(HNM) - Càng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn thì càng lắm bi kịch gia đình, kể cả những đôi thụ tinh trong ống nghiệm thành công…
1. Nhìn vợ rạng ngời hạnh phúc chăm sóc, vui đùa với thằng con trai kháu khỉnh mà lòng anh Thành trĩu nặng. Vẫn biết thế là ích kỷ, là tầm thường, nhưng nhiều lúc anh không thể điều khiển nổi cảm xúc của mình. Trước khi quyết định xin tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm, anh cũng đã đấu tranh tư tưởng hàng tháng trời. Cuối cùng, vì tình yêu của vợ, vì không chịu nổi ánh mắt thẳm buồn của chị mỗi khi nhìn trẻ chơi đùa, anh đã đồng ý ký vào giấy xin tinh trùng. Khi chị có thai, anh mừng vô cùng, chăm sóc chị chu đáo tới mức anh trở thành thần tượng của chị em ở cơ quan và khu tập thể. Đến khi chị sinh, bế đứa trẻ trên tay, người anh run bắn lên vì hạnh phúc. Vậy mà sao khi con biết nói, biết gọi anh là bố, lòng anh bỗng nguội dần. Thằng bé tuy không giống anh, nhưng giống mẹ kỳ lạ, nên không một ai biết nó không phải là giọt máu của anh; nó cũng quấn quít và tôn thờ bố như bao đứa trẻ khác; sau khi sinh con, vợ anh đẹp hơn, yêu thương chồng hơn… thế mà anh cứ thấy cô đơn. Anh đi công tác nhiều hơn, ra ngoài nhiều hơn và ngồi một mình cũng nhiều hơn. Anh cũng đã định tới gặp bác sĩ tâm lý, nhưng anh hiểu cũng chẳng giúp ích gì, bởi nguyên nhân mọi bất ổn chính là sự ích kỷ của anh quá lớn, và cũng là vì anh không thể thắng nổi bản thân mình.
2. Khi còn là sinh viên, Duy là người trong mộng của nhiều cô gái vì vóc dáng cao to như vận động viên, khuôn mặt điển trai như tài tử điện ảnh, học giỏi, hát hay lại khéo ứng xử. Không ít cô còn lăn xả "anh không lấy em cũng được, chỉ cần cho em xin đứa con". Sau khi kết hôn, vợ Duy phải bỏ thai 2 lần vì kinh tế chưa ổn định. Lần có bầu thứ 3 thì thai ngoài tử cung, may mà cấp cứu kịp, chỉ phải cắt một bên vòi trứng. Sau lần đó tới 2 năm không thấy có tin vui, hai vợ chồng đi khám mới giật mình khi biết do nạo phá thai nhiều lần, lại không biết cách giữ gìn, vợ Duy bị tắc vòi trứng còn lại. Còn Duy, dù tinh dịch thì nhiều, nhưng tinh trùng khỏe chỉ còn 2%, nguyên nhân là do làm việc quá sức, uống nhiều rượu bia và hút quá nhiều thuốc lá. Bác sĩ cho biết, nếu muốn có con phải làm thụ tinh trong ống nghiệm. Sau 3 lần làm IVF là có tin vui, nhưng trong suốt quá trình mang thai, vợ Duy phải nằm bất động vì thai dọa sảy không biết bao lần. Cuối cùng, gần được 8 tháng con "đòi ra" khi mới được 1,5kg. Sau gần một tháng nằm lồng ấp con cũng được xuất viện, nhưng võng mạc bị tổn thương. Dù đã chữa trị tích cực nhưng thị lực bé rất kém.
3. Lần chuyển phôi lần thứ 8 này đem đến bao hy vọng cho vợ chồng chị Hiền: Đây là phôi trữ của một cặp vợ chồng đang mang thai tháng thứ 6 tặng cho anh chị. Và đúng là hạnh phúc đã đến gõ cửa. Gần 9 tháng sau chị sinh được một cô con gái bụ bẫm, đáng yêu. Nhìn con khôn lớn từng ngày, anh chị như được tiếp thêm sức mạnh. Khi bé Lan được hơn 8 tháng, gia đình chị được tiếp hai vị khách đặc biệt, đó chính là bố mẹ đẻ của bé Lan. Những cuộc thăm viếng của họ ngày càng dày dần, thời gian ở lại cũng lâu hơn. Rồi một ngày, bố đẻ bé Lan quỳ sụp xuống, xin anh chị cho đón con về. Thì ra, đứa con của họ bị sinh non lúc gần 7 tháng. Sau một tuần nằm lồng ấp, bé qua đời. Chị vợ cũng vì chuyện này mà phải nằm viện điều trị bệnh tâm thần tới hơn một năm, nay sức khỏe mới ổn trở lại. Bố đẻ bé Lan cho biết, việc xin lại con đúng là quá nhẫn tâm, nhưng anh không còn cách nào khác, vì mấy tuần nay, vợ anh có biểu hiện bất thường: Bỏ ăn, không ngủ, suốt ngày nói chuyện một mình và cứ giục anh đón con về. Biết phải xa con là mất tất cả, với lại xét về mặt pháp luật, bố mẹ bé Lan không thể đòi con, nhưng trước tình cảnh này, vợ chồng chị Hiền không còn cách nào khác là trả lại giọt máu về cho bố mẹ bé. Anh chị chỉ xin gia đình bên ấy cho phép đi lại và chăm con thường xuyên. Nhưng rồi một ngày, bố mẹ bé Lan đã âm thầm chuyển tới một thành phố khác sinh sống, để lại nỗi cô đơn và đau đớn khôn nguôi cho cặp vợ chồng ở lại.
