(HNM) - Đề án
Xác định vị trí việc làm - vấn đề mới và khó
Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện từ tháng 10-2012 đến tháng 10-2015, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công vụ Chuyên nghiệp - Trách nhiệm - Năng động - Minh bạch - Hiệu quả. Một trong 10 nội dung của đề án là "Đẩy mạnh triển khai việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương". Việc xác định vị trí việc làm là một vấn đề mới và khó, lần đầu thực hiện ở Việt Nam, do đó không tránh khỏi một số trở ngại lớn. Theo các chuyên gia, xác định vị trí việc làm sẽ là cơ sở và căn cứ để thay đổi cơ chế quản lý đội ngũ CCVC nên sẽ gặp nhiều lực cản từ những người vẫn tư duy theo lối cũ và không muốn đổi mới. Hơn nữa, thực trạng bố trí, sử dụng CCVC dựa trên thâm niên, kinh nghiệm công tác; tình trạng CCVC làm trái ngành, trái nghề so với chuyên môn đào tạo hiện nay là khá phổ biến và là "lịch sử để lại" nên khi xác định vị trí việc làm sẽ dôi dư những đối tượng khó sắp xếp vào đội ngũ.
Phương pháp xác định vị trí việc làm được thực hiện theo 7 bước cơ bản: Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phân nhóm công việc để xây dựng vị trí việc làm và chức danh tương ứng; xác định các yếu tố ảnh hưởng; thống kê, đánh giá thực trạng chất lượng CBCCVC hiện có; xây dựng cơ bản danh mục các vị trí việc làm cần có để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm và xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm.
Hiện rất ít cơ quan thực hiện được những vấn đề nêu trên nên việc quản lý, sử dụng biên chế cũng như việc nâng cao chất lượng CBCCVC gặp nhiều khó khăn. Tiêu biểu như lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiện có hàng vạn CCVC, phạm vi quản lý nhà nước được giao rộng, các nhiệm vụ có tính chất phức tạp cao... Tuy nhiên, vị trí làm việc chưa được xác định. Do đó, việc xác định tiêu chuẩn, trình độ, năng lực tại các vị trí công tác vẫn phải dựa vào tiêu chuẩn ngạch CCVC và tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo quản lý. Nhằm đổi mới cơ chế quản lý CCVC, cuối năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng và thực hiện Đề án xác định vị trí việc làm, biên chế và cơ cấu CCVC.
Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" đặt mục tiêu làm rõ vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch để tăng tính dân chủ, tránh sự áp đặt. Hiện Bộ Nội vụ cũng đã xác định vị trí việc làm và hoàn thành xác định vị trí việc làm của các đơn vị thuộc khối cơ quan Bộ (17 vụ) là 84 vị trí; khối các cơ quan trực thuộc Bộ (8 cơ quan, tổ chức) là 88 vị trí. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ xác định được số biên chế cần có là 1.979 người. Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định được ở khối trung ương là 174 vị trí việc làm; khối cấp tỉnh, thành phố là 53 và cấp huyện là 13 vị trí việc làm; từ đó xác định số lượng biên chế cần bổ sung cho ngành là 6.513 người. Để mọi việc trở thành quy chuẩn, hiện nay Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để triển khai đề án xác định vị trí việc làm rộng rãi trên toàn quốc; nhiều tỉnh, thành, bộ, ngành cũng đã và đang chủ động xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm theo đặc thù của ngành, đơn vị. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: "Nếu như trước đây vấn đề biên chế được thực hiện thông qua chỉ tiêu từ dưới đề nghị lên và từ trên rót xuống thì nay việc xác định vị trí việc làm sẽ mô tả được công việc, năng lực cụ thể. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá CCVC chính xác, khách quan, công bằng. Qua đó, khẳng định và phân biệt được người làm tốt và người làm chưa tốt".
Hà Nội làm điểm 4 đơn vị
Hiện Sở Nội vụ Hà Nội đang phối hợp với Viện Khoa học tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm. Theo đó, Hà Nội sẽ làm điểm tại 4 đơn vị gồm: Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên - Môi trường, quận Long Biên và huyện Thạch Thất. Sau khi làm điểm sẽ triển khai trên toàn thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt: Những đơn vị được lựa chọn làm điểm có điểm chung, khá tương đồng với các đơn vị khác của thành phố, song lại cũng có những đặc thù riêng. Chẳng hạn như Sở Tài nguyên - Môi trường là một trong những sở, ngành dẫn đầu thành phố về những thủ tục liên quan đến các tổ chức, công dân. Bên cạnh đó, ở cấp bộ, Bộ Nội vụ cũng lấy Bộ Tài nguyên và Môi trường làm điểm, do đó sẽ có những điểm tương đồng để Hà Nội tham khảo. Hay như Long Biên là quận đang phát triển, có đặc thù không quá phức tạp và cũng không quá đơn giản, dễ có điểm chung để có thể nghiên cứu, áp dụng vào các quận, huyện khác.
Theo dự kiến, tháng 6-2013 Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai Đề án xác định vị trí việc làm tại các đơn vị thí điểm. Cùng với các bước cơ bản của phương pháp xác định vị trí việc làm, đề án do Viện Khoa học tổ chức Nhà nước và Sở Nội vụ Hà Nội xây dựng để áp dụng tại thành phố còn có những điểm riêng, phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt: "Căn cứ từ xác định vị trí việc làm để giao biên chế sẽ rất khoa học bởi xác định được vị trí việc làm rồi thì xác định được biên chế để đào tạo, bồi dưỡng cũng như bố trí CBCC vào đúng ngạch theo đúng cơ cấu chuyên môn. Đó chính là cơ sở của mọi vấn đề về CBCC".
Đã đến lúc không thể coi việc thiếu - thừa biên chế là chuyện muôn thuở. Vì thế, cho dù xác định vị trí việc làm sẽ còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, song với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, hy vọng rằng, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ ý thức rõ đây là việc cần thiết để có quyết tâm triển khai, thực hiện hiệu quả, nhanh chóng chấm dứt tình trạng "thừa người yếu, thiếu người giỏi" trong đội ngũ CBCCVC hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.