Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 9: Côn Đảo - Thiên đường của tương lai

Anh Tuấn| 29/04/2010 07:23

(HNM) - Thật khó khăn mới mua được vé máy bay ra Côn Đảo, bởi các công ty du lịch đã đặt kín chỗ từ lâu và dù đã được quảng cáo trước nhưng chúng tôi vẫn ngỡ ngàng trước một Côn Đảo đẹp và bình yên.

Hai bên đường từ sân bay Côn Sơn về trung tâm huyện đảo dài hơn 10km rực rỡ sắc hoa anh đào và hoa giấy. Những khu biệt thự mới duyên dáng nằm nép mình dưới tán bàng cổ thụ, những con phố sạch sẽ, ngăn nắp như ô bàn cờ, cư dân thân thiện, mến khách… Dù đã đọc nhiều về Côn Đảo, nhưng thật khó hình dung đây là hòn đảo từng được coi là "Địa ngục trần gian", nơi lúc nhiều nhất đã giam giữ gần 10.000 chiến sỹ cách mạng với những khu giam cầm khét tiếng như "chuồng bò", "chuồng cọp", "hầm xay lúa"; những địa danh thấm đẫm máu đào của những người con yêu nước: "cầu tàu 914", "nghĩa trang Hàng Dương"; nơi "Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời. Mỗi tảng đá là một trời đau khổ"…

Quá khứ đau thương, hào hùng

Bà Ni (quá mừng vì tìm được người cựu nữ tù Côn Đảo duy nhất còn ở lại đảo nên tôi quên hỏi họ của bà) bán hàng tạp hóa ở khu phố 6, đường Võ Thị Sáu liên tục lấy khăn thấm nước mắt, giọng nghẹn lại khi kể cho tôi nghe những tháng ngày bị giam cầm trong "Địa ngục trần gian".

Khách du lịch trên đường ra tham quan Côn Đảo. 

- Tôi bị bắt ở Sài Gòn khi đang đi vận động quyên góp ở các chợ lớn lấy kinh phí cho Biệt động nội thành hoạt động. 36 chị em chúng tôi được đưa ra đảo cùng một ngày - đi bằng lưng. Bà Ni nói.

- Sao lại đi bằng lưng?- tôi hỏi.

- À là vì chúng tôi chống cự quyết liệt quá, dứt khoát không chịu lên xe ra tàu. Bọn lính xông vào, cứ dùi cui, giày đinh mà đánh, đá, nhiều chị bị đánh máu me bê bết, nằm bất tỉnh... Đánh đập chán tay, bọn dã thú trói chặt chân tay tất cả mọi người, quẳng lên xe, đem ra tàu. Lênh đênh gần một ngày trời trên biển, đến nơi chúng lại lôi sềnh sệch vào các khu giam cầm.

Ở trong trại, tôi được các đồng chí đảng viên hướng dẫn đấu tranh chống lại sự tra tấn, khủng bố của bọn cai ngục. Chúng tôi tổ chức tuyệt thực, hát, hô khẩu hiệu khi bọn địch đem xử bắn đồng đội hoặc đàn áp tù. Mỗi lần như thế, bọn chúng lại khóa chặt cửa phòng, ném lựu đạn cay vào. Khói khiến nhiều người bị ngất. Các chị ở đảo lâu ngày truyền cho chúng tôi kinh nghiệm, hễ nó ném lựu đạn cay vào thì chuẩn bị sẵn và dùng ngay nước tiểu của mình uống, sẽ không bị ngạt, chúng tôi làm theo, rất hiệu nghiệm. Có bữa, chúng bắt chị em phải chào cờ ba que vào buổi sáng, chúng tôi không chịu. Lại mưa đòn. Tôi bị đánh thâm tím mặt mày, nhưng vẫn cố nói với thằng phó đảo: "Tôi và các anh cùng máu đỏ da vàng, người cùng một tổ tông, sao nỡ đối xử với nhau như cầm thú thế?". Thằng phó đảo tức tối, hét quân lấy giẻ lau bàn bịt miệng tôi lại và đánh tiếp, rồi vặn tay tôi trật cả xương. Sau ngày giải phóng, tôi mang cái tay bị tật sưng to tướng, với những cơn đau hành hạ mỗi khi trở gió, đi chữa khắp các viện nhưng không khỏi. Cách đây mấy năm, Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức cho chị em ra thăm Hà Nội, vào viếng Lăng Bác. Thật kỳ lạ, sau lần đi đó, về tay tôi hết sưng, không đau nữa...

