(HNM) - Trong hội thảo mới đây do Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) tổ chức, có gần 30 tham luận thì hầu hết đều mong mỏi có sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo rạp và mua máy móc thiết bị chiếu phim mới, cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh đặt câu hỏi: “Có thật khi được Nhà nước đầu tư thì các rạp này kinh doanh có lãi không, hay càng ỷ lại?". Hay là thay vì ngồi yên trong bóng tối của rạp hát kêu than thì sự chủ động, xông pha tự tìm giải pháp cho bản thân của các đơn vị mới đem lại hiệu quả...
Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã sớm đổi mới, đủ sức cạnh tranh với các đơn vị tư nhân, kể cả nước ngoài. Ảnh: Linh Ngọc |
Chủ động chuyển mình
Doanh nghiệp dù là vốn nhà nước hay tư nhân thì việc kinh doanh có lợi nhuận phải được ưu tiên. Công ty Điện ảnh Hà Nội hiện quản lý rạp Dân Chủ và rạp Tháng Tám, song từ năm 2013 đến nay liên tục thua lỗ. Để kinh doanh có hiệu quả, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, bảo đảm đời sống cho người lao động, Công ty đã báo cáo UBND TP Hà Nội cho phép được cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng và kinh doanh dịch vụ tại rạp Dân Chủ theo ngành nghề trong Giấy phép đăng ký kinh doanh đã được Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cấp. Theo ông Mai Xuân Phương, Tổng Giám đốc Công ty Điện ảnh Hà Nội, địa điểm này sẽ dùng để kinh doanh thiết bị nghe nhìn, điện ảnh, máy tính, băng đĩa hình phục vụ cho điện ảnh… “Chúng tôi vẫn làm dịch vụ liên quan đến điện ảnh, phục vụ phát triển văn hóa và theo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả thấy rõ thay vì để rạp “chết” như hiện nay” - ông Mai Xuân Phương nhấn mạnh.
Đề cập đến việc chuyển đổi kinh doanh như thế khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng, bởi rạp Dân Chủ với nhiều người dân Thủ đô là ký ức, kỷ niệm, thói quen thưởng thức điện ảnh, ông Mai Xuân Phương đáp vui: “Xin mời công chúng hãy đến với rạp Tháng Tám ở phố Hàng Bài cũng là điểm hẹn điện ảnh truyền thống. Nơi đây luôn có phim mới, có nhiều lựa chọn hơn, ở trung tâm của thành phố, có chỗ để xe…”. Rạp Tháng Tám đang hoạt động chiếu phim khá tốt với 5 phòng chiếu theo xu thế cụm rạp, trang thiết bị cũng được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu chiếu phim kỹ thuật số 2D, 3D. Theo lý giải của Tổng Giám đốc Công ty Điện ảnh Hà Nội, rạp này có diện tích trên 2.000m², thuận lợi để phát triển và mở rộng việc chiếu phim.
* Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam Nguyễn Văn Nhiêm: Hầu hết các rạp thuộc quản lý của Nhà nước hoặc rạp có vốn đầu tư nhà nước được kế thừa vị trí đẹp, trung tâm, lại là nơi quen thuộc đối với công chúng yêu thích điện ảnh. Nếu đẩy mạnh xã hội hóa, tìm thêm nguồn vốn đầu tư và được hưởng chính sách cho vay vốn đầu tư vào thiết bị kỹ thuật hiện đại, cơ sở hạ tầng của rạp chiếu phim với lãi suất ưu đãi thì sẽ thành công. * Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hữu Phần: Từ điểm sáng là Trung tâm Chiếu phim quốc gia ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác như: Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng hoàn toàn có thể học theo mô hình đó. Nhà nước giao quyền độc lập, tự chủ và đơn vị phải tự thu, tự chi sao cho có hiệu quả mới đứng vững và phát triển được. |
Trung tâm Văn hóa Kim Đồng là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, được xây dựng trên nền đất của rạp Kim Đồng trước đây hiện cũng là một điểm chiếu phim hoạt động trên cùng phố với rạp Tháng Tám. Công trình xây dựng khá quy mô và nổi bật, có diện tích sử dụng hơn 6.000m² do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xây tặng Thủ đô nhân dịp Hà Nội nghìn năm tuổi. Nơi đây có 3 phòng chiếu đa năng, sân khấu trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, vừa phục vụ chiếu phim 2D, 4D, vừa có thể tổ chức các sự kiện, biểu diễn ca nhạc. Vì vậy, từ khi được xây mới, tụ điểm này hoạt động sôi nổi, đúng vị thế và là sự lựa chọn của nhiều người yêu điện ảnh Thủ đô, nhất là đối tượng trẻ em.
