Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Có những thứ đang cuốn ta đi

Thụy Du| 07/09/2014 06:11

(HNM) - Nhiều người lạc quan, cho rằng thứ âm nhạc nhảm nhí, sẽ nhanh chóng hết thời. Nhưng cũng có người bi quan, lo rằng rồi đây, nếu "dòng chính thống" không mau chóng tỏ rõ sức mạnh định hướng thì tình hình còn tệ hơn. Sự thể thế nào? Liệu có đúng khi nói rằng hiện nay chúng ta không có nhiều bài hát hay, đi vào lòng người như trước nữa?

Bởi mối lợi khổng lồ

Chẳng phải âm nhạc thời nay không có sáng tác hay. Hiếm ai phủ nhận lao động sáng tạo của rất nhiều nhạc sĩ trong những năm qua đã góp phần làm phong phú hơn kho tàng âm nhạc Việt Nam. Ta có thể kể đến nhạc sĩ Quốc Bảo, tác giả của loạt ca khúc vừa mang âm hưởng kinh điển vừa có màu sắc hiện đại, như "Bình yên", "Lụa"… ta cũng có thể kể tên nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, người khai phá thành công và tạo ra làn sóng nhạc dance ở Việt Nam với "Chuông gió", "Thiên đàng". Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đem lại bầu không khí mới cho nhạc dân gian đương đại với "Ôi quê tôi", "Người ở người về", "Chuồn chuồn ớt"… Nhạc sĩ Quốc Trung, với dự án "Cội nguồn" đã cho ra mắt những ca khúc bắt kịp xu hướng âm nhạc thế giới...

Nhiều ca khúc của nhạc sĩ trẻ được giới chuyên môn đánh giá cao, như "Bay", "Taxi" (Nguyễn Hải Phong), "Lặng thầm một tình yêu" (Thanh Bùi), "Lá cờ" (Tạ Quang Thắng)… Sân chơi tìm kiếm ca khúc mới "Bài hát Việt" trên truyền hình nhiều năm nay đã giới thiệu một số tác phẩm hay như "Bà tôi" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "Con cò" (Lưu Hà An), "Chênh vênh" (Lê Cát Trọng Lý), "Ký ức mùa đông" (Thành Vương)…

Nhưng, tiếc thay, những tác phẩm hay ho, chất lượng ấy chưa đủ để át "tiếng loa thị trường". Vấn đề là vì sao?

Ngành công nghiệp giải trí, nhất là nhà sản xuất chương trình âm nhạc bấy lâu đã gián tiếp "nhào nặn" nên dòng "ca khúc thị trường". Đó là một guồng quay không ngừng nghỉ mà tham gia vào đó có cả nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất, truyền thông…

Đầu tiên phải kể đến nhạc sĩ - người viết ca khúc. Nói về "nhạc thị trường", tác giả của chúng bao gồm cả người kém tài, sức ảnh hưởng của họ trong đời sống âm nhạc không lớn; có cả chủ nhân của những ca khúc "hit" nổi đình đám trong giới trẻ, những người đã qua đào tạo bài bản tại các trường nhạc lớn, có kiến thức và khả năng sáng tác tốt như Duy Mạnh, Sơn Tùng, Khắc Việt, Hồ Quang Hiếu, Hoàng Tôn, Tiên Cookie… Với một số thuận theo "thị trường", cũng vì đời sống của loại ca khúc này ngắn nên muốn liên tục "nóng trên thị trường" thì phải viết nhiều, không có thời gian "hồi phục" cảm hứng. Mặt khác, như một nhạc sĩ trẻ từng sáng tác nhiều bản "hit" thẳng thắn thừa nhận: "Việc sáng tác đôi khi theo đơn đặt hàng, sự hay không quan trọng bằng gây sốc". Trong trường hợp ấy, sản phẩm thiếu chiều sâu, cẩu thả là điều dễ hiểu.

