Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Chờ chiến lược dài hạn

Thạnh - Quỳnh| 25/02/2014 06:44

(HNM) - Đề tài luôn


Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 theo hướng tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, tiến tới một kỳ thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Từ nay cho đến hạn công bố phương án chỉ còn nửa năm, liệu kỳ thi "2 trong 1" đã từng được "thai nghén" nhiều năm nay có được "khai sinh"?



Thi tuyển không còn là phương thức duy nhất

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng cường độ tin cậy sẽ được diễn ra đồng bộ với việc thực hiện tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thời gian tới.

Việc học sinh thi 2 môn bắt buộc (toán và ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn, như phương án của Bộ GD-ĐT, là căn cứ để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh ĐH, CĐ mà vẫn bảo đảm đánh giá được năng lực của HS và phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tốt, kết quả có độ tin cậy cao thì sẽ có ngày càng nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng "thước đo" này để công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ nhẹ nhàng hơn mà vẫn bảo đảm chất lượng nguồn tuyển. Trong những năm trước mắt, các trường có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mức độ phù hợp bên cạnh việc sử dụng kết hợp các hình thức khác như phỏng vấn, thi tuyển... Khi đó, thi tuyển chỉ còn là một trong những phương thức tuyển sinh chứ không còn giữ vị thế độc tôn, duy nhất như hiện nay.

Thực tế, thời gian qua đã có nhiều trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trong đó sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn để tuyển sinh. Hướng đổi mới này khiến nhiều người liên tưởng tới một kỳ thi "2 trong 1" đã từng có trong dự kiến của Bộ GD-ĐT. Khi đó, Bộ GD-ĐT chủ trương bỏ thi ĐH hoặc kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một. Thí sinh sẽ thi tám môn (thay vì sáu môn trong kỳ thi THPT). Việc xét tuyển ĐH sẽ dựa vào bảng điểm tốt nghiệp THPT và môn đặc thù theo yêu cầu của từng trường. Những người xây dựng dự thảo này tin rằng, một kỳ thi như vậy sẽ giúp các trường tuyển được đúng đối tượng và được tự chủ nhiều hơn trong tuyển sinh. Tuy nhiên, cuối cùng, đề án đã không đi tới hồi kết, lý do được nhắc tới nhiều nhất là "điều kiện chưa chín muồi".

"Bệnh gốc" là "bệnh thành tích"

Mặc dù theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sau cuộc họp với Bộ GD-ĐT ngày 17-2 được ghi rõ trong Thông báo số 74/TB-VPCP, Bộ GD-ĐT sẽ phải khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 theo hướng tạo thước đo khách quan khoa học để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh và hướng tới một kỳ thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc chưa hội tụ các điều kiện cần thiết để thực hiện một kỳ thi chung cũng là lý do mà phương thức thi "3 chung" sẽ vẫn được duy trì, ít nhất là trong 1-2 năm tới. Ngay cả các ý kiến sốt sắng muốn sớm bỏ "3 chung" cũng phải công nhận những ưu điểm lớn của kỳ thi này là nghiêm túc và công bằng.

Theo lộ trình tự chủ tuyển sinh, "3 chung" sẽ đến lúc hoàn thành sứ mạng. Lúc đó, liệu các điều kiện đã "chín muồi" để có thể thực hiện một kỳ thi chung "2 trong 1" như chúng ta đang hướng tới, hay các phương án tuyển sinh riêng liệu có thể làm được những điều mà "3 chung" không làm được, hoặc ít nhất là kế thừa được những ưu điểm kể trên?

Trong các đề án tuyển sinh riêng, đại đa số các trường đều sử dụng "thước đo" quan trọng là kết quả học tập THPT để làm cơ sở xét tuyển bên cạnh "3 chung". Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long bày tỏ sự băn khoăn về mức độ khả thi của phương án nghiêng về kết quả học tập THPT. Ông cho rằng: "Cần phải xác định tỷ trọng hợp lý giữa kết quả thi theo đề thi chung và kết quả học THPT. Tỷ trọng này có thể thay đổi theo từng năm hay từng giai đoạn, từng đặc điểm đào tạo của trường. Vào thời điểm này, tỷ trọng hợp lý là 50/50". Còn theo bà Đỗ Thị Lan Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, việc đánh giá phải thực chất, khoa học và khách quan thì mới có thể tác động đến việc dạy - học một cách lâu dài. Nếu cứ kiểm tra, thi mang tính hình thức, kết quả vì thành tích thì việc đổi mới sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn, nếu không muốn nói là "đánh bùn sang ao".

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để kết quả thi tốt nghiệp THPT đủ độ tin cậy giúp các trường dùng làm căn cứ tuyển sinh thì phải tổ chức thi thật nghiêm, kiên quyết loại trừ "bệnh thành tích". Chúng ta nên coi trọng điểm 3 thực chất hơn là điểm 7 trá hình và chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp có thể "đi xuống" trong vài năm liền. Nếu làm nghiêm túc, chắc chắn cách thức này sẽ tác động tích cực đến ý thức dạy và học.

Không chỉ dừng lại ở những yêu cầu mà một kỳ thi có quy mô lớn cần đạt được, với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đang được thực hiện một cách quyết liệt trên diện rộng, ngành giáo dục và xã hội đang hướng tới mục tiêu "thực học, thực nghiệp", để người dạy và người học hiểu đúng mục đích của việc dạy và học, dạy và học thực chất, kết quả thi, kiểm tra phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Mục tiêu đã rõ, nhưng phương án thế nào để việc đổi mới thi và tuyển sinh không còn cảnh "ăn đong" mà là một chiến lược rõ ràng và dài hạn, đó là điều mà dư luận đang trông chờ ở Bộ GD-ĐT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Chờ chiến lược dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.