(HNM) - Nhiều vùng đất ở Pakistan nơi chúng tôi đi qua không thấy bóng dáng phụ nữ. Tại các khu chợ, các cửa hàng nhỏ ở thị trấn hoặc dọc đường chỉ thấy đàn ông bán hàng. Họ đều nhanh nhẹn, tháo vát và rất chiều khách. Tất cả đều thân thiện, cởi mở...
Sự thân thiện có ở mọi nơi
Nhiều vùng đất ở Pakistan nơi chúng tôi đi qua không thấy bóng dáng phụ nữ. Tại các khu chợ, các cửa hàng nhỏ ở thị trấn hoặc dọc đường chỉ thấy đàn ông bán hàng, từ bán tạp hóa, hàng rau đến hàng ăn. Họ đều nhanh nhẹn, tháo vát và rất chiều khách. Trong các khách sạn, từ lễ tân đến phục vụ và đầu bếp cũng chỉ thấy đàn ông. Tất cả đều thân thiện, cởi mở.
Nữ sinh trung học Pakistan tươi cười với du khách Việt Nam. |
Trong quá trình di chuyển, chúng tôi có dừng lại ở một vài khu chợ dọc đường để mua hoa quả, thức ăn. Có lẽ lần đầu dân bản địa thấy phụ nữ hồn nhiên xuống phố mua hàng nên ngay lập tức các khu chợ trở nên huyên náo. Những người đàn ông, già trẻ, lớn bé tụ tập thành đám đông tò mò. Họ hỏi chúng tôi từ đâu tới và đề nghị được chụp ảnh cùng. Chắc ít khi họ gặp những người phụ nữ “chủ động” khoác tay đàn ông lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ. Những nhà hàng chúng tôi dừng lại ăn sáng dọc đường cũng chỉ có đàn ông. Họ quả là những đầu bếp mẫn cán, mến khách.
Duy nhất có một nhà hàng nằm bên trong vườn táo, gần sông băng Hopper có những người phụ nữ vừa phục vụ, vừa nấu ăn nhưng đi kèm quy định “không cho người lạ vào bếp”. Đoàn khách Việt Nam đã phải nỗ lực thuyết phục để tôi được vào bếp làm món ăn Việt cho cả nhóm. Ali, hướng dẫn viên địa phương cho biết: “Đây là nhà hàng duy nhất cả vùng Hunza mà phụ nữ được làm chủ”. Những người phụ nữ ở nhà hàng này thân thiện, họ tò mò xem tôi chế biến món ăn và xin được làm cùng. Tôi cũng đã mời các bạn thưởng thức món bò xào rau cải và cơm rang Dương Châu. Các bạn tấm tắc khen ngon.
Chuyến đi cũng không may gặp thời tiết bất lợi, mưa và lở núi nên đã có một khoảng thời gian dài phải chờ đợi dọc đường. Dân làng và trẻ em quanh đó đã ra vui chơi, trò chuyện cùng. Viên cảnh sát ngay trạm kiểm soát ở đó cũng rất thân thiện, họ lấy mũ đội lên đầu tôi và cùng chụp ảnh. Với chiều cao 1m80, ông đã vít cành dâu để chúng tôi hái quả ăn. Đó là những trải nghiệm khó quên.
Nếu ở thủ đô Islamabad có nhiều trung tâm thương mại và những tòa nhà cao tầng thì các vùng thôn quê là những mái nhà truyền thống thấp lè tè được xây đắp theo phong cách trình tường như một số dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Tường nhà dày đến 40cm vừa giữ ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Người Hồi giáo vốn kín đáo nên cửa sổ cũng rất ít, nhỏ và được thiết kế sát trần nhà. Cửa ra vào nhà cũng thấp. Thường là 3 thế hệ sống cùng trong căn nhà có nhiều phòng. Họ không nằm giường mà đắp các bục đất cao hơn mặt sàn khoảng 40-50cm rồi trải thảm phía trên. Giữa căn nhà chính thường xây một chiếc bếp có ống dẫn khói ra ngoài. Bếp vừa để đun nấu vừa để sưởi ấm khi đông về. Gian chính đặt bếp thì phía trên nóc nhà là cửa sổ đón ánh sáng.
