(HNM) - Những bất cập đặt ra trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý KT-XH, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn TP Hà Nội cần được xem xét điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Theo Thường trực HĐND, UBND thành phố, trong thời kỳ ổn định ngân sách (2016-2020)
Từ thực tiễn…
Giải quyết những bất cập trong quá trình phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý KT-XH, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bên cạch đó, nhiều địa phương đã đề xuất UBND thành phố phân cấp trung tâm y tế và trạm y tế cấp xã cho cấp quận, huyện quản lý. Bởi, trạm y tế là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, là 1/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và để địa phương quản lý công tác phòng chống dịch bệnh tốt hơn, kịp thời hơn. Đối với lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật, quận Long Biên kiến nghị UBND thành phố chấp thuận phương án: Phân cấp một số nội dung như quản lý duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng tự chủ, đồng bộ cho quận. Cơ sở cho đề xuất này là Long Biên có vị trí độc lập tương đối so với các quận nội thành khác (bên kia Sông Hồng), hệ thống thoát nước tương đối độc lập. Ngoài ra, quận cũng khẳng định, đủ khả năng đảm nhận, làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm và các huyện Đông Anh, Gia Lâm cũng đề xuất thành phố nên phân cấp lĩnh vực duy tu, duy trì hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý. Đi kèm với giao việc, thành phố bố trí điều kiện như phân bổ ngân sách, bố trí thêm cán bộ để các đơn vị thực hiện hiệu quả. Về quản lý đường phố, UBND TP Hà Nội nên xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Về công tác XDCB, giai đoạn 2016-2020, chủ trương của Hà Nội là đẩy nhanh tốc độ đô thị, nên khối lượng GPMB ở các địa phương rất lớn, kéo theo sự thay đổi kết cấu hạ tầng. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các quận, huyện thực hiện tốt đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố nên xem xét bố trí giao thêm vốn cho nguồn XDCB trong cân đối ngân sách hằng năm. Giải thích lý do xin tăng thêm, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lưu Tất Thắng cho rằng, hiện nay, mức chi công trình xây mới một trường bậc mầm non, tiểu học theo chuẩn quốc gia đã hơn 30 tỷ đồng, trung học cơ sở khoảng 50 tỷ đồng chưa kể GPMB. Số vốn phân bổ 70,7 tỷ đồng/năm cho quận không đủ để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Về tỷ lệ điều tiết khoản thu từ nguồn đấu giá sử dụng đất, nhiều địa phương đều đề xuất UBND thành phố nâng tỷ lệ điều tiết khoản thu này đối với diện tích trên 5.000m2; điều tiết 100% khoản thu từ nguồn đấu giá sử dụng đất dưới 5.000m2 tiếp giáp với đường, phố; điều tiết 100% khoản thu đấu giá các dự án nhỏ lẻ, xen kẹt cho ngân sách huyện để phục vụ xây dựng nông thôn mới. TP Hà Nội cũng sớm ban hành quy chế về quản lý, bảo vệ di tích để phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị; quy chế quản lý tiền công đức; bố trí kinh phí cho cấp huyện để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn theo phân cấp.
… đến phân cấp trong giai đoạn mới
Với chức năng tham mưu, Sở KH&ĐT đã ghi nhận những đề xuất của các địa phương. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Ngô Văn Quý, đề xuất của các địa phương đều thuộc lĩnh vực quản lý của các sở chuyên ngành. Tới đây Sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các sở chuyên ngành rà soát, báo cáo với thành phố về quản lý phân cấp. Để chuẩn bị các nội dung phân cấp quản lý một số lĩnh vực KT-XH giai đoạn 2016-2020 hiệu quả, đồng bộ và thống nhất, Sở KH&ĐT đã có văn bản số 732/KH&ĐT-QH ngày 12-3-2015 gửi các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành xin ý kiến về các phương án, sau đó sẽ tổng hợp tham mưu với UBND thành phố thực hiện phân cấp trong giai đoạn mới.
Trao đổi về phân cấp quản lý KT-XH gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định: Trong giai đoạn 2011-2015 thực hiện phân cấp đã góp phần khắc phục sự ỷ lại và cơ chế "xin cho" giữa các cấp. Thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020, chủ trương của thành phố là tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa cho cấp dưới trên cơ sở pháp lý, khoa học, gắn với trách nhiệm được giao. Những lĩnh vực mà địa phương đảm nhận được thì thành phố sẽ phân cấp cho địa phương; ngược lại, những việc cấp quận, huyện không có nhiệm vụ phải làm, khả năng không làm được thì nhất quyết thành phố không phân cấp. Thành phố sẽ tính toán việc phân cấp phù hợp theo thực tế, điều kiện từng địa phương, theo từng thời điểm. Khi thành phố đã phân cấp rồi, thì các sở chuyên ngành tham mưu cho thành phố, tạo điều kiện về nhân lực, vốn và hướng dẫn cấp dưới thực hiện. Các sở chuyên ngành cũng phải kiểm tra và chịu trách nhiệm trên quan điểm "phân cấp nhưng không buông quản lý".
Đối với vấn đề quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn, UBND thành phố sẽ có văn bản đề nghị Bộ Y tế chấp thuận việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì nên phân cấp cho cấp quận, huyện; còn về nhân sự, chuyên môn sẽ do ngành y tế quản lý. Về kiến nghị của quận Long Biên được phân cấp toàn diện cho quận về công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Chủ tịch UBND thành phố cũng đã đề nghị các sở, ngành trước tiên sẽ giao cho quận những việc quận có thể đảm nhiệm được.
Như vậy, thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực nào mà địa phương đảm nhận được thì thành phố sẽ phân cấp, kèm theo điều kiện để thực hiện trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tiễn đặc thù quản lý của Hà Nội với mục tiêu cấp nào làm tốt thì phân cấp cho cấp đó thực hiện. Hy vọng, những giải pháp này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc phân cấp kinh tế - xã hội, nguồn thu, nhiệm vụ chi ở Hà Nội đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.