(HNM) - Chọn
Qua hơn hai năm triển khai với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến…
Số vụ việc được phát hiện tăng dần
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố thừa nhận công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và sự mong đợi của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô. Chính vì vậy, Chương trình số 09 hướng tới mục tiêu nâng cao vị trí, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị trong phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, xây dựng tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Trần Hải |
Theo đó, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được toàn Đảng bộ thành phố tập trung thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Các quy định về công khai, minh bạch, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chế độ chính sách, tiêu chuẩn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất được chú trọng. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương và ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân đã được quán triệt sâu rộng đến đội ngũ đảng viên, các cán bộ, công chức, viên chức. Đảng bộ thành phố cũng ban hành quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong hoạt động giám sát. Mặt khác, thành phố đã yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh công khai, minh bạch chính sách, quy trình thủ tục giải quyết công việc gắn với cải cách thủ tục hành chính; công khai việc quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công, các chế độ định mức, tiêu chuẩn. Thông qua thẩm tra, rà soát và phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước đối với các đơn vị dự toán cấp thành phố, năm 2012 Hà Nội đã điều chỉnh, cắt giảm kinh phí thực hiện so với đề nghị của các đơn vị là hơn 27 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý, phê duyệt triển khai dự án đầu tư tập trung, không dàn trải, xác định rõ nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm tránh gây lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư. Kết quả, năm 2012 Hà Nội đã tiết kiệm hơn 32 tỷ đồng từ việc quản lý vốn đầu tư xây dựng. 6 tháng đầu năm 2013, qua công tác quyết toán vốn đầu tư đã giảm chi cho ngân sách thành phố (so với giá trị đề nghị của chủ đầu tư) trên 9 tỷ đồng. Tăng cường quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu nhà nước, từ đầu năm đến nay thành phố đã tổ chức bán đấu giá tài sản, tịch thu nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng; xử phạt hành chính do buôn lậu, gian lận thương mại 7,1 tỷ đồng...
Trong công tác PCTN, Hà Nội là một trong số ít các địa phương của cả nước đã kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Năm 2012, qua công tác này thành phố đã phát hiện một vụ có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra về vi phạm việc giao đất, thu tiền trái thẩm quyền xảy ra tại thôn Trung Kiên, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn. 6 tháng đầu năm nay, thành phố cũng đã phát hiện một vụ việc tại xã Phú Cường, huyện Ba Vì. Đáng nói, số vụ tham nhũng trên địa bàn được phát hiện tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2010, thành phố chỉ phát hiện 2 vụ tham nhũng; năm 2011 là 27 vụ thì năm 2012 đã tăng lên 32 vụ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố cũng đã phát hiện 16 vụ. Đáng chú ý, nhiều vụ việc tham nhũng đã được cơ quan điều tra phát hiện trong khi một số tỉnh khác, phần lớn vụ việc được phát hiện qua đơn tố giác.
Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Có thể nói, sau hơn hai năm triển khai Chương trình 09 của Thành ủy Hà Nội, công tác PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên địa bàn Thủ đô đã có bước chuyển tích cực. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Công tác kê khai tài sản thu nhập đã dần đi vào nền nếp, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Nhờ tiến hành thường xuyên và làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay các cán bộ, đảng viên đều xác định việc kê khai tài sản thu nhập không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của cán bộ, công chức, qua đó đã từng bước phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Triển khai Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội đang xây dựng, trình Bộ Tư pháp ban hành các nghị quyết và tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Thành phố cũng xác định, tiếp tục đẩy mạnh PCTN gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị và việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mục tiêu Thành ủy đề ra là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng sau hơn hai năm vẫn chưa được hiện thực hóa. Việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế đang xảy ra. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Ở các lĩnh vực ngân hàng, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, quản lý, sử dụng tài sản công còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, nguyên nhân chủ quan là do công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật PCTN ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa có sự chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác PCTN chưa cao. Cá biệt, tính chiến đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thấp nên rất ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra trong nội bộ tổ chức của Đảng. Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra tham nhũng chưa quyết liệt; công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ tham nhũng còn kéo dài, công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế...
Để Chương trình số 09 của Thành ủy thực hiện thành công, đạt các mục tiêu đề ra, thời gian tới Đảng bộ thành phố yêu cầu các tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền các cấp tiếp tục triển khai, thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp, nhiệm vụ. Các cấp ủy Đảng phải giữ vững vai trò hạt nhân chính trị, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị và tổ chức thực hiện công tác PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đặc biệt, cần huy động sức mạnh quần chúng nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và các cơ quan, tổ chức, đơn vị để phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, không chỉ trong cán bộ, công chức, viên chức mà phải tới đông đảo người dân để qua đó nâng cao vai trò của nhân dân trong công tác này. Cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ thành phố, Trung ương cần sớm hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; quy định cụ thể tổ chức bộ máy thanh tra cấp tỉnh, huyện để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến PCTN...
PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, tập hợp đông đảo các lực lượng tham gia với quyết tâm chính trị rất lớn. Những kinh nghiệm và kết quả hơn hai năm triển khai Chương trình số 09 sẽ là tiền đề để Đảng bộ thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.