Kinh tế

Để thị trường vàng Việt Nam không còn "bất thường"Bài 2: Đi tìm nguyên nhân chênh lệch giá vàng

Hương Thủy 01/01/2024 - 15:04

Theo các chuyên gia, giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch đến 20 triệu đồng/lượng là vô lý. Nguyên nhân của sự chênh lệch lớn trên là do độc quyền vàng miếng SJC khiến nguồn cung khan hiếm.

Giá cao vì nguồn cung khan hiếm

Thực tế, những bất cập như giá tăng cao, không liên thông với giá thế giới không phải bây giờ mới được đề cập mà đã bắt đầu xuất hiện khoảng 2 năm sau khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành.

Những năm gần đây, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới càng rộng hơn, khi nguồn cung vàng miếng ra thị trường gần như bị chặn đứng.

Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng SJC. Vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trở thành đơn vị gia công vàng miếng SJC dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Kể từ khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được ban hành, không có doanh nghiệp nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Ngân hàng Nhà nước cũng không nhập khẩu vàng để gia công vàng miếng SJC nhằm chống “vàng hóa” nền kinh tế.

vang.jpg
Ảnh minh họa.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, giá vàng miếng SJC tăng cao trong thời gian qua là do độc quyền vàng miếng SJC, nguồn cung khan hiếm, thị trường chỉ có mua đi bán lại vàng SJC cũ. Cầu tăng dù không mạnh, trong khi cung không có thì đương nhiên giá bị đẩy lên cao, chênh lệch lớn với giá thế giới.

Trên thực tế, việc không cấp phép nhập khẩu vàng khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Một số doanh nghiệp thậm chí phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức nên càng khiến giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao.

Trong giai đoạn 2013-2019, giá vàng miếng SJC chỉ dao động quanh mức 40 triệu đồng/lượng, song từ năm 2020, thời điểm bắt đầu dịch Covid-19, giá vàng tăng mạnh, lên mốc 50 triệu đồng/lượng rồi vượt mốc 60 triệu đồng/lượng vào năm sau đó. Đến năm 2022 và 2023, giá kim loại quý này lần lượt vượt mốc 70 triệu đồng/lượng và 80 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và thế giới những năm gần đây phổ biến là 13 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng.

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không còn phù hợp?

Nhìn lại hơn 10 năm trước, thị trường vàng diễn biến phức tạp, lộn xộn, nhiều sàn vàng tự phát mọc lên, người dân đổ xô đi mua vàng, tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tạo ra các cơn “sốt giá” gây bất ổn trong xã hội.

Chưa kể hằng năm, Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Toàn bộ lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng được lấy từ nền kinh tế. Nhập khẩu vàng trên quy mô lớn đã ảnh hưởng đến tỷ giá, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

Trước tình hình đó, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã ra đời, nhằm chống “vàng hóa” nền kinh tế, được đánh giá là cần thiết.

Nhiều biện pháp được cơ quan quản lý thực hiện, như: Ngân hàng Nhà nước tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng SJC. Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; cấm sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán...

Sau khi triển khai, cung - cầu vàng miếng SJC tương đối cân bằng, thị trường vàng tự điều tiết, không còn tình trạng "làm giá", góp phần quan trọng ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh nhưng giá vàng trong nước vẫn ổn định. Bên cạnh đó, quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua bán vàng, là bước tiến quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Dù đạt được kết quả tốt, đặc biệt là việc chống “vàng hóa” nền kinh tế, song nhiều chuyên gia cho rằng, một số nội dung quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, bởi Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, không liên thông với thế giới. Chính sách "đóng cửa" khiến chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới rất cao.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không có ngân hàng trung ương nào trên thế giới lại vừa quản lý vừa kinh doanh vàng, tức vừa “đá bóng vừa thổi còi” như tại Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều nước thực hiện chính sách tự do hóa thị trường vàng; đưa vào hoạt động sở giao dịch vàng, trong đó giao dịch vàng miếng được thực hiện tập trung qua sàn bằng cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả do cung cầu thị trường quyết định. Chính vì thế, giá vàng không có sự chênh lệch lớn với giá thế giới.

Ông Huỳnh Trung Khánh cho biết thêm, giá vàng trong nước do không liên thông với thế giới nên nhiều khi biến động bất thường, có lúc lên theo giá vàng thế giới, song có thời điểm giá thế giới xuống, giá trong nước không điều chỉnh hoặc giảm chậm.

Buôn lậu gia tăng

Cũng theo ông Huỳnh Trung Khánh, Hội đồng Vàng thế giới đánh giá, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ khoảng 2% trở lên là sẽ phát sinh hiện tượng nhập lậu vàng.

Trong khi đó, chênh lệch giá giữa hai thị trường những năm gần đây cao hơn mức trên rất nhiều. Mức chênh lệch lớn, có lúc đến 20 triệu đồng/lượng là phi lý, sẽ khiến nhập lậu vàng, trốn thuế tăng, gây thất thu ngân sách, chưa kể sẽ tác động đến thị trường ngoại tệ “chợ đen”.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong vài năm trở lại đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới và đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây quy mô rất lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng.

Chẳng hạn, chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc tỉnh Tây Ninh, với 18 bị can bị khởi tố về tội buôn lậu. Tang vật thu giữ gồm 198kg vàng, 59 cây vàng, gần 2,9 triệu USD, gần 27 tỷ đồng và nhiều phương tiện, thiết bị. Mở rộng điều tra, tính riêng trong hai tháng 8, 9-2022, các đối tượng đã nhập lậu hơn 4 tấn vàng.

Tương tự, tại chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, cơ quan chức năng đã khởi tố 20 bị can về tội buôn lậu. Kết quả điều tra ban đầu xác định từ năm 2022 đến nay, các đối tượng đã buôn lậu hơn 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng, để bán cho các cửa hàng vàng trong nước.

Giá vàng tăng cao, chênh lệch lớn với thị trường thế giới cũng gây ra tâm lý bất ổn với người dân. Đặc biệt, rủi ro được đẩy hết về phía người dân khi chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra cũng được đẩy lên rất cao. Chỉ cần mua xong và ngay lập tức bán lại, người mua đã mất vài triệu đồng. Chưa kể trong một ngày, giá vàng cũng có thể tăng lên rất nhanh và giảm cũng rất nhanh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thị trường vàng Việt Nam không còn "bất thường" Bài 2: Đi tìm nguyên nhân chênh lệch giá vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.