(HNM) - Trở lại với việc thoát nước của Hà Nội, chính quyền thành phố đã và đang đôn đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường duy tu, duy trì hệ thống hiện có, triển khai các công trình thoát nước cục bộ, vận hành kênh mương dẫn, hồ điều hòa. Cùng với các giải pháp xóa dần điểm úng ngập thường xuyên, các giải pháp trung và dài hạn cũng đã được thành phố tính toán, dành nguồn lực để thực hiện.
Nâng cao năng lực thoát nước
Thông tin về các giải pháp chống úng ngập trước mắt, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hằng năm, Sở đều xây dựng kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực đô thị; đôn đốc các đơn vị thoát nước thường xuyên nạo vét hút bùn, rác; sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm; duy trì, khai thác tối đa hệ thống thoát nước hiện trạng (hồ điều hòa, hệ thống kênh, mương, sông, cống,... và các trạm bơm thoát nước). Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin; ứng trực 24/24 giờ, sử dụng thiết bị bơm hút di động... để giảm thiểu úng ngập cục bộ khi mưa lớn; đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành các trạm bơm tiêu nông nghiệp, như: Yên Nghĩa, Khê Tang, Ngoại Độ, Vân Đình... phục vụ thoát nước đô thị, cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo sông Cầu Bây, kênh La Khê...
Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan vừa rà soát, đề xuất giải pháp xử lý một số điểm ngập thường xuyên. Cụ thể, với khu vực địa hình trũng thấp, xa nguồn xả, như ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Sở Xây dựng đề xuất giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, xây dựng bể ngầm điều tiết nước mưa. Với Đại lộ Thăng Long, Sở đề xuất xây dựng hệ thống thoát nước trên đường gom, không để nước mưa dồn vào các hầm chui dân sinh... Song song đó, thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, khai thác các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới để điều hòa thoát nước mưa, giải quyết úng ngập cho các khu vực lân cận...
Thực hiện kế hoạch dài hơi
Về giải pháp dài hạn chống úng, ngập, thành phố Hà Nội xác định cần sớm triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, UBND thành phố đã lên kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước trung hạn cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây thành phố; giao các sở, ngành xác định cụ thể danh mục dự án cần thiết (quy mô, dự kiến nguồn kinh phí) trên cơ sở khả năng thực hiện và theo thứ tự ưu tiên. “Trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao, việc phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố là cấp thiết”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin.
Hiện nay, có 6 dự án công trình thoát nước, thủy lợi hỗ trợ tiêu thoát nước đô thị đang được triển khai, như: Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa); nâng cấp, cải tạo trạm bơm tiêu Đại Áng; dự án hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh)... UBND thành phố liên tục đôn đốc các sở, ngành, đơn vị tập trung nhân lực, nguồn kinh phí khẩn trương hoàn thành các dự án, sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả công trình. Riêng dự án cải tạo kênh dẫn La Khê nhằm cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã làm việc với UBND quận Hà Đông, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án...
Ngoài ra, thành phố cũng xác định đầu tư xây dựng mới 5 công trình thoát nước từ nguồn vốn ngân sách, gồm: Xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh; xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng, tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối, tuyến mương Long Biên - Cự Khối (đều thuộc quận Long Biên); xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ; xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả Nhuệ; dự án cải thiện thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Tổng mức đầu tư của 5 dự án này là gần 5.690 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, để giải quyết tình trạng úng ngập, điều quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải dành nguồn lực đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước. Các giải pháp chống ngập cần làm song song, kết hợp công trình quy mô rộng (thường có nguồn lực đầu tư lớn, thời gian triển khai kéo dài) và các dự án vừa và nhỏ, giải quyết các khu vực úng ngập cục bộ. Cùng với vận hành hiệu quả hệ thống hiện có cần giải tỏa ngay trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.