Dù phát triển khá rầm rộ ở Việt Nam, song tiền ảo chưa được thừa nhận nên nhiều giao dịch bất hợp pháp chưa được kiểm soát kịp thời.
Bên cạnh đó, tính chất phi truyền thống của tiền ảo cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong truy vết tội phạm, bởi máy chủ quản lý tiền ảo nằm ở nước ngoài. Vì vậy, quản lý tiền ảo bằng khung pháp lý minh bạch để ngăn chặn nguy cơ phạm tội đang được Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương thực hiện.
Hệ lụy từ tiền ảo
Tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận, nhưng trên thực tế đã có sức lan tỏa rất lớn trong xã hội. Việt Nam nằm trong nhóm 6 thị trường lớn nhất toàn cầu về sử dụng dịch vụ tiền mã hóa, tài sản mã hóa.
Ước tính, có hơn 20 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa. Tổng giá trị tài sản mã hóa người Việt Nam nắm giữ trong các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 100, 120, 105 tỷ USD và chủ yếu giao dịch qua các sàn quốc tế, như: Binance, OKX, Gate.io…
Tại Diễn đàn động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới, do Binance (sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất) phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào cuối năm 2024 tại Hà Nội, có một thông tin đáng chú ý dẫn báo cáo của Công ty Chainalysis (công ty của Mỹ, chuyên phân tích về tiền ảo) cho biết, tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD (tính đến tháng 7-2023). Số tiền này gấp 3-4 lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 20% so với giai đoạn 2021-2022 (khoảng 100 tỷ USD).
Với số người sở hữu tiền ảo nhiều, Việt Nam trở thành “mảnh đất” màu mỡ cho tội phạm tiền ảo khai thác. Số vụ án liên quan đến tiền ảo gia tăng cho thấy độ ảnh hưởng của tiền ảo đến đời sống ngày càng rộng và cộng đồng đang rất quan tâm.
Thực tế đã có nhiều vụ mua bán ma túy xuyên quốc gia sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán. Đặc biệt, đã xuất hiện đối tượng sử dụng tiền mã hóa (Bitcoin) để thanh toán giao dịch mua bán trái phép chất ma túy về Việt Nam. Điển hình là vụ vận chuyển trái phép 157 tuýp kem đánh răng có chứa 11,5kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp từ Pháp về Việt Nam qua đường hàng không, được phát hiện ngày 16-3-2023 tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, tiền ảo còn làm gia tăng các loại tội phạm về rửa tiền, tham nhũng... vì những tính chất đặc trưng của nó.
Theo một số nghiên cứu từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, tiền ảo là một loại tài sản kỹ thuật số có thể giao dịch xuyên biên giới nhờ vào nền tảng công nghệ hiện đại. Khác với tiền truyền thống, tiền ảo không do ngân hàng trung ương hay tổ chức tài chính nào phát hành hoặc quản lý. Thay vào đó, nó hoạt động trên mạng internet theo mô hình ngang hàng, giúp quá trình giao dịch diễn ra trực tiếp giữa người dùng mà không cần bên thứ ba trung gian.
Tính phi tập trung và bảo mật cao khiến tiền ảo trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt, người dùng có thể thực hiện giao dịch mà không cần cung cấp thông tin cá nhân hay mở tài khoản ngân hàng, điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc giám sát và quản lý loại hình tài sản này.
Thị trường hiện có hàng trăm loại tiền ảo, trong đó có những loại tiền ảo tiềm năng như Bitcoin, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto từ năm 2009. Bitcoin là một loại hàng hóa đặc biệt, người muốn sở hữu Bitcoin có thể mua bằng tiền thật và đợi chờ cơ hội sinh lợi nhuận, đồng thời có thể dùng nó để giao dịch tương tự như quẹt thẻ ngân hàng.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thừa nhận tiền ảo. Trung Quốc đã ra lệnh cấm Bitcoin vì hàm chứa nhiều rủi ro. Nga cũng nghiêm cấm sử dụng tiền ảo Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác. Còn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán.
Tuy việc đầu tư, sử dụng tiền ảo bị cấm, không được pháp luật bảo vệ, song, tại Việt Nam, pháp luật cũng không có chế tài cụ thể với chủ thể khi sử dụng các loại tiền điện tử này.
Sẽ ban hành Nghị quyết thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc
Về bản chất, các vụ việc, vụ án về tiền ảo ở Việt Nam đều là tiền ảo dạng "hàng nhái", không phải là tiền ảo chính thống được quốc tế công nhận. Các đối tượng thường mạo danh tiền ảo chính thống, xây dựng các website/app về tiền ảo do chúng tự đặt ra để lừa người dân bằng mô hình “ponzzi” biến tướng, tức là lấy tiền người sau trả tiền người trước, hoặc mua bán tiền ảo nội bộ, đến thời điểm nhất định thì đánh sập website/app và biến mất.
Với tính chất phức tạp của tiền ảo, một số cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra tội phạm liên quan đến tiền ảo khẳng định: Đặc điểm của tội phạm về tiền ảo khác với tội phạm truyền thống bởi nó có tính ẩn danh và bảo mật rất cao; KYC (danh tính khách hàng) do các sàn giao dịch tiền ảo nước ngoài quản lý, tiền ảo cho phép người dùng giao dịch mà không cần tên, không cần đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc tương tác với bên trung gian thứ ba nên việc sử dụng các biện pháp trinh sát, điều tra nghiệp vụ truyền thống rất khó để phát hiện.
Tính ẩn danh và bảo mật của tiền ảo khiến chúng được lựa chọn và bị sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp. Giới tội phạm hiện nay thường “ziczac hóa” dòng tiền chiếm đoạt được bởi hành vi phạm tội để xóa dấu vết, cản trở hoạt động điều tra. Chúng thường sử dụng mạng tối (Dark web) để giao dịch tiền ảo và coi đó như một thứ công cụ hữu hiệu để hợp pháp hóa đồng tiền bất chính hoặc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.
Do vậy, quản lý nhà nước về tiền ảo cần bắt buộc các đơn vị mua - bán, kinh doanh, cung cấp dịch vụ về tiền ảo phải đặt máy chủ (server) tại lãnh thổ Việt Nam để quản lý được KYC, đây là vấn đề sống còn trong quản lý tiền ảo.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 6-3-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 81/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Theo thông báo, đây là vấn đề có tính cấp bách, cần sớm triển khai thực hiện.
Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm để áp dụng trên phạm vi toàn quốc, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 3-4-2025, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Công điện số 29/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thị trường tiền ảo tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang rất phát triển và là cơ hội kiếm tiền tiềm năng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên tỉnh táo, cần trang bị kiến thức, khả năng đánh giá và kỹ năng phân tích để nhận biết nên tham gia, đầu tư loại tiền ảo nào, thời điểm tham gia cũng như thời điểm rút vốn để tránh được nguy cơ “trắng tay” trước các giao dịch tài chính ảo đang làm nhiều người mờ mắt như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.