4. Hơn 10 năm sau khi ly dị, anh Hải mới tái hôn. Ba năm trôi qua nhưng thấy dâu mới vẫn "án binh bất động", gia đình anh bắt đầu mặt nặng mày nhẹ: "Chắc chắn lỗi là tại con Thủy rồi, vì thằng Hải đã có hai đứa con gái với vợ trước". Anh Hải không dám nói gì, vì anh biết việc chậm con hoàn toàn là do mình. Anh bị tình trạng "chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền", chạy chữa mấy năm nay vẫn chưa có chuyển biến. Nhiều đêm thấy vợ trằn trọc, sáng ra mắt sưng húp, dù lòng rất đau đớn, nhưng anh đành vờ không biết. Những lời bàn tán của họ hàng càng giống như những nhát dao cứa thêm vào nỗi đau của chị Thủy. Sau nhiều đêm tỉ tê đầy nước mắt của vợ, cuối cùng anh Hải cũng đồng ý làm thụ tinh trong ống nghiệm. May mắn thay, ngay lần làm đầu tiên chị Thủy đậu song thai. Cả hai vợ chồng cùng con đi qua những tháng ngày vừa hạnh phúc vừa thấp thỏm lo âu. Khi chị sinh, mẹ chồng chị vào thăm, nhìn hai cô công chúa nằm bên mẹ, bà nhìn con trai, phán một câu xanh rờn: "Lại thị mẹt à. Số anh đúng là… giời đày. Nghỉ ngơi vài tháng rồi sang năm đẻ tiếp, khi nào được thằng cu thì thôi". Từ sau bữa đó bà không một lần đến thăm con, thăm cháu. Khi hai đứa trẻ được 6 tháng, bà gọi điện yêu cầu anh chị đến nhà để họp gia đình: "Anh Hải tuy không phải là con trưởng, nhưng lại làm to nhất nhà, vì thế không thể không có con trai. Anh em đứa nào cũng có con trai, anh mà không có sau này già chết đi ai chống gậy? Tài sản để cho ai? Chị Thủy mà không sinh được con trai thì liệu đường mà tính". Sợ mẹ lên cơn tăng huyết áp, làm trái ý bà nhỡ có mệnh hệ gì thì ân hận cả đời, anh Hải thuyết phục vợ tiếp tục làm IVF. Nhưng những lần sau, may mắn đã không mỉm cười với anh chị. Nhìn vợ gầy yếu sau một lần sinh đôi, 4 lần làm ống nghiệm, lại luôn căng thẳng vì những lời cạnh khóe, nhiếc móc của mẹ; sự coi thường, xa lánh của các chị em dâu, anh Hải nhiều lúc muốn đưa vợ con đi thật xa.
5. Chứng kiến vợ lảo đảo từ phòng chụp tử cung vòi trứng ra giường nằm nghỉ, nhìn bụng vợ tím từng mảng khi tiêm thuốc kích trứng, hay cả đêm vợ ôm túi chườm nóng giảm đau và trướng bụng sau khi hút trứng, rồi những lời an ủi chồng khi việc thụ tinh ống nghiệm thất bại, anh Bình thấy vợ mình thật vĩ đại. Cô ấy chịu đựng bao nhiêu đau đớn, bao khó khăn, mình mới chỉ làm có vài cái xét nghiệm máu, lấy tinh chất có vài lần mà đã cáu gắt ầm ĩ, thậm chí còn mắng cô ấy trước mặt bao nhiêu người. Mà vợ anh cũng chịu thương, chịu khó. Quần quật ngoài đồng chưa đủ, cô ấy còn nhận đan lát, xay xát ngô lúa kiếm thêm thu nhập. Anh chạy xe ôm cũng chỉ kiếm đủ tiền sinh hoạt. Mọi chi phí cho 4 đợt làm ống nghiệm vừa rồi ngoài tiền tích cóp bấy lâu, tiền bố vợ bán mảnh đất đầu thôn cho một ít, còn lại là vay họ hàng, vay nặng lãi hơn một trăm triệu đồng. Lần làm thứ 5 này hết hơn 40 triệu đồng, đến hôm chọc hút trứng vẫn chưa lo đủ, lại phải khất bệnh viện hai hôm nữa. Cả làng ai cũng khen vợ anh đảm đang, rằng anh tốt số. Chỉ có nhà anh là ngược lại. Họ bảo anh vô phúc, lấy phải cây chuối đực. Sau 4 lần làm ống nghiệm, buồng trứng của chị đã suy hoàn toàn, vì thế lần thứ 5 họ phải xin trứng và may mắn đã thành công. Tuy phải làm việc vất vả hơn để nuôi vợ, nuôi con và trả nợ, nhưng gia đình anh lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Rồi chẳng hiểu sao khi con tròn một tuổi, gia đình anh biết sự thật. Cả họ nhà anh họp lên họp xuống bắt chị phải làm giấy li hôn và từ con, vì "cô dám lừa dối cả gia tộc", vì "nó là cháu của chúng tôi, không phải là con cô!". Thấy vợ quỳ mấy ngày đêm ngoài sân xin được tiếp tục làm dâu con, lòng anh như xát muối, nhưng gặp ánh mắt sắc lạnh của bố, anh lại cúi gằm mặt. Không chịu nổi tủi nhục và sự đớn hèn của chồng, chị đồng ý ký vào mọi giấy tờ. Đứng ở góc vườn len lén dõi theo bóng vợ liêu xiêu bước trên con đê đầu làng, lẫn trong tiếng lao xao của họ hàng bàn việc tìm vợ mới cho thằng cháu đích tôn, Bình chợt nhận ra bi kịch của đời mình giờ mới thực sự bắt đầu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.