(HNM) - Mùa xuân về trăm hoa đua sắc và Phú Quốc là nơi đứng chân của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 nên câu ví bộ đội hải quân nhiều như hoa mùa xuân là rất có lý. Nhiều sỹ quan đã đưa vợ con ra đây để ổn định cuộc sống khi cả đời họ gắn với binh nghiệp.
Ngày nghỉ, quanh thị trấn Dương Đông, An Thới, người ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều anh lính hải quân với quân phục áo trắng, quần xanh. Ngày nghỉ cũng dễ dàng thấy các sỹ quan đưa vợ con đi chơi, đi mua sắm.
Song ví hải quân Phú Quốc như hoa mùa xuân còn có ý nghĩa đẹp hơn. Khi chúng tôi thăm và chúc tết đơn vị đứng chân trên đảo Thổ Chu, tôi rất ấn tượng với thiếu úy lái xe Trần Văn Hương, khi anh điều khiển chiếc xe U oát vượt dốc cao hay qua các đoạn đường ổ voi. Câu chuyện về anh làm tôi cảm động. Anh kể, lớn lên vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, rồi gặp cô gái cùng quê làm ở khu công nghiệp, hai người yêu nhau rồi đi đến hôn nhân. Nhưng cuộc sống khó khăn hơn nên vợ chồng dẫn nhau về Nghệ An. Cũng từ quê, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và trở thành quân nhân chuyên nghiệp của Hải quân Vùng 5. Rồi anh quyết định đưa vợ vào Thổ Châu, vợ chồng gần nhau để anh yên tâm công tác. Dù một tháng chỉ trông vào 2,6 triệu đồng tiền lương, nhưng anh cho hay chi tiêu tiết kiệm thì cũng tạm đủ.
Thiếu úy quân y Nguyễn Văn Quang ở xã Phú Đô, huyện Từ Liêm đang công tác tại Hải quân Vùng 5. |
Ở một cụm chiến đấu khác cũng trên Thổ Chu, tôi gặp một trung úy quê Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1993. Anh kể rằng, may mà lấy được vợ trong một lần về phép và người vợ chỉ đúng một lần thôi nói rằng: "Em lấy anh cho có chồng". Thương vợ nhưng đóng quân đảo xa nên về phép cứ quẩn quanh bên vợ như trẻ con. Anh thổ lộ, tôi cố gắng cân bằng giữa gia đình và Tổ quốc nhưng lại nói thêm, nếu Tổ quốc không yên thì gia đình cũng đâu có ổn. Binh nhất Nguyễn Hoàng Minh thuộc Cụm chiến đấu 2 (đảo Thổ Chu) tâm sự: "Lính mới xa nhà nên rất nhớ gia đình nhưng bù lại được đồng đội và cấp trên quan tâm làm em nguôi đi phần nào. Lãnh đạo đơn vị coi như em trai trong nhà và rất quan tâm đến tâm tư tình cảm, sức khỏe. Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Tại Hòn Khoai, hòn đảo thuộc vào loại đẹp và cao nhất trong các đảo ở vùng biển Tây Nam. Mỗi lần từ chỗ đóng quân xuống chân đảo nhận hàng, lính ra đa 595 chồn chân mỏi gối vì độ dốc rất lớn, thế nhưng tôi thấy từ chỉ huy đến chiến sỹ leo lên, leo xuống như không. Tìm hiểu mới biết các anh luyện tập hằng ngày, chuyện xuống hay lên đỉnh hòn cũng không quá mệt như chúng tôi lần đầu leo núi. Bất ngờ cho tôi là ở trạm ra đa này tôi gặp một người Hà Nội. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thanh niên Hà Nội rất hiếm vào hải quân vì Hà Nội không có biển. Thiếu úy quân y Nguyễn Văn Quang ở xã Phú Đô, huyện Từ Liêm, học 3 năm tại Viện Quân y 105 ở thị xã Sơn Tây, ra trường Quang được điều về Hải quân Vùng 5 và công tác tại Hòn Khoai. Anh kể vợ anh hiện làm kế toán ở xã và anh hài lòng về cuộc sống trong quân đội.
Đất nước còn khó khăn nhưng từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên cho bộ đội, khẩu phần cho chiến sỹ được nâng lên nhưng ở đảo xa đất liền, việc vận chuyển không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trong bữa cơm tại đảo, tôi ngạc nhiên vì thấy có cả thịt bò, hỏi ra bộ đội không chỉ nuôi bò, nhiều trạm ra đa còn nuôi cả lợn rừng, trồng rau để cải thiện đời sống và phòng khi tiêu chuẩn chưa kịp chuyển ra.
