(HNM) - Cuối tháng 8-2011, khi Báo Hànộimới đăng loạt bài "Phí dịch vụ chung cư - Chuyện chưa bao giờ cũ" phản ánh những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư (CĐT) và cư dân ở Keangnam.
Ngay sau khi loạt bài kết thúc, Ban Đại diện lâm thời (BĐDLT) tòa nhà chung cư số 93 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng đã gửi thư đến báo, tỏ ý kiến đồng tình với những vấn đề Báo Hànộimới phản ánh và nêu rõ những sai phạm của CĐT trong xây dựng, quản lý tòa nhà này. Gần 6 tháng đã trôi qua, tại những khu nhà này, mặc dù một số mâu thuẫn đang được tháo gỡ nhưng những nỗi khổ của người dân vẫn còn nguyên.
93 Lò Đúc - "Lò nung" bức xúc
Cuối tháng 10-2011, sau nhiều lần tìm cách giải quyết mâu thuẫn giữa gần 300 hộ dân với CĐT tòa nhà 93 Lò Đúc là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô nhưng bất thành, BĐDLT đã gửi đơn tố cáo công ty này đến nhiều cơ quan. Các hộ dân ở đây đã chỉ ra 9 vi phạm chính của CĐT tòa nhà 93 Lò Đúc. Cũng từ đây những khối mâu thuẫn này ngày càng "nóng" bởi cư dân và CĐT không ai chịu ai. Đã có lúc những đòn miếng "giang hồ" được mang ra để đối phó với nhau.
Mới đây, ngày 20-1, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra Thông báo số 562. Theo đó, tòa nhà Kinh Đô được xây dựng theo Giấy phép xây dựng số 12/GPXD (ngày 12-1-2004) và Giấy phép xây dựng số 161/GPXD (ngày 18-5-2006) do Sở Xây dựng cấp. Hồ sơ ghi nhận, năm 2006 CĐT là Công ty Kinh Đô xây dựng sai với giấy phép được cấp. Cụ thể, trên tầng áp mái (tức tầng 29 đã bao gồm 3 tầng G, M, KT) đã mở rộng từ tum thang thành diện tích 1.834m2 (thành nhà ở); xây dựng mái che diện tích 1.020m2 (tức tầng 30). Hồ sơ thể hiện việc kiểm tra và kết luận của các cơ quan chức năng nhưng không thấy thể hiện việc khắc phục các lỗi vi phạm. Năm 2011, CĐT tiếp tục xây dựng cải tạo trên cơ sở vi phạm cũ, cải tạo mái che thành một số buồng phòng.
Tại biên bản kiểm tra hoạt động xây dựng số 92/BB-KT (ngày 6-9-2006) của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đối với chung cư 93 Lò Đúc có nêu: Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Công ty Kinh Đô) đã có sai phạm nghiêm trọng khi đối chiếu với Giấy phép xây dựng số 161/2006, tầng 28 của tòa nhà này vốn được thiết kế là tầng dịch vụ cây xanh, tầng 29 chỉ là tum thang nhưng Công ty Kinh Đô đã cố tình biến nó thành nhà ở để bán, thu lợi nhiều tỷ đồng; sau đó năm 2010, tầng 30 hoàn toàn không có trong giấy phép xây dựng đã được "nâng cấp" thành tầng áp mái, rồi sau đó tiếp tục được Công ty Kinh Đô ráo riết "cải tạo và hoàn thiện" để "chống dột, chống chuột" nhưng thực tế là dùng để kinh doanh dịch vụ, phòng tập và văn phòng. Điều này đồng nghĩa với việc Công ty Kinh Đô đã tự ý xây dựng chung cư 93 Lò Đúc vượt quá 3 tầng không phép.
Điều đáng nói là đã có căn hộ thuộc diện tích xây dựng không phép này được cấp sổ đỏ. Theo quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, để được cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, chủ sở hữu nhà ở phải có một trong các giấy tờ sau: giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật; trường hợp nhà ở do mua của doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở do hai bên ký kết; nếu mua nhà kể từ ngày 1-7-2006 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) thì ngoài hợp đồng mua bán nhà ở, bên bán nhà ở còn phải có một trong các giấy tờ về dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán.
Bà Phan Minh Thúy, Trưởng ban Đại diện lâm thời của cư dân 93 Lò Đúc băn khoăn, không hiểu tại sao sau khi Công ty Kinh Đô "hô biến" tầng 28 từ dịch vụ cây xanh và tầng 29 chỉ là tum thang biến thành nhà mà vẫn được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008, sau đó năm 2010 các căn hộ không phép này lại được UBND quận Hai Bà Trưng cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho các căn hộ tại tầng 28 và 29?
Keangnam - Bao giờ mới bình yên?
