực hiện dưới sự kiểm soát của các các Ngân hàng trung ương hoặc được giao dịch trên các sàn chứng khoán quốc gia dưới sự quản lý của Bộ Tài chính.

Về chính sách thuế đối với ngành vàng, ngoại trừ các loại thuế tiêu thụ nội địa như thuế giá trị gia tăng, thuế hàng hóa và dịch vụ được áp dụng cho sản phẩm vàng nữ trang và vàng miếng, tất cả các quốc gia trên trên đều miễn thuế xuất nhập khẩu trên vàng nguyên liệu 9999 để khuyến khích việc xuất khẩu vàng nữ trang nhằm mang lại nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Tại các nước trên, giá vàng cũng được quyết định bởi quy luật cung - cầu và thường diễn biến sát với thị trường quốc tế.

Trong đó, Singapore là nơi tập kết và trung chuyển giao dịch vàng vật chất của khu vực ASEAN với xuất nhập khẩu bình quân 600 tấn/năm. Thị trường vàng Singapore bao gồm 120 doanh nghiệp vàng bạc đá quý kinh doanh vàng nữ trang, 35 ngân hàng thương mại, công ty tài chính kinh doanh vàng thỏi 9999 và vàng tài khoản. Ngoài ra, Singapore còn có một khu vực ngoại quan để lưu trữ các loại vàng thỏi phục vụ cho hoạt động tạm nhập tái xuất cùng một nhà máy tinh luyện vàng chuẩn của Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA).

Các hoạt động giao dịch vàng vật chất được đặt dưới sự quản lý của Cục Quản lý doanh nghiệp trực thuộc Bộ Thương mại và Cục Thuế thu nhập. Còn các giao dịch vàng phi vật chất được quản lý bởi Trung tâm giao dịch chứng khoán Singapore và Ngân hàng Trung ương Singapore.

Các hoạt động mua bán vàng vật chất trong nội địa Singapore đều phải chịu thuế hàng hóa và dịch vụ 8%, tuy nhiên, các giao dịch vàng phi vật chất và phục vụ xuất nhập khẩu đều được miễn thuế.

Cần xây dựng sàn giao dịch vàng

Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nên được sửa đổi theo hướng Ngân hàng Nhà nước bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, thay vào đó, cho phép nhiều đơn vị tham gia sản xuất vàng miếng, tạo sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, trước đây, Việt Nam đẩy mạnh chống "vàng hóa" nền kinh tế nên cần kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, nhưng hiện nay, việc chống "vàng hóa" đã thực hiện tốt, người dân không còn đổ xổ mua vàng như trước. Vì vậy, vai trò của Ngân hàng Nhà nước cần thay đổi, rút về là nhà quản lý, chứ không phải nhà kinh doanh.

“Việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP sẽ không lo thị trường vàng trở về thời kỳ như hơn 10 năm trước, bởi thị trường hiện nay đã khác trước, không còn cho vay vàng, huy động vàng, vàng cũng không còn là phương tiện thanh toán. Số người tham gia thị trường hiện nay nhỏ, hoạt động của thị trường vàng không lây lan sang các lĩnh vực tài chính khác”, vị chuyên gia này nhấn mạnh. Cùng với đó, cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, cần xây dựng thị trường vàng mà trong đó, xem xét để một số đầu mối được quyền nhập vàng sản xuất trang sức, vàng miếng phục vụ yêu cầu kinh doanh; đồng thời, có các quy định mua bán, kinh doanh vàng cụ thể hơn, từ đó, đáp ứng được yêu cầu của người dân, song vẫn bảo đảm quản lý nhà nước.

Còn ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, Việt Nam đã hội nhập quốc tế, cần quản lý thị trường vàng theo xu hướng quốc tế, tức tiến dần đến tự do hóa thị trường vàng, bắt đầu từ việc tự do hóa từng phần, từng giai đoạn; đầu tiên là tự do hóa thị trường vàng vật chất, rồi đến việc kinh doanh vàng phi vật chất (vàng tài khoản), sau đó dần xóa bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất, nhập khẩu vàng.

Theo đó, vàng vật chất như vàng nữ trang cần được xem là mặt hàng kinh doanh không điều kiện, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chuyển Bộ Công Thương quản lý như mặt hàng thông thường. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý vàng phi vật chất và vàng miếng. Đồng thời, cơ quan chức năng tham khảo các mô hình sàn giao dịch vàng tại các nước để chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập sàn giao dịch vàng phù hợp nhất với Việt Nam.

Theo vị chuyên gia này, mô hình sàn giao dịch vàng Thượng Hải phù hợp với Việt Nam hơn cả, bởi thị trường của hai nước khá tương đồng. Nguyên tắc xây dựng sàn này là khách quan, minh bạch, không vì lợi ích riêng của bất cứ nhà đầu tư hay tổ chức nào. Ngân hàng Nhà nước là đầu mối quản lý thị trường vàng và điều tiết thị trường theo quy luật cung - cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tìm giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.