(HNM) - Để đạt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đến năm 2020 xây dựng 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đòi hỏi phải tháo gỡ từ chính sách đến thực tiễn.
Bên cạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, các trang trại cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Nhật Nam |
Chọn mô hình phù hợp
Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã, trên cơ sở những chính sách của trung ương, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh việc xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, giải quyết tốt những vướng mắc nội tại. Theo đó, chính quyền địa phương tập trung cho công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý.
Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020; khuyến khích liên kết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Các tỉnh, thành phố cũng nên lựa chọn một số hợp tác xã có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tiêu chuẩn an toàn; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thành lập mới các hợp tác xã theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT nhằm thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đến năm 2020 xây dựng 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, các hợp tác xã phải thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, chuẩn bị kỹ phương hướng sản xuất, kinh doanh và xem xét đánh giá đúng các nguồn lực hiện có. Đồng thời, lựa chọn, bố trí cán bộ một cách phù hợp; công khai, minh bạch phương án phân phối lợi nhuận, chi tiêu các quỹ để thành viên tin tưởng, yên tâm góp sức, góp vốn làm ăn lâu dài...
Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho rằng, các hợp tác xã cần khắc phục những khó khăn, bất cập nội tại của chính đơn vị mình, nhất là phải hoạt động tuân thủ các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã năm 2012.
Theo đó, vận động, tuyên truyền người dân hiểu về lợi ích của việc tham gia hợp tác xã; tranh thủ các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao chất lượng, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nâng cao năng lực trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động thông qua việc tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, đặc biệt là học tập kinh nghiệm của các hợp tác xã có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, các hợp tác xã dứt khoát phải đổi mới phong cách, lề lối làm việc để nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ về đào tạo khoa học công nghệ, tài chính, tín dụng, thông tin thị trường nhằm nâng cao năng lực kinh doanh của hợp tác xã, đủ sức cạnh tranh với thành phần kinh tế khác. Đồng thời, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo hướng chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến… Hướng dẫn, hỗ trợ sáp nhập, hợp nhất các hợp tác xã có quy mô thôn thành các hợp tác xã có quy mô toàn xã; hỗ trợ giải thể các hợp tác xã đang ngừng hoạt động, yếu kém kéo dài không củng cố được.
Mở rộng nguồn vốn vay
Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hợp tác xã rất nhiều, nhưng để chính sách đi vào cuộc sống, các bộ, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, thực hiện bảo lãnh tín dụng.
Về việc này, các tổ chức tín dụng tiếp tục đa dạng hóa hình thức huy động để mở rộng nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn và khu vực hợp tác xã. Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là hợp tác xã, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và bảo đảm chất lượng tín dụng.
Từ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Mạnh Quân cho biết, huyện Đông Anh sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn để hợp tác xã tiếp cận với chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Theo đó, liên quan đến đất đai, huyện yêu cầu các phòng chức năng hướng dẫn các xã, thị trấn tạo mọi điều kiện để hợp tác xã có mặt bằng làm trụ sở, sản xuất kinh doanh. Đối với những hợp tác xã đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì khẩn trương lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp hợp tác xã có điều kiện để thế chấp vay vốn ngân hàng theo quy định.
Đề cập việc tiếp cận vay vốn ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Hải kiến nghị, các ngân hàng nên hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã vay vốn như doanh nghiệp, được ưu đãi về lãi suất vốn vay để mở rộng các ngành nghề dịch vụ, phát triển sản xuất...
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị, các bộ, ngành cần xây dựng văn bản dưới luật và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã một cách thiết thực và có hiệu quả; đồng thời rà soát các cơ chế, chính sách đối với khu vực kinh tế tập thể đã ban hành. Các tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong Luật Hợp tác xã 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.