Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Mấu chốt là trách nhiệm người đứng đầu

Thành Vinh - Võ Lâm| 15/08/2019 06:54

(HNM) - Sau hơn một năm thực hiện, việc đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Quyết định số 3814-QĐ/TU đem lại không ít bài học kinh nghiệm. Nhưng mấu chốt để thực hiện tốt chủ trương này xét cho cùng là phải đề cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch công tác, phần việc được giao.

Người dân đánh giá sự hài lòng với cán bộ khi tới làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân. Ảnh: Nhật Nam

Một số bất cập khi triển khai thực hiện

Thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc thành phố Hà Nội đều đã cụ thể hóa thành các quy định, quy chế riêng, phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương và đơn vị mình. Khảo sát ở một số đơn vị, địa phương cho thấy, điểm chung là lãnh đạo các cấp đều rất coi trọng công tác xây dựng và thẩm định kế hoạch công tác, xác định đây là căn cứ để đánh giá đúng chất lượng cán bộ, nhưng khâu này đang gặp khó khăn.

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quốc Oai Đàm Công Lợi, với các vị trí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn có khối lượng công việc lớn, lĩnh vực phụ trách rộng, việc thẩm định kế hoạch công tác cần có sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan chuyên môn cấp huyện mới bảo đảm chính xác. Tuy nhiên, việc phối hợp này chưa được thường xuyên. Còn theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung: “Khó khăn nhất là việc làm báo cáo kế hoạch tuần, kế hoạch tháng làm căn cứ đánh giá, vì nhiều vị trí có lịch làm việc quanh năm gói gọn trong một số công việc nhất định, khiến nhiều người vẫn lúng túng”.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quốc Oai Đàm Công Lợi cho rằng: Quy định về khung tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (hằng tháng) trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 3814-QĐ/TU đã nêu rõ, kết quả đánh giá, xếp loại hằng tháng là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng… Do vậy, các cơ quan chức năng của thành phố cần có hướng dẫn cụ thể nội dung này trong các văn bản liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là trong việc xem xét giới thiệu bổ nhiệm, ứng cử vào các chức danh trong nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp sắp tới.

Từ thực tế công việc, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung đề xuất, Thành ủy nên khảo sát đánh giá, từ đó có hướng dẫn thống nhất trên toàn thành phố về mở rộng đối tượng đánh giá hằng tháng đến cán bộ thôn, tổ dân phố. Trong khi đó, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Nam Từ Liêm Lâm Quang Thao đề nghị thực hiện đồng bộ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng qua ứng dụng phần mềm. Ngoài ra, nên có hướng dẫn thống nhất chung về khen thưởng liên quan đến kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng tháng, giúp cơ sở dễ thực hiện.

Phải chuẩn từ kế hoạch công tác, lượng hóa được công việc

Mặc dù còn một số bất cập trong thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU, nhưng nhiều đơn vị cũng đã có hướng giải quyết mang tính khả thi cao. Theo Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải, để giải quyết khó khăn về khâu xây dựng kế hoạch, cấp ủy phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thực tiễn có nhiều việc chưa rõ người, rõ việc, như hộ dân xây dựng bức tường lấn ra ngõ đi chung thì trách nhiệm thuộc về phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực xây dựng hay phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai? Những tình huống như vậy đều phải đặt ra và xác định rõ mới giúp cho việc xây dựng kế hoạch, thẩm định, đánh giá hằng tháng được chính xác, thuyết phục.

Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải chỉ rõ, điều quan trọng khi xây dựng bộ tiêu chí là phải định lượng tối đa công việc, những nội dung nào không thể lượng hóa được thì phải xác định rõ hành vi.

Trao đổi thêm về cách khắc phục khó khăn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp khẳng định: "Mấu chốt để xây dựng kế hoạch công tác hằng tuần, hằng tháng là phải lượng hóa được công việc. Ngay cả việc tưởng chừng như rất trừu tượng là công tác tuyên truyền, chúng tôi vẫn lượng hóa được như tuyên truyền ở mấy đơn vị, tiến độ thực hiện ra sao...”. Đồng thời, bà Lê Thị Kim Điệp nhấn mạnh, vấn đề nằm ở trách nhiệm người đứng đầu có thực hiện và hướng dẫn cấp dưới hay không.

Từ thực tiễn hơn một năm thực hiện Quyết định 3814-QĐ/TU của các địa phương như: Long Biên, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thanh Trì và một số sở, ngành, có thể thấy, để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng tháng hiệu quả, bên cạnh việc làm tốt công tác xây dựng, thẩm định kế hoạch theo hướng “5 rõ”, các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nhận xét, đánh giá; bảo đảm công tâm, khách quan. Việc công khai, minh bạch kết quả đánh giá hằng tháng gắn với thi đua, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá cũng đã tạo hiệu ứng tích cực để các cá nhân trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, tới đây, Thành ủy sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành sơ kết, đánh giá để tiếp tục khắc phục hạn chế bất cập, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng tháng. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cũng cho biết, thành phố đang tiến hành xây dựng phần mềm theo dõi đánh giá cán bộ để áp dụng chung trên toàn thành phố trong thời gian sớm nhất.

Rõ ràng, dù mới đi vào thực hiện được hơn một năm nhưng Quyết định 3814-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được cả hệ thống chính trị thành phố tích cực đón nhận, tập trung thực hiện. Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, Hà Nội là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng trong toàn hệ thống chính trị; qua đó góp phần cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

Tìm hiểu việc đổi mới đánh giá cán bộ tại Quận ủy Nam Từ Liêm

(HNM) - Chiều 14-8, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã tìm hiểu việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ tại Quận ủy Nam Từ Liêm.

Tháng 6-2017, Quận ủy Nam Từ Liêm đã ban hành Đề án số 16-ĐA/QU về tiêu chí đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt  Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội quận và cơ sở. Sau hơn 2 năm, công tác đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng đã đi vào nền nếp, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Đặc biệt, đầu năm 2019, quận đưa vào sử dụng phần mềm đánh giá và phân loại cán bộ, công  chức, viên chức, lao động hợp đồng, góp phần chuẩn hóa, tăng cường dân chủ, công khai trong hoạt động này...

Tại buổi làm việc, những kinh nghiệm của quận Nam Từ Liêm và các đơn vị, địa phương khác thuộc thành phố Hà Nội được Đoàn công tác tổng hợp, nhằm tiếp tục tham mưu đổi mới công tác xây dựng Đảng, đánh giá cán bộ...

Khánh Thu

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Mấu chốt là trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.