(HNM) - Trên thế giới, quốc lộ được hiểu đơn giản là con đường của quốc gia, để người và các phương tiện giao thông đi lại, thế nhưng ở Việt Nam quốc lộ 1A phải
Từ Km 0 (ở Lạng Sơn) vào đến Bình Thuận chúng tôi không thể đếm hết được có bao nhiêu đoạn đường bị biến thành chợ dân sinh, hàng quán, điểm dừng chân, thậm chí thành sân chơi của trẻ con, nơi phơi thóc... Con đường trở thành nơi mưu sinh của không biết bao nhiêu phận người, bao nhiêu gia đình. Lẽ tất nhiên, với hàng ngàn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày, tai nạn có thể ập xuống bất cứ lúc nào và không loại trừ ai.
Mối nguy hiểm từ việc họp chợ ngay trên đường quốc lộ.
Quốc lộ biến thành chợ
Sáng 25-11, chúng tôi từ Khánh Hòa tiếp tục hành trình dọc quốc lộ (QL) 1A để vào Bình Thuận. Dọc hai bên đường, từ ngã ba Thành trở vào xuất hiện cơ man hàng quán, kinh doanh buôn bán đủ thứ, từ hàng ăn uống, hoa quả, sửa chữa ô tô đến những trụ sở công ty... Ngay tại cửa ngõ phía nam của thành phố Nha Trang, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Mạch, ở thôn Hội Thương, xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh). Nhớ lõm bõm, ông Mạch kể, đoạn QL 1A này mấy năm trước là “cung đường tử thần” của cánh lái xe cũng như của người dân ven con lộ này. Cũng bởi một số trường học bố trí sát quốc lộ, thêm vào đó là nhiều hộ bám đường mưu sinh. Đau lòng nhất là hai vụ tai nạn thảm khốc cách đây vài năm khiến gần 20 người chết, hàng chục người khác bị thương. Sau vụ tai nạn ấy, người ta đã dựng một chiếc miếu ven quốc lộ, ngay sát nhà ông để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Một chiếc miếu khác cũng được dựng lên cách nhà ông Mạch chừng gần 1km về phía thành phố Nha Trang. Vụ tai nạn giao thông thảm khốc thứ nhất xảy ra khi chiếc xe khách biển số 75H - 8283 chạy hướng Bắc - Nam đã lao vào xe 15 chỗ ngồi biển số 53M - 5009 chở 12 cán bộ phường 13, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) đi cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 6 ở Đà Nẵng. Vụ tai nạn đã làm 12 người trên xe 53M- 5009 tử nạn tại chỗ. 20 hành khách đi trên xe 75H - 8283 đều may mắn thoát chết.
Vụ thứ hai, chúng tôi được bà Phạm Thị Lùn, 63 tuổi, chủ tiệm xay xát ở thôn Vĩnh Cát, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh cho biết, có chiếc xe khách chở đoàn giáo viên huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vừa rời Nha Trang đi TP Hồ Chí Minh chưa đầy 30 phút, đến khu vực xã Suối Hiệp, vì đường hẹp, dân họp chợ tràn ra, xe đầu kéo chạy ngược chiều đã lấn đường, đâm trực diện, làm 4 thầy cô giáo thiệt mạng, 13 người khác bị thương nặng. “Chiếc xe chở các thầy cô giáo bị tông rồi đâm vô nền nhà tui, húc đổ ngang cây trứng cá”, bà Lùn vừa kể vừa chỉ vào phần còn lại của cây trứng cá ngay trước hiên. Từ ngày ấy đến giờ, cứ đến ngày rằm, mồng một là vợ chồng con cái bà Lùn đều thắp hương cúng vái. Đáng nói là điểm xảy ra tai nạn này chỉ cách nơi xảy ra tai nạn làm 12 cán bộ phường 13 (Tp Hồ Chí Minh) tử nạn khoảng 500m.
Trước đây, vợ chồng bà Lùn làm nhiều nghề nhưng nghề chính vẫn là đi làm mướn cho nhiều xưởng xay xát thóc gạo. Đến khi tích lũy được chút vốn liếng, vợ chồng bà mới mở tiệm xay xát nằm ngay cạnh QL 1A. Tiệm xay xát của gia đình bà Lùn đã hoạt động được khoảng 10 năm, vẫn bám sát lề đường để mưu sinh từ đó đến nay. Ông Trần Thâm, chồng bà Lùn, cho biết đoạn đường này trước đây cũng có nhiều tai nạn. Có những người chở thóc gạo đến nhà ông bà hoặc chở gạo từ nhà ông bà về cũng bị va chạm nhưng chỉ bị thương nhẹ. “Giờ người dân ở đây học luật lệ giao thông rồi nên tai nạn cũng bớt đi” - ông Thâm nói.
Đến khu vực chợ Suối Cát, chúng tôi bắt gặp tụ điểm tập kết chuối rất lớn nằm ngay sát QL 1A. Một chiếc xe container đang đậu vếch đuôi ra gần giữa đường để nhập chuối từ một đại lý. Bà Nguyễn Thị Lành cho biết, mỗi ngày bà bán từ 300 đến 500 buồng chuối cung cấp cho đại lý thu gom của các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thậm chí Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Thường ngày, những người dân nơi đây lên núi thu hoạch chuối từ đêm rồi chở về chợ này tập trung bán cho các đại lý.