Con tàu chở chúng tôi đi thăm các chiến sỹ hải quân công tác trên đảo là tàu chở hàng HQ 632 do Thuyền trưởng, Trung úy Khúc Văn Hậu chỉ huy. Mỗi lần tàu cập bến hay chuẩn bị rời bến, tôi được nghe khẩu lệnh dõng dạc, rắn rỏi và dứt khoát của Khúc Văn Hậu. Thế nhưng một đêm đẹp trời, trăng thanh gió mát, tôi ra boong câu cá, mới té ngửa sỹ quan chỉ huy tàu cũng đang câu cạnh tôi rất thư sinh, mới có 27 tuổi, tốt nghiệp Trường Sỹ quan Hải quân Nha Trang, Khúc Văn Hậu về nhận nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5. Dù mang cặp kính cận nhưng anh từng là trinh sát biển trước khi nhận nhiệm vụ sỹ quan chỉ huy tàu. Ở Hải quân Vùng 4, tôi từng nghe câu nói vui: "Chưa ăn chua miệng thịt gà. Chưa bơi trong rượu chưa là hải quân". Nay thì ít hơn nhưng một thời hải quân do nhiệm vụ chủ yếu ở biển đảo nên chủ yếu ăn đồ hộp, vì thế mới có câu ca như vậy, nhưng với Khúc Văn Hậu, nhiệm vụ đưa đoàn đi chúc tết bộ đội và các xã đảo cũng là nhiệm vụ rất quan trọng, viên sỹ quan trẻ không bao giờ cho phép mình uống quá chén, vui lắm cũng chỉ làm một ly nhỏ.
Chuyến đi của chúng tôi vào những ngày biển lặng nên buổi chiều tha hồ ngắm mặt trời lặn trên biển. Hôm tàu thả neo ở quần đảo Nam Du, mặt biển lặng sóng như Hồ Tây, Hà Nội và mặt trời đỏ dịu từ từ lặn xuống nên cánh phóng viên ảnh tranh thủ bấm máy, có anh còn giơ hai bàn tay đỡ mặt trời tạo dáng thì có tiếng ủm. Rất nhiều con mắt đỏ dồn về phía ấy vì sợ ai đó ngã xuống biển. Rồi một cái đầu nhô lên, cười toe toét, đó là Thượng tá Trưởng Ban dân vận Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 - Nguyễn Văn Tới. Nguyễn Văn Tới được cán bộ chiến sỹ gọi là rái cá của Vùng 5. Tất nhiên với cán bộ chiến sỹ hải quân thì bắt buộc phải bơi không có trợ giúp ít nhất là 3 cây số nhưng có hôm anh em trong cơ quan Bộ Tư lệnh lên bờ hết rồi mà vẫn không thấy anh đâu. Hóa ra anh đang ở rất xa bờ. Nguyễn Văn Tới có thể bơi 15 cây số trên biển nhàn tênh như thể bơi trong bể.
Nếu hoa mùa xuân tỏa ngát mùi hương thì tiếng thơm Hải quân Vùng 5 cũng lan tỏa cả biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Tại Hòn Chuối, hầu hết người dân ở đây đều cám ơn cán bộ chiến sỹ trạm ra đa vì khi họ hay con cái họ đau ốm thì chỉ có cách duy nhất là nhờ vả quân y. Chỉ cần gọi điện, lập tức cán bộ quân y đã có mặt. Nhẹ thì chữa trị tại chỗ, nặng thì đưa vào đất liền. Tuy là vùng biển yên ả, hiếm khi có bão nhưng tai nạn trên biển là không thể tránh khỏi và cứu dân cũng là nhiệm vụ của hải quân. Và họ từng nhiều lần cứu giúp ngư dân khi họ gặp nạn. Trong bữa cơm lính đảo đãi chúng tôi, tài nấu ăn của các chiến sỹ cộng với sự khéo léo trong chế biến món ăn của các mẹ, các cô gái trên đảo làm bữa ăn không chỉ đủ món của cả ba miền mà nó cho thấy tình quân dân ở các đảo rất thắm thiết.
Trò chuyện với chúng tôi, Chuẩn Đô đốc Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5, Ngô Văn Phát nói rằng, Hải quân Vùng 5 không chỉ huấn luyện tốt, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cao mà còn biết làm kinh tế để bữa ăn của bộ đội ngon hơn, nhiều hơn. Những chai nước mắm vàng óng như mật, nước khoáng đóng chai hay cá tươi là sản phẩm của đơn vị làm kinh tế không chỉ bộ đội thích mà dân cũng rất mê. Chuẩn Đô đốc cũng tiết lộ, Tết Nhâm Thìn này, Bộ Tư lệnh không chỉ thưởng tiền cho sỹ quan ăn lương mà còn thưởng cho cả chiến sỹ. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được biết bộ đội có tiền thưởng Tết. Khi biết tôi là phóng viên của báo Đảng Thủ đô, đi gần 2.000 cây số để thăm và viết bài về biển đảo Tây Nam, Chuẩn Đô đốc rất cảm động, ông kéo tôi ra trước micờrô để cùng hát bài "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa". Chia tay Hải quân Vùng 5, tôi mang theo về Hà Nội không chỉ tình cảm mà còn là kiến thức về biển, đảo, về bảo vệ chủ quyền ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.