Trong số ca sĩ "thị trường", những gương mặt "hot" thường ít khi được đào tạo bài bản. Nhiều người trong số họ có xuất phát điểm là người mẫu, diễn viên, nay muốn mượn âm nhạc để được nhiều người biết đến. Một số khỏa lấp khả năng ca hát kém cỏi bằng việc khoe thân, khoe vũ đạo…

Đáng kể là nhà sản xuất. Nắm được thị hiếu của một bộ phận giới trẻ, những người thích thứ âm nhạc ồn ào, đơn giản, ca từ "thoáng", thích sự hào nhoáng bề ngoài, nhà sản xuất đặt hàng ca khúc, lăng xê ca sĩ biểu diễn theo phong cách "thị trường". Càng là những bài hát gây sốc, ca từ và giai điệu đơn giản thì càng dễ gây ấn tượng; càng hát giống nhạc ngoại càng dễ khiến một bộ phận giới trẻ phát cuồng. Và phía sau đó đương nhiên có bóng dáng của mối lợi thu về.

Bởi ta chưa dũng cảm

Hát thì phải có người nghe, nếu không có công chúng thì làm sao ca khúc tồn tại, nói gì đến sức sống dài lâu. Tuy nhiên, phần đông người thích "nhạc thị trường" còn trẻ, dễ chịu ảnh hưởng của tâm lý số đông và dễ bị chi phối bởi những trào lưu, xu hướng mới. Họ chịu ảnh hưởng quá nhiều từ thứ âm nhạc hào nhoáng bề nổi của nước ngoài - hợp với sự nhìn hơn là nghe, tiếp nhận nó một cách thụ động, yếu ớt. Nhà phê bình âm nhạc Minh Châu đã không ít lần lưu ý rằng, cần phải tăng cường giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho thế hệ trẻ ngay từ trong trường học. Nhưng đến giờ, đó vẫn là câu chuyện "trên bàn".

Giữa hai nửa sáng - tối của thị trường âm nhạc, tốt nhất là nên có những vị trọng tài đủ khả năng dẫn dắt công chúng, không "bắt" họ phải theo bên nào nhưng ít nhất cũng có thể làm rõ sự trắng - đen, tử tế hay không tử tế. Ta chưa có đủ yếu tố này. Nhiều lần nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phải lên tiếng, rằng mảng phê bình âm nhạc của ta còn hạn chế, những tiếng nói phản biện trực diện không có nhiều. Đã có ý trách báo chí trong việc này, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Cường lại nghĩ khác. Ông nói: "Đừng trách nhà báo, nghề của họ là đưa ra ý kiến để những ai am hiểu, có trách nhiệm phải lên tiếng phản biện".

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, người nhiều năm làm công tác thẩm định âm nhạc tỏ ý ngao ngán bởi cái sự không cương quyết, thiếu dũng cảm của các nhà quản lý và giới phê bình. Ông nhận định: "Với một ca khúc mới, họ chỉ kiểm tra xem phần nhạc có "đạo" không, phần lời không đi ngược lại với chủ trương, chính sách, không trái với truyền thống văn hóa dân tộc, không chống phá là được qua. Đời sống âm nhạc sẽ trong sạch hơn nhiều nếu họ cương quyết loại bỏ, đẩy lùi những ca khúc nhảm nhí, nhố nhăng, thiếu tính thẩm mỹ".

Trong giới sáng tác, có người chọn cho mình con đường "ở ẩn", nuôi niềm tin "nhạc của tôi bây giờ chưa được chọn nhưng sau này sẽ được chọn". Nhưng, như nhạc sĩ Đức Trí quan niệm: "Đừng đổ cho thị trường, chính nhạc sĩ phải hành động. Cần có sự động viên, tạo điều kiện từ các nhà quản lý, các "Mạnh thường quân" để ca khúc hay, triển vọng đến được với công chúng một cách rộng rãi".

Bao giờ ca khúc đương đại được như ngày xưa? Đó có lẽ là một câu hỏi lạ, bởi âm nhạc cũng như cuộc sống, luôn vận động không ngừng. Có lẽ, phía sau câu hỏi ấy ẩn chứa một mong muốn khác. Mong muốn được thấy phong cách, tư duy làm nghề chân chính thực sự quay trở lại, như đã thấy cách nay nhiều chục năm. Đơn giản hơn, với những người sáng tác, chỉ cần dũng cảm, tỉnh táo đối mặt với những điều đang cuốn ta đi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Có những thứ đang cuốn ta đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.