Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Hóa giải những “điểm nghẽn”

Hữu Hoài - Ánh Dương| 08/02/2018 06:37

(HNM) - Những khó khăn về vốn, xác định nguồn gốc đất, chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư... phục vụ công tác giải phóng mặt bằng từng bước được TP Hà Nội xử lý. Tuy nhiên, do chính sách còn “trói buộc” và năng lực của nhà đầu tư yếu kém khiến nhiều địa phương lúng túng trong thực hiện giải phóng mặt bằng.


Tập trung giải quyết vướng mắc

Trước kiến nghị của cử tri về 3 dự án chậm triển khai ở huyện Ba Vì, UBND thành phố vừa giao sở, ngành, đơn vị liên quan, trên cơ sở trách nhiệm của nhà đầu tư, đánh giá khả năng thực hiện Dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên. Nếu nhà đầu tư không đủ hồ sơ để thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 theo cam kết thì đề xuất thu hồi theo quy định và lựa chọn nhà đầu tư khác… Về Dự án Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1), yêu cầu nhà đầu tư cam kết cụ thể về tiến độ giải ngân vốn, tiến độ thi công và đề xuất xử lý nếu có vi phạm.

Thi công đường trục giao thông phía Nam, địa phận huyện Thanh Oai. Ảnh: Giang Sơn


Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Nguyễn Minh Luân, mặc dù huyện đã chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, song việc phối hợp, chuẩn bị và chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ của chủ đầu tư chưa kịp thời, chưa tuân thủ đúng cam kết, ảnh hưởng lớn tới việc chi trả cho bên bị thu hồi đất.

Tương tự, Dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, UBND thành phố chỉ đạo rà soát tổng thể, nhất là việc giải phóng mặt bằng, bảo đảm thông dòng toàn tuyến trong năm 2018 và hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2019; đồng thời, cam kết về tiến độ giải ngân vốn, thi công công trình và kịp thời đề xuất xử lý nếu vi phạm cam kết...

Xung quanh kiến nghị của người dân về giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ, Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Trương Quang Thiều cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm ra quyết định thu hồi đất.

Việc xác định giá đất cụ thể trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện theo quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ và Thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 30-6-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính sách bồi thường, hỗ trợ được quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ và Quyết định 10/2017/QĐ-UBND ngày 29-3-2017 của UBND thành phố.

Theo ông Trương Quang Thiều, các văn bản nói trên đã quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xác nhận nguồn gốc và giấy tờ liên quan làm cơ sở xác định loại đất, nguồn gốc sử dụng đất, là trách nhiệm chính quyền cấp xã và huyện. Các quận, huyện, thị xã cần chủ động bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện công tác này, đồng thời xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Tuy nhiên, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư là những vấn đề khó, với Hà Nội lại càng khó hơn vì đặc thù "đất vàng".

Bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ

Để khắc phục những tồn tại đã nêu, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố đã đề nghị UBND thành phố một số giải pháp cụ thể: Chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp tục chủ động, quyết liệt trong thực hiện giải phóng mặt bằng; thường xuyên giao ban, họp với các địa phương để đôn đốc tiến độ, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đối với những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền UBND thành phố; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành thành phố với UBND cấp huyện trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi thu hồi đất; bảo đảm ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở; quan tâm giải quyết các vấn đề hậu giải phóng mặt bằng. Thành phố cũng cần chuẩn bị tốt quỹ nhà tái định cư khi thu hồi đất; khuyến khích các hộ dân nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo nhà tái định cư...

Ngoài ra, để công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả, cần sớm hoàn thiện hệ thống hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai; tăng cường quản lý, chống lấn chiếm, xây dựng trái phép, kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai... Bởi đây là những nội dung chính ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở pháp lý thực hiện giải phóng mặt bằng và tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện phức tạp...

Cũng theo ông Thiều, việc công khai, minh bạch và phát huy tính dân chủ trong thực hiện giải phóng mặt bằng; tăng cường tuyên truyền, vận động là yếu tố quan trọng để người dân hiểu và chấp hành chủ trương thu hồi đất của cấp thẩm quyền. Một vấn đề quan trọng nữa là công tác đánh giá năng lực các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tính khả thi của từng dự án rất cần được chú trọng; cần tránh tình trạng dự án triển khai sai mục đích hoặc không mang lại hiệu quả; thậm chí có dự án cố tình “ôm” đất nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân...

Về lâu dài, cần tạo ý thức cho các bên vì mục tiêu chung: Sử dụng đất đúng mục đích, tạo hiệu quả thiết thực, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong xu thế hội nhập.

UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, tái định cư nhưng còn tồn đọng, chưa triển khai, nhất là dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 10-7-2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Hóa giải những “điểm nghẽn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.