Bảo tàng huyện Côn Đảo, công trình TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí gần 40 tỷ đồng sẽ khánh thành dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bác Nguyễn Xuân Viên, nhà ở ngã tư đường xuống Cầu Tầu, cựu tù Chuồng cọp kể cho chúng tôi nghe những ngày cùng các chiến sỹ trên đảo tuyệt thực, đòi bọn địch phải nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản trong Hiệp định Paris.

- Lần tuyệt thực lâu nhất, các bác chịu được bao lâu?

- Mình chịu được 19 ngày - bác Viên trả lời. Nghe nói ở đảo, thời Pháp có một cụ tù chính trị chịu được 23 ngày, mình được xếp "huy chương bạc". Mỗi đợt tuyệt thực, mệt nhất là ba ngày đầu vì người nào cũng đang trong tình trạng suy kiệt sức khỏe. Ở trong tù, dù hằng ngày chỉ có cơm với cá khô mục, nước muối, nhưng dạ dày vẫn có cái để... làm việc. Qua 3 ngày vật vã thì người lả đi, miên man, sống kiểu thực vật, nghe thấy mà không thể trả lời được. Nói là tuyệt thực - nhịn ăn, uống hoàn toàn, nhưng mỗi đợt chuẩn bị tổ chức tuyệt thực, mấy "ông già" (các chiến sỹ bị tù lâu năm) đều chuẩn bị trước. Đầu tiên là một số bác giả kêu ốm, để xin thuốc bổ, cũng chỉ được mấy viên C, bọn y tá bắt uống ngay trước mặt, các bác cho vào dưới lưỡi, sau mang về cất kỹ làm "vũ khí" đấu tranh. Mỗi lần ăn cơm, số không tuyệt thực sẽ tìm cách dán các hạt cơm lên tường (bọn cai ngục thường bắt quét dọn sạch sẽ sau bữa ăn), để khi thấy ai tham gia tuyệt thực bị kiệt sức quá, gỡ ra cho ăn. Lúc thấy anh em nguy kịch quá, mới phát cho 1/4 viên C để ngậm...

Nghe bác Viên kể mà tay tôi run lên, mắt nhòe đi, không thể ghi tiếp được nữa. Thật khâm phục, tự hào về các bác biết bao! 35 năm đã trôi qua, lớp trẻ 8X, 9X hôm nay được thừa hưởng những thành quả to lớn của cách mạng, liệu mấy ai biết cha ông chúng ta đâu chỉ đánh giặc bằng máy bay, xe tăng, đạn pháo... mà có những lúc, chỉ là những hạt cơm dán lên tường, 1/4 viên C còn nhỏ hơn chiếc cúc áo?...

Thiên đường mai sau

Nhiều cựu tù Côn Đảo cho biết, ngày 30-4-1975, không khí trên đảo rất lạ. Bọn cai ngục trở lên lầm lì, im lặng, khác với dáng vẻ hống hách ngày thường. Trên trời náo loạn các chuyến bay. 16 giờ cùng ngày, bọn cố vấn Mỹ ở Côn Đảo rút chạy, Chúa đảo Lâm Hữu Phương lái xe chở vợ con qua Bến Đầm, bí mật xuống canô di tản, bỏ lại cả phương án "tử thủ Côn Đảo" mà trước đó y lập ra và hò hét phải thực hiện đến cùng. 23 giờ, bọn lính còn lại cử tên Kiều Văn Dậu đến xin các tù chính trị ra tiếp quản Côn Đảo. Vì không có thông tin, sợ bọn giặc có âm mưu gì đó, các chiến sỹ không chịu rời khỏi buồng giam. Anh em yêu cầu phải mang đài vào, nghe thấy tin Sài Gòn giải phóng mới ra. Tất cả mọi người đã òa khóc, ôm lấy nhau nhảy lên mừng rỡ khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin chiến thắng...

Một góc nghĩa trang Hàng Dương.

