Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tăng giá nước - Hợp lý, thấu đáo

Dạ Khánh| 25/05/2023 14:51

(HNMO) - Theo phương án và lộ trình tăng giá nước sạch mà Sở Tài chính Hà Nội đang trình UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng cuối năm 2023, giá nước sạch sẽ tăng thêm trung bình khoảng 30% và trong năm 2024 tăng trung bình 13%. Chủ trương điều chỉnh giá nước sạch của thành phố nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp. Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận các ý kiến xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp:
Hà Nội đã cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng

Theo quy định, giá bán nước sạch cần được rà soát hằng năm và phải được điều chỉnh khi các yếu tố đầu vào thay đổi. So với thời điểm năm 2013, đến nay, lương tối thiểu đã tăng 200%, chi phí điện tăng 29%, tỷ giá USD tăng 13%. Bên cạnh đó, một số thuế, phí liên quan đến sản xuất nước cũng đã tăng và được bổ sung... Tuy nhiên 10 năm nay, Hà Nội vẫn áp dụng giá tiêu thụ nước theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội. So với các tỉnh, thành phố, giá nước hiện hành của Hà Nội khá thấp. Điều này ảnh hưởng đến việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh nước sạch.

Giá nước điều chỉnh tăng cũng rất hợp lý. Số tiền các hộ dân khu vực đô thị và nông thôn chi thêm không nhiều, khoảng 10.000-26.000 đồng/hộ/tháng đối với gia đình dùng 10-16m3/tháng. Phương án giá, lộ trình điều chỉnh được làm thận trọng, thấu đáo, kỹ lưỡng và quan tâm đến đời sống người dân. Việc điều chỉnh giá nước sẽ giúp thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng cấp nước, bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du:
Nhiều dự án đang chậm tiến độ hoặc không thực hiện

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân Thủ đô, từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương xã hội hóa, kêu gọi 23 nhà đầu tư tham gia phát triển 39 dự án cấp nước. Nhiều dự án đã được triển khai, hoàn thành, góp phần nâng công suất cung cấp nước sạch cho thành phố, giải quyết tình trạng thiếu nước sạch, nhất là trong những ngày hè. Song đến nay, cũng có nhiều dự án đang chậm tiến độ hoặc không thực hiện được; trong đó có 2 dự án nguồn là Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 (công suất 300.000m3/ngày-đêm) và Nhà máy nước mặt sông Hồng (công suất 300.000m3/ngày-đêm).

Với dự án phát triển mạng, đặc biệt khu vực nông thôn (413 xã), thành phố đã giao nhà đầu tư triển khai 7 dự án phát triển mạng tại 121 xã, song, có 3 dự án (cấp nước cho 16 xã của các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Chương Mỹ) đang chậm tiến độ; 4 dự án (địa bàn 105 xã thuộc các huyện Phúc Thọ, Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai) chưa được thực hiện. Việc triển khai dự án không đúng kế hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh, an toàn cấp nước của thành phố.

Về nguyên nhân, giá bán nước sạch chưa được cập nhật đầy đủ chi phí đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Theo quy định, giá nước phải được tính trên cơ sở các yếu tố đầu vào tại thời điểm xây dựng và rà soát 2 năm/lần. Tuy nhiên, giá nước sạch đang áp dụng tại thành phố Hà Nội được tính từ năm 2013.

Để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025, 100% người dân đô thị và nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội phân vùng cấp nước cho những khu vực nhà đầu tư không thực hiện; thu hồi dự án, giao cho đơn vị khác triển khai. Với các dự án chậm tiến độ, tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành, mở rộng mạng cấp nước cho khu vực.

Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Thủ Đô Vũ Đức Toản:
Doanh nghiệp gặp khó khăn "trăm bề"

Công ty đã đầu tư 3 dự án cung cấp nước sạch cho 25 xã, thị trấn thuộc huyện Thạch Thất, Quốc Oai. Các dự án có tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng, hoàn thành năm 2017, 2018, hiện đang cấp nước cho 39.303 khách hàng (hơn 150.000 người). Đối tượng cấp nước của công ty là khu vực nông thôn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, có thói quen sử dụng nước mưa, nước giếng khoan cho sinh hoạt, cộng với thu nhập thấp, dẫn tới mức tiêu thụ nước mỗi hộ chỉ dưới 10m3/tháng.

Giá tiêu thụ nước theo quy định là 5.973 đồng/m3, trong khi nếu tính đúng, tính đủ chi phí, giá bán phải là 12.500 đồng/m3. Ngay khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp đã phải chịu lỗ khoảng 5.300 đồng/m3 nước sạch bán ra. Lỗ lũy kế đến nay đã hơn 30 tỷ đồng. Khó khăn về tài chính nên doanh nghiệp chưa thể triển khai các hạng mục đầu tư còn lại. Doanh nghiệp cũng buộc phải nợ Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (là đơn vị cấp nguồn) tiền nước nhiều tháng nay. Thực sự, doanh nghiệp đang khó khăn "trăm bề".

Bà Nguyễn Thu Hương (phường Khương Mai, quận Đống Đa):
Cần kiểm soát chất lượng nước sạch

Tôi cho rằng, việc điều chỉnh giá nước sạch thời điểm này là hợp lý. Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số tăng mạnh. Thêm khách hàng, thêm nhu cầu sử dụng, tất yếu phải đầu tư thêm nguồn nước sạch. Thiếu nguồn, nước yếu, hộ dân phải sử dụng máy bơm, lại tăng thêm tiền điện. Mất nước, thiếu nước, sinh hoạt sẽ đảo lộn, cuộc sống khó khăn... Cho nên, tăng giá nước một chút nhưng sẽ thu hút đầu tư, có nguồn nước mạnh, thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, tôi hoàn toàn ủng hộ.

Tuy vậy, bên cạnh tăng giá nước, thành phố cũng cần bảo đảm đủ nước cho người dân, đồng thời tăng cả chất lượng nước sạch, yêu cầu các đơn vị sản xuất nước đầu tư công nghệ xử lý nước mới, công khai chất lượng nước, cũng như có kế hoạch cải tạo hệ thống đường ống cũ nhằm bảo đảm chất lượng nước đưa đến các hộ dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tăng giá nước - Hợp lý, thấu đáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.