Chúng tôi đã có buổi trải nghiệm sống cùng dân bản địa (home stay) ở nhà Ali. 3 thế hệ sống trong căn nhà nhiều chái giống nhà ở Đồng bằng Bắc Bộ, cùng ăn bữa cơm, uống trà sữa và cảm nhận được sự chân tình của các thành viên trong gia đình.
Du khách là thượng đế!
Suốt dọc hành trình xuôi ngược hơn 3.000km, chúng tôi đã qua chừng 30 trạm kiểm soát của cảnh sát. Gu Muhammad, lái xe cho đoàn khách Việt Nam có một xấp danh sách thành viên trong đoàn. Ở từng trạm, Gu xuất trình danh sách này. Nhiều chặng chúng tôi phải xuống xe vào khai báo, xuất trình hộ chiếu và từng người phải chụp ảnh. Sau đó, một cảnh sát được cử lên xe hộ tống đoàn tới 30km đường đồi núi cho tới tận khách sạn đoàn nghỉ. Tại Chilas Hotel và Besham Hilon Hotel là những nơi có cảnh sát bảo vệ để chúng tôi có được đêm nghỉ bình yên. Cảnh sát chỉ rời đi khi đoàn khách Việt Nam di chuyển đến địa điểm khác.
Trong 300km cuối từ Besham về thủ đô Islamabad thì hơn 200km phải có cảnh sát dẫn đường và ở từng chặng nhất định có cảnh sát ngồi cùng trên xe hộ tống. Thường khoảng 20-30km thì xe dẫn đường sẽ được thay bằng xe khác khi đến trạm mới. Đặc biệt, ở đoạn cuối khi cách Islamabad gần 100km có tới 3 xe hộ tống. Xe đi đầu có súng máy đặt trên nóc xe; thứ đến là 1 xe của lực lượng SQUAD - lực lượng phản ứng nhanh và tiếp theo là 1 xe cảnh sát đi dẹp đường.
Dọc hành trình, khi đoàn tạt vào trạm xăng để các thành viên đi vệ sinh, lập tức 3 thành viên của đội SQUAD tỏa xuống bảo vệ các khu vực cần thiết. Họ là những chàng trai còn trẻ, cao to lực lưỡng nhưng cũng thật thân thiện. Khi chúng tôi “rón rén” đề nghị muốn có những bức ảnh kỷ niệm họ đã gật đầu mỉm cười nhưng không quên nhiệm vụ của mình.
Đem những thắc mắc hỏi Ali, được biết năm 2013 đã xảy ra việc đáng tiếc với du khách nước ngoài leo núi tại Nanga Parbat. Từ đó, Chính phủ Pakistan ra lệnh phải bảo vệ an toàn cho khách du lịch, bất kể đến từ quốc gia nào. Chính từ sắc lệnh này mà chúng tôi luôn được cảnh sát bảo vệ an toàn ở những khu vực được xem là nhạy cảm về an ninh, đem lại những cảm giác vừa an tâm vừa hồi hộp.
Trong đoàn của chúng tôi đa phần là nhà báo và hai trong số đó là những nhiếp ảnh gia thực thụ. Cảnh sắc vùng Hunza đã khiến các bạn đồng hành mê mải chụp nhằm ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất và người nơi này. Còn Mỹ Dung, giảng viên tiếng Anh của Đại học Hà Nội được mệnh danh là “thánh phượt” vì đã đặt chân tới 62 quốc gia và vùng lãnh thổ - người luôn có ý thức đem tà áo dài Việt đến những nơi cô đặt chân đến cũng phải thốt lên “Pakistan quả là đẹp và bình yên”!
*
* *
Sau 10 ngày ở đất nước Pakistan xa xôi, giờ tôi đã trở về bình an cùng những ấn tượng về vùng đất bí hiểm nhưng đẹp và hấp dẫn. Tôi mới đến đây vào mùa xuân. Và tôi sẽ trở lại với Hunza khi thu về để tiếp tục tận hưởng cảm giác bình an, cùng hoa trái đến vụ thu hoạch, để được sống trong cảm giác mình là “thượng đế” có cảnh sát bảo vệ từ giấc ngủ đến di chuyển trên đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.