Sáng 1-5, đất liền gọi điện ra đảo, hỏi Ủy ban Quân quản Côn Đảo cần thuốc men, lương thực và những gì để tàu hải quân mang ra? Các cựu tù trả lời: "Chúng tôi cần nhất là một tấm ảnh Bác Hồ". Ở tù lâu quá, khát khao cháy bỏng lớn nhất khi đất nước hoàn toàn giải phóng là được nhìn thấy hình Bác.

Ngồi trong "huyện đường" - một trong những trụ sở ủy ban cấp huyện theo chúng tôi là vào loại to, đẹp nhất nước, ông Châu Anh Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo không giấu vẻ phấn khởi khi nói về những thành tựu huyện đạt được sau 35 năm giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây.

Huyện nhà hiện có 51 doanh nghiệp, hơn 300 hộ kinh doanh cá thể với tổng vốn đầu tư gần 1 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch được gần 100 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Trên đảo có 4 dự án du lịch lớn đang được đầu tư, trong đó dự án Resort Đất Dốc có vốn đầu tư hơn 38 triệu USD. Mỗi năm Côn Đảo thu hút hơn 100 nghìn lượt du khách. "Đất lành, chim đậu", một số doanh nghiệp nước ngoài ngỏ ý muốn xây dựng thêm trên đảo một sòng bạc quốc tế, nhưng lãnh đạo tỉnh, huyện gạt phắt. Sao mà được cơ chứ, các anh có biết Côn Đảo là gì không? Đó là "Bàn thờ Tổ quốc", là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trường học giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước... không thể cho tồn tại những thứ làm vẩn đục không gian thiêng liêng nơi đây. Mấy ông tây ngớ ra, miệng ậm ừ "ok", lên máy bay rồi mà vẫn còn "lăn tăn" - lạ nhỉ, sao trên trái đất lại có chỗ... chẳng cần đến tiền?

Ông Châu Anh Kiệt khoe, dân Côn Đảo rất ý thức trong việc xây dựng huyện thành một điểm đến thân thiện, có môi trường sinh thái trong lành; mỗi người đều tự giác chấp hành pháp luật. Lấy ví dụ như chuyện tham gia giao thông, khi gặp đèn đỏ người dân sẽ tự giác dừng lại dù trên đường phố lúc đó chỉ có... một người. Hay như đội mũ bảo hiểm, ai ra đường không đội mũ, lập tức những người sống xung quanh nhắc nhở. Một lần thì phạt, hai lần thì trừ thi đua. Ở đảo này danh hiệu "Gia đình văn hóa" rất quan trọng, chính quyền quy mọi chuyện chấp hành các chủ trương, đường lối ra điểm. Mỗi năm tổng kết một lần, ai vi phạm, tùy theo mức độ, số lần mà trừ điểm. Nhà nào không đạt danh hiệu cao quý đó, lấy làm xấu hổ lắm, đến đi chợ cũng chẳng dám, sợ bị cười chê là "nhà không văn hóa".

Đêm rằm ở Côn Đảo thật huyền diệu. Biển mênh mông lấp lánh như dát vàng. Xa xa là Cầu tầu 914 - nơi 914 người chiến sỹ cách mạng ngã xuống. Sau tôi là ngôi nhà của nhạc sỹ nổi tiếng người Pháp Camille Saint, tác giả bài hát bất hủ Ave Maria. Ông đã có thư gửi cho Chúa Đảo Louis Jacquet tháng 4-1895 có đoạn ghi "Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp". Xa hơn chút nữa là di tích Nhà tù Côn Đảo, rồi Nghĩa trang Hàng Dương... Trong tôi chợt hiện về hình ảnh lúc ban chiều, khi các đoàn viên, thanh niên từ TP Hồ Chí Minh ra Côn Đảo để làm lễ kết nạp đảng viên. Nhiều đoàn viên đã khóc nức nở tại khu biệt giam tù chính trị. Nhiều em nói, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ xin ra Côn Đảo công tác, các em sẽ cống hiến sức lực, trí tuệ để biến "Địa ngục trần gian" thành thiên đường của tương lai...

Tôi tin điều đó chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Chỉ nay mai thôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 9: Côn Đảo - Thiên đường của tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.