Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tăng nguồn lực, ưu tiên quỹ đất

Thống Nhất| 14/11/2018 06:32

(HNM) - Để đạt mục tiêu có 70% số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, theo lộ trình, năm 2018 Hà Nội phải có thêm 80 trường đạt chuẩn, con số này của năm 2019 là 100 trường.

Trường Mầm non Hồng Tiến (quận Long Biên) vừa khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2018-2019. Ảnh: Mạnh Hà



"Loại" trường “vượt rào" về sĩ số

Tính đến ngày 31-10, Ba Đình là một trong 13 đơn vị chưa thực hiện được một chỉ tiêu trường chuẩn nào của năm 2018. Mặc dù tỷ lệ trường học đạt chuẩn của toàn quận mới đạt 51%, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của TP Hà Nội, song theo kế hoạch năm 2018, quận Ba Đình chỉ đăng ký hoàn thành xây dựng một trường chuẩn. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình lý giải: "Khó khăn nhất hiện nay là số lượng học sinh ra lớp không ngừng tăng, trong khi cơ sở vật chất của các trường hạn chế, chưa đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều trường như: Trung học cơ sở Giảng Võ, Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Mầm non Chim Non, Mầm non Sơn Ca...".

Đây không phải là tình trạng cá biệt mà đã xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa bàn như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Đống Đa... Đơn cử như tại quận Hai Bà Trưng, khó khăn lớn nhất trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được chỉ ra là số lượng học sinh tăng đột biến, phá vỡ quy hoạch đã có. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho kết quả xây dựng trường học đạt chuẩn của quận còn khiêm tốn, hiện mới đạt gần 60%, thấp hơn 3,5% so với tỷ lệ trung bình của toàn thành phố. "Mặc dù lãnh đạo quận không có thẩm quyền quyết định về việc xây dựng khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn, nhưng lại phải gánh trách nhiệm về việc học tập của con em những hộ dân tại đây" - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt bày tỏ.

Trước nhiều ý kiến đề xuất được “nới” tiêu chí về sĩ số học sinh/lớp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang nhận định, đây là khó khăn của nhiều trường tại Hà Nội hiện nay, song không vì để đạt chỉ tiêu mà các trường bỏ qua tiêu chí về sĩ số học sinh. Ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: "Các đơn vị phải tuyệt đối tuân thủ quy định về các tiêu chí trường chuẩn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dứt khoát không chấp thuận hồ sơ đề xuất công nhận đạt chuẩn của bất kỳ đơn vị nào có mức sĩ số cao hơn quy định. Các trường đều phải tuân thủ mức sĩ số với mỗi lớp ở cấp tiểu học là không quá 35 học sinh; với mỗi lớp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không quá 45 học sinh".

Ưu tiên vùng khó khăn

Tính đến ngày 31-10-2018, Hà Nội có 32 trường trong số 80 trường trong kế hoạch đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, từ nay tới cuối năm còn 48 trường cần phải hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn. Song, cái khó là hầu hết những trường này đều nằm trên địa bàn các huyện còn nhiều khó khăn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện còn 13 đơn vị chưa thực hiện được chỉ tiêu nào của năm 2018, trong đó chủ yếu là tại các huyện: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Hoài Đức, Mê Linh, Phú Xuyên, Quốc Oai… Khó khăn chung của các đơn vị trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia là ngân sách hạn chế, nhưng mạng lưới trường lớp rộng, nhiều trường đã được xây dựng từ lâu, nên vừa phải thường xuyên cải tạo để bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa phải đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn để nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ dẫn chứng: "Quy mô giáo dục của huyện lên tới 110 trường, trong khi ngân sách hằng năm hạn hẹp, mỗi năm chỉ có khoảng 4,5 tỷ đồng để chi cho việc chống xuống cấp, nhưng phần lớn các trường đều đã cũ. Phần kinh phí này chia ra cho các trường để quét vôi cũng chưa đủ, vì vậy, việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn còn khiêm tốn".

Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2018, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, tập trung các nguồn lực để đầu tư cho các trường đã đăng ký theo kế hoạch năm 2018 và đưa vào lộ trình triển khai năm 2019. Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất Sở Tài chính đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bàn giao chậm nhất vào ngày 20-11 để các đơn vị kịp thời hoàn thiện thủ tục công nhận đạt chuẩn. Với những đơn vị còn khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, hỗ trợ kinh phí, trong đó ưu tiên cho hai đơn vị hiện có tỷ lệ trường chuẩn thấp nhất là Ba Vì (42%) và Phú Xuyên (35%).

Việc ưu tiên kinh phí cho các trường trung học phổ thông cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất UBND thành phố quan tâm trong giai đoạn này, bởi đây là các trường trực thuộc thành phố, tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn mới chỉ chiếm 56%, trong khi cấp tiểu học và trung học cơ sở đã đạt hơn 70%. Việc rà soát quỹ đất để xây dựng trường học ở các quận trung tâm; bổ sung xây dựng trường, lớp học đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là tại các địa bàn có khu công nghiệp; cho phép các trường được nâng tầng so với quy định cũng đang là những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải trường học, đồng thời đưa lộ trình xây dựng trường chuẩn về đích đúng hẹn.

Để đạt mục tiêu có 70% số trường công lập đạt chuẩn vào năm 2020, theo kế hoạch, năm 2019 Hà Nội sẽ xây dựng thêm 100 trường đạt chuẩn quốc gia. Dự kiến, tổng nhu cầu kinh phí cho việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 là gần 3.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu cải tạo, xây dựng trường đạt chuẩn của các huyện là hơn 2.500 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tăng nguồn lực, ưu tiên quỹ đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.