Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Hãy để người dân tham gia quản lý, giám sát

Đức Trường| 12/09/2013 06:35

(HNM) - Từ nhiều năm nay, vỉa hè Hà Nội luôn trở thành đề tài bàn tán, tranh luận trong những cuộc

Nhưng rút cục, những nỗ lực của các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn chưa đủ để đem lại bộ mặt sạch đẹp hơn cho đô thị. Một câu hỏi đặt ra, liệu có nên để người dân cùng tham gia quản lý, giám sát việc sử dụng và cải tạo hè đường?

Lộn xộn và nham nhở như vỉa hè ở Hà Nội.


Một thời sạch sẽ

Những người già được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội vẫn nhớ về một thời đường phố, vỉa hè luôn sạch sẽ, quang quẻ. Các nhà mặt phố vẫn giữ thói quen quét vỉa hè vào mỗi buổi sáng. Vỉa hè được lát gạch có thể cũ nhưng sạch sẽ, ổn định trong nhiều năm. Việc đào bới, tu sửa cũng diễn ra nhưng được hoàn trả theo đúng lối cũ, không gây mất mỹ quan đô thị.

Theo bộ sách 3 tập "Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX" của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn, khu vực gọi là "36 phố phường" (quận Hoàn Kiếm ngày nay) cuối thế kỷ XIX không có vỉa hè theo kiểu đô thị phương Tây. Vỉa hè được lát gạch, trồng cây đầu tiên ở Hà Nội là phố Tràng Tiền (cuối thế kỷ XIX, Tràng Tiền bao gồm cả phố Hàng Khay) hoàn thành vào năm 1892. Cho đến khi thành phố quy hoạch lại khu vực 36 phố phường và cho xây khu phố mới ở phía nam Hồ Gươm vào cuối thế kỷ XIX thì phố Hà Nội mới có vỉa hè và cống thoát nước. Để quản lý vỉa hè, Hội đồng thành phố đã ra quy định vỉa hè là của chung kèm theo đó là những quy định chi tiết. Cụ thể, ở các khu phố mới xây như Ngô Quyền, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... có vỉa hè rộng từ 3m trở lên, ai có nhu cầu bán hàng, mở quán cà phê thành phố sẽ cho thuê với giá 3 xu/mét vuông và trả tiền ngay trong một năm. Số tiền này dùng để sửa sang lại vỉa hè hư hỏng.

Hội đồng thành phố cũng quy định nghiêm ngặt, cửa nhà dân mặt phố phải mở vào trong để tránh gây thương tích cho người đi bộ trên vỉa hè, cấm đổ nước, rác ra hè. Đồng thời các nhà mặt phố phải có trách nhiệm dọn vệ sinh hè phố trước cửa nhà mình. Tại nhà hàng Godard (nay là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền) còn cho gắn chữ chìm trên hè quy định khu vực được để xe đạp.

Dù ô tô đầu thế kỷ XX rất ít nhưng để tránh ô tô mất phanh lao lên hè gây nguy hiểm cho người đi bộ, họ cho làm mặt hè khá cao so với mặt đường. Tại các khu vực phố mới cấm tuyệt đối hàng rong bán hàng. Với khu vực "36 phố phường", do vỉa hè hẹp nên cấm tuyệt đối bày hàng ra mặt hè. Để bảo đảm các quy định được thực thi, luôn luôn có cảnh sát đi tuần các phố.

Kể cả cho đến những năm trước đổi mới, vỉa hè vẫn giữ được nét riêng và trở thành niềm tự hào của nhiều người Hà Nội. Dù sao đi chăng nữa, cách quản lý đô thị của chính quyền bảo hộ vẫn để lại cho chúng ta một vài bài học.