Những tưởng căng thẳng giữa cư dân Keangnam với CĐT là Công ty TNHH MTV Keangnam Vina (Công ty Keangnam) sẽ giảm dần khi UBND TP Hà Nội ban hành đề án giá dịch vụ nhà chung cư và giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn vào cuối tháng 9-2011. Thế nhưng thực tế lại diễn ra theo chiều hoàn toàn ngược lại. Sau gần 6 tháng, những bức xúc của ông Trần Xuân Trạch đang sống tại căn hộ A1609, tầng 16 nhà A Keangnam, Mễ Trì, Từ Liêm cứ tạm lắng xuống vài ngày rồi lại tăng lên.
Trước Tết Nhâm Thìn, bất chấp các quyết định của Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng, từ ngày 1-1-2012, Keangnam vẫn ngang nhiên cắt một nửa số thang máy, không bố trí lễ tân và làm vệ sinh nên tòa nhà rất bẩn... Thay vì nâng cao chất lượng dịch vụ để cư dân cảm thấy hài lòng và sẵn sàng đóng phí cho Ban Quản lý (BQL) thì Keangnam và BQL lại tìm mọi cách để gây bất ổn cho cư dân. Công ty Keangnam và BQL chỉ bố trí 5 nhân viên vệ sinh quét dọn cả hai tòa nhà cao 48 tầng với 920 hộ dân (quét dọn 1 lần/ngày). Đồng thời, BQL không cung cấp dịch vụ thu dọn vệ sinh tại nơi thu gom rác thải của từng tầng, trong khi bất kỳ chung cư nào cũng đều có dịch vụ thiết yếu này. Thậm chí, họ còn không bố trí lễ tân và chỉ có duy nhất hai chốt bảo vệ cho cả hai tòa nhà lớn. Đặc biệt, BQL còn cắt giảm hẳn 10 trên tổng số 20 thang máy của hai tòa nhà, trong khi mật độ dân cư là 920 căn hộ với hàng ngàn người sinh sống trong tòa nhà cao nhất Việt Nam, việc di chuyển lên xuống hoàn toàn phụ thuộc vào thang máy.
Bức xúc trước cách ứng xử của BQL Keangnam, cư dân gửi văn bản kiến nghị lên các cấp. Ngày 17-1-2012, Sở Xây dựng ra thông báo số 460/ TB-SXD, trong đó có đoạn: "Trong thời gian chưa giải quyết xong tranh chấp: Tạm thu theo mức giá trần giá dịch vụ nhà chung cư do UBND thành phố ban hành cho đến khi giải quyết xong tranh chấp; tuyệt đối không được dừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, vệ sinh môi trường, thang máy (tất cả các thang máy phải hoạt động) để bảo đảm sinh hoạt bình thường của các hộ dân sinh sống tại tòa nhà". Thông báo cũng nêu rõ, UBND huyện Từ Liêm có trách nhiệm giám sát kiểm tra CĐT thực hiện. Đến ngày 19-1, Sở Xây dựng lại tiếp tục ra văn bản số 528/SXD-QLKT yêu cầu CĐT phải xây dựng và công khai toàn bộ khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý vận hành nhà chung cư theo hướng dẫn tại Thông tư 37/2009/TT-BXD (ngày 1-12-2009) của Bộ Xây dựng.
Ngay sau khi Sở Xây dựng có ý kiến bằng văn bản, CĐT tòa nhà Keangnam đã cho thang máy hoạt động trở lại. Cũng trong văn bản số 528/SXD-QLKT yêu cầu CĐT khẩn trương hoàn tất các thủ tục tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị theo đúng quy định và gửi kết quả về UBND huyện Từ Liêm để được quyết định công nhận. Ông Trần Xuân Trạch khẳng định, cư dân ở đây đều thống nhất rằng, để giải quyết triệt để các mâu thuẫn nảy sinh thì Keangnam phải thực hiện nghiêm túc theo công văn này và chuẩn bị tốt cho việc tiến hành tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị tòa nhà, bởi thời hạn chỉ vỏn vẹn còn 2 tháng nữa. Nhưng có vẻ như Công ty Keangnam lại nghĩ khác. Ngày 2-2, Keangnam gửi cho các hộ dân yêu cầu cung cấp tài liệu để xin cấp GCN quyền sở hữu căn hộ, trong đó có mục yêu cầu các hộ dân phải có "Giấy xác nhận tất toán phí quản lý". Khi các hộ dân đang đóng mức phí 4.000 đồng/m2 gặp BQL yêu cầu cung cấp giấy trên thì BQL không cung cấp và thông báo rằng chỉ khi nào các hộ dân này đóng mức 18.800 đồng/m2 thì mới được cấp loại giấy trên. Với thông báo này, Công ty Keangnam đã cố tình phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Sở Xây dựng.
Rõ ràng không phải cứ nhiều tiền, ở chung cư cao cấp là sướng. Giấc mơ về những chung cư văn minh xem ra vẫn còn xa vời...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.