(HNM) - Khẩn trương khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót; tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh với các đơn vị vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động công trình nếu không đủ điều kiện PCCC… Đây là những kiến nghị được Ban Pháp chế HĐND thành phố đặt ra đối với các chủ đầu tư và các cơ quan chức năng qua đợt giám sát.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, gần 50% tòa nhà tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng cháy. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế tại một số tòa nhà thì các trang thiết bị được trang bị đã gần như hư hỏng hoàn toàn. Như vậy, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm này thuộc về ai, cơ quan nào?
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các khu tái định cư cần thường xuyên được duy trì, bảo dưỡng để sử dụng tốt khi chẳng may xảy ra sự cố. Ảnh: Khánh Nguyên |
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, nếu so sánh giữa chung cư thương mại và chung cư tái định cư thì sự lo lắng của Đoàn giám sát chính là chung cư tái định cư. Chất lượng công trình và các thiết bị PCCC rất kém, trách nhiệm này thuộc về TP Hà Nội. Đơn vị chủ đầu tư không thể lấy lý do là suất đầu tư nhà tái định cư thấp thì công tác PCCC cũng thấp. Có chăng, chỉ có thể nội thất không được cao cấp, chứ còn về an toàn chất lượng xây dựng công trình và PCCC không thể thấp. Thời gian qua, Ban Pháp chế HĐND thành phố, nhiều lần kiến nghị bổ sung, sửa chữa thiết bị PCCC và UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà Hà Nội lên phương án duy tu, bảo trì, bổ sung các trang thiết bị còn thiếu. Tuy nhiên, hiện tất cả vẫn còn nằm trên giấy. May mà chưa có vụ cháy nào xảy ra đối với nhà tái định cư, nếu có thì không biết hậu quả sẽ tồi tệ đến mức nào? Vì thế cần nghiêm túc tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong việc hoàn thiện hệ thống PCCC tối thiểu tại các tòa nhà tái định cư này.
Trước thực trạng công tác PCCC đang đặt ra, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, đã đề xuất, kiến nghị với UBND thành phố, sớm chỉ đạo Cảnh sát PC&CC thành phố phối hợp với các sở: Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Công thương rà soát, có biện pháp cụ thể khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC, đặc biệt là tại các khu chung cư tái định cư; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC phù hợp với loại hình cơ sở đặc thù, để xử lý các công trình nhà cao tầng tái định cư đưa vào sử dụng trước khi có Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực. Ngoài ra, UBND thành phố chỉ đạo ngay Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà rà soát tổng thể, bố trí kinh phí để sửa chữa, khắc phục hư hỏng, bổ sung các thiết bị bảo đảm an toàn PCCC tại các nhà chung cư tái định cư.
Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng đề nghị Cảnh sát PC&CC thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác PCCC đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục các thiếu sót và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài xử phạt hành chính những đơn vị vi phạm, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động, thì cũng cần đề xuất với UBND thành phố công khai danh sách các đơn vị, các chủ đầu tư có dự án vi phạm nghiêm trọng về PCCC. Sở Xây dựng cần tăng cường phối hợp với Cảnh sát PC&CC, không cấp phép đầu tư các dự án mới với chủ đầu tư xây dựng công trình có nhiều sai phạm, cố tình vi phạm; sớm chủ trì phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thi công, lắp đặt bổ sung 500 trụ cấp nước chữa cháy theo kế hoạch. Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Pháp chế HĐND thành phố kiến nghị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức an toàn PCCC cho nhân dân; thường xuyên kiện toàn, củng cố lực lượng PCCC cơ sở, đầu tư kinh phí, phương tiện, thiết bị PCCC, đáp ứng yêu cầu PCCC, cứu hộ cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ, tránh tình trạng một số đội PCCC hoạt động chỉ mang tính hình thức như hiện nay.
Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thì không thể không nói đến trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị kinh doanh nhà và người dân trong công tác PCCC. Doanh nghiệp phải luôn nghĩ đến việc bảo đảm an toàn tính mạng cho cư dân; tránh việc chỉ lo bán nhà, chạy theo lợi nhuận. Và nếu làm được như vậy thì doanh nghiệp kinh doanh nhà cũng sẽ phát triển bền vững. Đối với người dân, vì tính mạng của mình và an toàn chung của cộng đồng, mỗi người, mỗi nhà hãy chấp hành nghiêm công tác PCCC, không đốt vàng mã bừa bãi; tham gia các lớp tập huấn PCCC nhằm trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra, khắc phục ngay tư tưởng PCCC không phải "việc của mình". Đặc biệt là trước khi mua hoặc chuyển về ở tại các căn hộ chung cư cũng cần quan tâm đến hệ thống PCCC đã bảo đảm chưa để kịp thời kiến nghị với chủ đầu tư...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.