Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn

Kiều Oanh| 23/03/2016 06:58

(HNM) - Đề án số 103 về hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm được các bạn trẻ đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng sau gần 7 năm, số người được đào tạo nghề mới đạt 27,4% (68.500 người); việc hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp thành công cũng chỉ được 16,3%.

Đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.Ảnh: Hải Anh


Chưa kể, chất lượng đào tạo khởi sự doanh nghiệp chưa cao và mới có 25% thanh niên khởi sự thành công. Nhiều dự án mới chỉ trên ý tưởng hoặc đang triển khai phải bỏ dở vì thiếu kinh phí, khiến cho những mục tiêu đặt ra khó thành hiện thực.

Nhiều dự án bỏ dở vì thiếu vốn

"Dự toán kinh phí ban đầu thực hiện Đề án số 103 là 1.206 tỷ đồng, nhưng trên thực tế, kinh phí thực hiện từ năm 2009-2015 chỉ có 445,23 tỷ đồng; nguồn kinh phí cấp trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia
về việc làm và dạy nghề chỉ đáp ứng 46% nhu cầu thực tế" - Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết. Nguyên nhân là Ban điều hành Đề án số 103 trung ương chỉ bao gồm các thành viên của Trung ương Đoàn, trong khi để triển khai cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan; chỉ có 33 tỉnh, thành phố thành lập Ban điều hành. Mặc dù đã có công văn chỉ đạo của Chính phủ về việc các địa phương thành lập Ban điều hành Đề án số 103 và bố trí ngân sách để thực hiện, nhưng không có nhiều địa phương chấp hành chỉ đạo này.

Đề án số 103 tập trung triển khai 4 nội dung lớn là thành lập dự án truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về nghề nghiệp, việc làm; hỗ trợ, tư vấn thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; đầu tư xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên; triển khai thực hiện các nhóm chính sách tín dụng hỗ trợ thanh niên học nghề, tạo việc làm. Tuy nhiên, có 3 nội dung không đạt chỉ tiêu, trong đó các dự án "Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp", "Tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp" cùng nhiều sản phẩm truyền hình, website... chỉ được hỗ trợ từ 5% đến 10% kinh phí nên đã bị bỏ dở. Công tác đào tạo, hỗ trợ việc làm mới, đào tạo khởi sự doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết thêm, trong số vốn 70 tỷ đồng Chính phủ giao Trung ương Đoàn quản lý, quy định mức vay tối đa cho mô hình khởi nghiệp của thanh niên là 1 tỷ đồng/1 dự án, nhưng số được vay không nhiều. Còn theo thanh niên được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 Tạ Tùy Duy (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức), mức được vay trung bình 20-30 triệu đồng chưa đủ để thanh niên khởi nghiệp, chứ chưa nói là đầu tư công nghệ cao để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho các thanh niên khác. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay thương mại rất khó, lãi suất cao. Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn lực xã hội cũng khó khăn khiến việc xây dựng mô hình "Vườn ươm doanh nghiệp", tổ chức cuộc thi "Khởi nghiệp cùng bạn"... không thể triển khai; tổng đài 19009416, chương trình truyền hình "Thế giới nghề nghiệp", "Lựa chọn của tôi"… phải ngừng hoạt động.

Từ thực tiễn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình phản ánh, hiện chưa gắn việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nên hiệu quả chưa cao. Số cơ sở dạy nghề do Đoàn thanh niên quản lý còn ít; cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; thông tin chưa đầy đủ khiến thanh niên lúng túng khi chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau khi học nghề. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm của thanh niên chưa đồng bộ; các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn; việc làm của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tiếp tục là thách thức lớn… Theo thống kê của Viện Khoa học - Lao động - Xã hội, năm 2015 có trên 178.000 sinh viên thất nghiệp.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Trong bối cảnh thiếu kinh phí, tổ chức Đoàn ở TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Kiên Giang, Quảng Nam, Tiền Giang, Cần Thơ, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hà Nội được chính quyền bố trí riêng kinh phí triển khai thực hiện Đề án số 103. Nhiều nơi có cách làm linh hoạt như Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, ngoài việc khai thác hiệu quả Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2012-2015 là 557 dự án với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng, các quận, huyện, phường, xã còn làm cầu nối để thanh niên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội được 330 tỷ đồng. Thành đoàn còn chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên vận động các nguồn lực xã hội chăm lo cho sinh viên với 997 suất học bổng trị giá hơn 2,9 tỷ đồng... Tương tự, tại Hà Nội, Đoàn thanh niên thành phố kêu gọi các ngân hàng thương mại hỗ trợ thanh niên được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế tại địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, Trung ương Đoàn vừa tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên giai đoạn 2016-2020". Đề án mới sẽ tập trung vào các nội dung: Tổ chức hoạt động truyền thông, tư vấn hướng nghiệp đối với thanh niên, nhất là phụ huynh và học sinh THCS, THPT. Đề án cũng sẽ tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề tại chỗ gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, các huyện nghèo, bị khuyết tật và thanh niên hoàn lương. Đề án tiếp tục tổ chức đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho thanh niên mới thành lập doanh nghiệp, thanh niên nông thôn; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp; nâng cao năng lực hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên...

Trung ương Đoàn cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tham mưu Chính phủ triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ; hoàn thành đầu tư xây dựng 6 trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên tại Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Khánh Hòa, Gia Lai, Tiền Giang. Ngoài giải pháp này, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình kiến nghị, chính quyền và các ngành, đoàn thể ở địa phương tích cực bổ sung và tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn để khởi nghiệp…

Phía tổ chức Đoàn sẽ tăng cường thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ về hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh giám sát, kịp thời phản ánh thông tin hai chiều trong quá trình thực thi chính sách. Hy vọng, những giải pháp này sẽ khắc phục được bất cập, thiết thực hỗ trợ thanh niên được học nghề, có việc làm, góp phần giảm tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.