“Bắt tay” để phát triển
Thực tế, thị phần chiếu phim của các rạp trong nước khó có thể lội ngược dòng, nhưng không khó để tăng lên. Với phần đông khán giả bình dân, để được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh thường xuyên, hằng tuần như dịp ra mắt phim mới ở Việt Nam và trên thế giới thì họ vẫn có nhu cầu đến với hệ thống rạp do Nhà nước quản lý hoặc vốn nhà nước vì giá vé thấp hơn. Đây là yếu tố bảo đảm thành công của các rạp chiếu phim này nếu được đầu tư nâng cấp, cải tạo hiện đại hơn.
Trung tâm Chiếu phim quốc gia là đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Trong khi hệ thống rạp do Nhà nước quản lý hoạt động lay lắt, cầm chừng thì Trung tâm Chiếu phim quốc gia lại sống khỏe, hoàn toàn cạnh tranh được với đơn vị tư nhân, kể cả nước ngoài. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm cho biết: “7-8 năm trước đây, đơn vị cũng trong tình trạng như các rạp của Nhà nước bây giờ, nhưng chúng tôi quyết định tìm đối tác đưa dịch vụ vào một số khu vực trong rạp, nâng cấp trang thiết bị để thu hút khán giả, tăng doanh thu. Sau 5 năm, chúng tôi mới tiến hành cải tạo hệ thống rạp, mở rộng thêm phòng chiếu từ 4 lên thành 10, với trang thiết bị hiện đại, có thể chiếu được tất cả các thể loại phim từ 3,5mm đến 2D, 3D, 4D… Chúng tôi còn xây thêm tổ hợp trưng bày điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện và các dịch vụ giải trí khác phục vụ khán giả Thủ đô. Trong 85 tỷ đồng đầu tư, Nhà nước chỉ phải cấp hơn 13 tỷ”. Nhiều nhà hoạt động điện ảnh cũng cho rằng việc xã hội hóa, “bắt tay” cùng xây dựng kinh doanh là phù hợp với các đơn vị chiếu phim hiện nay.
Trở lại với rạp Tháng Tám, mặc dù đơn vị này hiện có cụm rạp 5 phòng chiếu khá hiện đại, nhưng theo ông Mai Xuân Phương, Tổng Giám đốc Công ty Điện ảnh Hà Nội thì vẫn lỗ, bởi giá thuê đất và nhà quá cao. Nếu để tình trạng này kéo dài chỉ e Công ty sẽ hết vốn nhà nước và dẫn đến phá sản. Vì thế, đơn vị đã xin cổ phần hóa sớm để cơ cấu lại sản xuất kinh doanh. “Rạp Tháng Tám là điểm phù hợp với kinh doanh chiếu phim nên sau cổ phần hóa, có nguồn vốn đa dạng hơn, chúng tôi sẽ đầu tư xây mới rạp này, ngoài các phòng chiếu trang bị hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế thì còn có khu vui chơi giải trí đi kèm. Dám chắc khi đó, hoạt động chiếu phim phục vụ công chúng sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn” - ông Mai Xuân Phương nói.
Biết phát huy thế mạnh, chủ động bước tiếp, chuyển mình theo xu thế của thời đại là hướng duy nhất để hệ thống rạp chiếu phim trong nước nói chung và rạp do Nhà nước quản lý hoặc có vốn nhà nước nói riêng có thể đứng vững trong thời điểm này rồi nói tiếp đến cạnh tranh. Khán giả chưa và không bao giờ bỏ rơi những nỗ lực, cố gắng, cũng như khẳng định đồng hành cùng sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Hãy tự tin và tiến bước!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.