(HNM) - Nhiều chuyên gia đề xuất, song song với việc cởi
Giải quyết "nút thắt" về tài sản thế chấp
Theo Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Lê Trọng Khuê, người dân tiếp cận nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục khắt khe, phức tạp. Các hợp đồng tín dụng đều yêu cầu tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất. Trong khi đó, các công trình đầu tư xây dựng trong khu chuyển đổi không được chấp nhận thẩm định là tài sản thế chấp dù giá trị có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Hoài Đức.Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Nghiêm Xuân Thể, Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Hà Tây, cho rằng: Rất khó có thể cho nông hộ hay các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vay số tiền lớn mà không cần thế chấp khi đa số là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Hiện mỗi huyện, thị xã chỉ có vài nông dân đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng để vay món vay lớn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, còn lại vẫn là các món vay nhỏ khoảng 100-200 triệu đồng. Vì vậy, ngân hàng thường yêu cầu các đối tượng vay vốn để lại "bìa đỏ" làm tài sản bảo đảm. Để cởi "trói" về thủ tục cho nông dân, thì bản thân chính quyền các địa phương cũng phải xắn tay vào cuộc, với các giải pháp như đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với cả đất thổ cư và đất nông nghiệp; cấp giấy chứng nhận trang trại cho các hộ đạt yêu cầu; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có sự liên kết với DN bao tiêu sản phẩm… Tất cả những điều này tạo căn cứ quan trọng để ngân hàng yên tâm rút hầu bao...
Lý giải về vấn đề này, bà Đào Thị Thu Trang, Viện Ngân hàng - Tài chính, chia sẻ: Hoạt động nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ thời tiết, lợi nhuận thường thấp. Món vay từ phía các nông hộ đa số nhỏ lẻ nên khó quản lý. Tài sản bảo đảm cũng khó được đáp ứng do đối tượng vay vốn thường dùng tư liệu sản xuất (đất đai, máy móc, thiết bị…) hoặc tài sản hình thành vốn vay để bảo đảm nên các ngân hàng thương mại thường rất cẩn trọng trong quá trình thẩm định, cho vay. Nếu không yêu cầu đối với tài sản bảo đảm, việc thẩm định lỏng lẻo hơn thì dễ dẫn đến tình trạng gia tăng nợ xấu.
Ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội cho rằng, hiện lãi suất cho vay lĩnh vực này đang thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 đến 2%. Tuy nhiên, trong quá trình vay vốn, người dân, DN đều vướng về điều kiện cho vay, phương án kinh doanh khả thi và tài sản bảo đảm. Để thế chấp ở ngân hàng, Luật Dân sự yêu cầu có tài sản bảo đảm qua công chứng. Thành phố có thể đưa ra những chính sách đặc thù để công nhận tài sản sở hữu của người dân một cách thuận lợi hơn...
Để vốn vay “chảy” thuận dòng...
Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, để tháo gỡ cho tín dụng nông thôn, cần đẩy mạnh cho vay theo chuỗi từ sản xuất tới cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng. Thực tế, việc triển khai chương trình cho vay này bước đầu đã đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề để nhân rộng trong thời gian tới. Mô hình cho vay theo chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp, được Ngành Ngân hàng thực hiện thí điểm 2 năm qua, đã có 28 DN với 31 dự án được thực hiện tại 22 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Lãi suất ngắn hạn hiện áp dụng là 6,5%/năm, một số dự án có lãi suất thấp hơn, ở mức 5,4-6,3%/năm, Đến nay, tổng số tiền đã giải ngân theo chương trình là 6.937,24 tỷ đồng, vượt mức các ngân hàng đã cam kết cho vay ban đầu là 5.627,62 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển thành công mô hình cho vay theo chuỗi, cần nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, trong đó giảm điều kiện về thế chấp và tăng khả năng cho vay tín chấp. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét có chính sách cho vay ưu đãi đối với phương án chuỗi sản xuất khép kín với tài sản bảo đảm là các sản phẩm được hình thành trong ngắn hạn theo chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, cần tạo thêm những ưu đãi để khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia vào quá trình cho vay đối với chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chính sách cho vay cần bắt buộc từ nhiều phía, điều này sẽ gắn kết giữa các bên sử dụng vốn vay đồng thời bảo đảm việc ngân hàng thu hồi nợ đúng thời gian. Muốn thúc đẩy hơn nữa số tiền các ngân hàng cam kết tài trợ cho sản xuất theo chuỗi giá trị, cần phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra, khi đó, tín dụng sẽ bền vững. Chính sách xử lý nợ cũng cần quy định rõ ràng đâu là rủi ro bất khả kháng do thiên tai để có hướng xử lý các khoản nợ. Đối với khoản mục nợ khoanh, nên để cho các ngân hàng tự quy định thời gian khoanh nợ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.