Rạch ròi trách nhiệm

Khoảng mươi năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tăng chóng mặt đã khiến Sở GTVT (trước đây là Sở Giao thông Công chính) "hụt hơi" trong việc quản lý vỉa hè. Nguyên nhân những cảnh "chướng tai gai mắt" xảy ra thường xuyên ở Thủ đô là trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành chưa rõ ràng. Thậm chí, khi soạn dự thảo đề án "Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020", Sở GTVT còn "giao" nhầm việc cho Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) (?). Ông Ngô Quý Tuấn, Phó Giám đốc Sở QHKT đã chỉ ra việc kiểm tra, rà soát sẽ do Sở GTVT, đơn vị chủ trì đề án và đơn vị trực tiếp quản lý các tuyến hè thực hiện. Việc lập quy hoạch thiết kế đô thị từng tuyến phố là không cần thiết và việc này chỉ áp dụng với vài tuyến phố đặc thù. Ông Tuấn cũng lưu ý, khi lập dự án cải tạo chỉnh trang, chủ đầu tư và tư vấn có trách nhiệm gửi hồ sơ về sở QHKT để góp ý tham gia thẩm định và trình duyệt theo quy định. Đặc biệt, trước khi cải tạo, chủ đầu tư cần khảo sát kỹ các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi hiện có và cũng cần liên hệ với các cơ quan chuyên ngành để có giải pháp kỹ thuật thích hợp để không ảnh hưởng đến các công trình ngầm và nổi hiện có. Việc lưu ý này là không thừa vì nhiều người hẳn còn nhớ mới đây (29-7), vụ 2 công nhân đào vỉa hè trên phố Trần Quốc Hoàn đã bị điện giật bắn lên đường khi đào phải đường dây điện 22kV.

Nếu quy định rõ ràng trách nhiệm của các sở, ngành liên quan sẽ tránh được những chồng chéo không đáng có. Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng việc cải tạo hè phố do sở GTVT chủ trì cần phải thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang hạ tầng khác như hạ ngầm cáp viễn thông, cáp điện lực, đường cấp, thoát nước, bó gốc cây xanh đô thị. Đề án do Sở GTVT chủ trì chưa tính đến đề án "Cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội đến năm 2015" do Sở Xây dựng chủ trì.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Dù nói thế nào đi chăng nữa, Sở GTVT chính là cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc để thực trạng hè phố nham nhở tồn tại bấy lâu nay. Chính sở này là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trong việc cấp phép đào hè, đường. Và cũng chính sở này chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử phạt các đơn vị liên quan thi công theo giấy phép, hoàn trả mặt đường, vỉa hè theo quy định. Lực lượng Thanh tra GTVT chịu trách nhiệm kiểm tra, đình chỉ thi công và xử phạt các đơn vị thi công không đúng giấy phép, không đúng quy định. Mặc dù ông Nguyễn Nguyên Huy, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đô thị đã khẳng định, việc cấp phép đào hè, đường luôn được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định nhưng thực trạng lại cho thấy điều ngược lại. Cứ cho là Sở GTVT đã hoàn thành trách nhiệm trong phần việc cấp phép đào hè đường, thì thực tế cho thấy sở này chưa hoàn thành phần việc kiểm tra, giám sát, xử phạt những sai phạm sau khi cấp phép.

Ngoài vỉa hè của 79 tuyến đường nội thành quan trọng, xuyên tâm, trục chính được UBND TP giao cho Sở GTVT quản lý, vỉa hè của những tuyến phố còn lại thuộc sự quản lý của UBND các quận. Vấn đề đáng bàn là các lực lượng thanh tra của phường, quận thường buông lỏng kiểm tra, giám sát việc thi công cải tạo, chỉnh trang vỉa hè và hạ ngầm các tuyến dây điện, cáp viễn thông nổi.
*
* *
Những ai đã từng đến Đà Nẵng đều thấy một bộ mặt đô thị sạch sẽ, phong quang hơn so với Hà Nội và một số đô thị khác. Đà Nẵng đang thí điểm giao cho các hộ dân có nhà mặt tiền trên các tuyến đường lớn tham gia quản lý vỉa hè trước nhà. Thành phố Đà Nẵng yêu cầu các tổ chức, cơ quan, hộ dân có trụ sở, nhà ở mặt tiền trên 23 tuyến đường lớn có trách nhiệm tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh trên vỉa hè, tự sửa chữa những hỏng hóc nhỏ trên vỉa hè. Đồng thời, các cơ quan và người dân có trách nhiệm thông báo ngay với Sở GTVT nếu phát hiện hành vi làm hỏng vỉa hè. Hà Nội có thể tham khảo cách làm này của Đà Nẵng trong việc giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Hãy để người dân tham gia quản lý, giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.