Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Động lực mới, tạo đà về đích

Nguyễn Mai| 21/04/2023 06:21

(HNM) - Với những kết quả đạt được và những tồn tại được chỉ ra, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy; các sở, ban, ngành, huyện, thị xã đều đặt mục tiêu cao hơn để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Vì vậy, nhân rộng cách làm hay, tháo gỡ những khó khăn, đưa ra những giải pháp trước mắt cũng như những giải pháp căn cơ, lâu dài… sẽ tạo động lực, thúc đẩy chương trình về đích sớm.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Mai Nguyễn

Những mục tiêu phía trước

Hà Nội hiện có hơn 4,2 triệu người sống ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 51% dân số thành phố), diện tích đất nông nghiệp gần 200.000ha (bằng 60% diện tích tự nhiên của thành phố)… Do vậy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xác định có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, để đạt mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU cho cả giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, Hà Nội cần thực hiện xong 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chỉ tiêu, các huyện, thị xã phấn đấu cao hơn chương trình đề ra. Trong đó, phấn đấu có 239 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 83 xã so với mục tiêu chương trình), 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 44 xã so với mục tiêu chương trình). Đây là những nỗ lực, quyết tâm rất lớn từ thành phố đến các địa phương và đi kèm với đó cần một nguồn kinh phí lớn để hỗ trợ cho các xã, huyện thực hiện chương trình.

Cùng với các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, thì việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cũng được đặt ra. Đến năm 2025, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm. Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên. Tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80% đến 85%. Duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn…

Từ cơ chế đến hành động

Từ thực tiễn triển khai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho rằng, cần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để tạo nhiều giá trị khác biệt, huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển các đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn. Các địa phương tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng năng suất lao động, chuỗi giá trị có giá trị gia tăng lớn; duy trì và phát triển làng nghề, các sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu, thương hiệu và mang tính đặc trưng của huyện gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, phát huy những kết quả đạt được, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026. Ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp với du lịch, nông nghiệp theo hướng đô thị..., tạo bước chuyển về diện mạo khu vực nông thôn theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn. Xây dựng các mô hình điển hình về sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa các vùng miền; xây dựng, củng cố và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở…

“Thành phố cũng sẽ kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ đối với các quy định của các luật liên quan để có một số cơ chế đặc thù, giúp nông nghiệp Thủ đô bứt phá”, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết thêm.

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU quý I-2023 mới đây, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát hoàn thành các chỉ tiêu đối với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong sản xuất nông nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Động lực mới, tạo đà về đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.