Vừa chở chuối trở về từ vùng núi, người còn đẫm mồ hôi, ông Phạm Văn Bình cho biết, chợ chuối thường họp từ 3, 4 giờ sáng. Vào giờ đó, xe máy, xe tải, thậm chí là container xếp hàng dài chờ nhập hàng. Nhấp ngụm cà phê, ông Bình khoe, chuối của Khánh Hòa được các đại lý vận chuyển bán cho hầu hết các tỉnh phía Bắc, mỗi ngày, mỗi đại lý xuất đi đến cả nghìn buồng chuối. Nhiều khi vội, những người chở hàng đâm vào nhau, chuối văng tứ tung, khiến cả quãng đường tắc nghẽn. Chợ chuối tồn tại ở đây từ lâu nhưng không thấy chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng giải tỏa hoặc bố trí địa điểm khác an toàn hơn.
Những tụ điểm gần giống chợ chuối này xuất hiện khá nhiều dọc đường từ Khánh Hòa vào Ninh Thuận như đoạn qua KCN Suối Dầu, nhà cửa, hàng quán bám sát đường; đến xã Cam Thịnh Đông có một quán cơm gần Suối Hinh rất đông xe tải dừng, đỗ, nhiều xe đỗ ra cả lề đường; xuôi xuống phía nam vài cây số là quán cơm Vinh có rất nhiều xe container dừng, đỗ để cánh lái xe vào ăn nghỉ.
Cung đường tai nạn thảm khốc
Cuối chiều, trên đường đi chúng tôi gặp một quãng đường khá quang đãng, hành lang không bị lấn chiếm, tầm nhìn tốt, thế nhưng lại có một tấm biển báo rất to có dòng chữ: “ĐOẠN ĐƯỜNG THƯỜNG XẢY RA TAI NẠN THẢM KHỐC - Lái xe chú ý” thuộc địa phận xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Trong hành trình dọc QL1, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy tấm biển báo như vậy, thường ở nơi khác chỉ ghi cảnh báo: “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn”.
Nói về “lai lịch” tấm biển cảnh báo đó, ông Trần Văn Mười, thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) kể giọng nghẹn lại, như thể chuyện vừa xảy ra: “Quãng này trước cũng có chợ bám đường, bữa đó vợ chồng tui đang ngủ bỗng nghe cái ầm, giật mình chạy ra coi thì thấy chiếc xe đầu kéo container đâm vào một chiếc xe khách mang biển số tỉnh Thái Bình, làm xe khách bốc cháy dữ dội, hành khách la hét, còn chiếc container văng ra mấy chục mét nằm chắn ngang đường”. Ông Mười và vợ sợ quá chỉ biết đứng cứng ngắc ven đường mà ú ớ, phải một lúc sau mới la được “Cứu, cứu người!”. Hỏi chuyện những người dân gần đó, chúng tôi được biết, khoảng 2h ngày 7-11-2011, xe container mang BKS: 79N-2133 chạy theo hướng từ tỉnh Khánh Hòa vào TP Hồ Chí Minh. Đến đoạn đường thuộc KM 1680 QL 1A, do tài xế container không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào xe khách giường nằm của hãng Hoàng Long, BKS 16L-3406 chạy ngược chiều. Sau đó chiếc container tiếp tục đâm trực diện vào xe khách mang BKS 17K-2934 (của HTX vận tải ô tô Tiến Bộ Thái Bình) cũng đang chạy theo chiều ngược lại. Chiếc xe đầu kéo và xe khách Thái Bình bốc cháy dữ dội làm hàng chục người chết và bị thương.
“Nếu tui nhớ không nhầm thì hôm nay nhằm đúng ngày giỗ đầu họ” - một người hàng xóm của ông Mười cho biết thêm, tháng 6 vừa rồi, cũng có một chiếc xe khách đang lưu thông bỗng bốc cháy đến mức chỉ còn trơ khung. May mắn là không có ai bị thiệt mạng cũng bởi “mấy anh CSGT thấy xe bốc khói nên đuổi theo bắt dừng xe kịp thời để đưa hành khách xuống”.
Tới địa bàn chợ Lầu, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), chị Phạm Thị Lan bán hoa quả ngay tại cửa chợ cho biết, đã lâu đoạn đường này không có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào, nhưng chuyện xe máy đụng nhau do đường đông, người bán hàng tràn ra thì gần như thường xuyên. Thương tâm nhất là đúng chiều 28 Tết năm 2012, hai thanh niên người huyện này đi xe máy đã đâm vào nhau do tránh người qua đường. Hậu quả là một người chết tại chỗ, người kia bị thương nặng sau đó đã tử vong tại bệnh viện. Chị Lan cho biết thêm, trước đó, ngay trước cửa chợ, một phụ nữ đi xe máy từ trong chợ ra đã va vào xe khách Bắc - Nam và tử nạn tại chỗ. Sau hai vụ tai nạn này, ngành giao thông đã giải tỏa các lều quán ven đường, dựng tấm biển để cảnh báo lái xe cẩn trọng.
Qua chợ Lầu, chúng tôi còn thấy có nhiều chợ khá sầm uất bám sát mép đường như chợ Sara, chợ Minh Long… chợ nào cũng đông người mua bán ngay bên đường, trong lúc rất nhiều phương tiện qua lại, còn đường thì rất hẹp. Cung đường qua thôn 5, xã Hàm Đức liên tiếp xuất hiện những khúc cua quanh co, nhiều cột phân cách mềm bị lái xe không làm chủ tốc độ, vào cua lấn làn đâm đổ cả quãng dài.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng ATGT, các địa phương dọc QL 1A thường tổ chức ra quân dẹp bỏ các chợ cóc, chợ dân sinh tự phát lấn chiếm hành lang giao thông, lòng lề đường. Thế nhưng dẹp chỗ này lại phình chỗ khác; xóa hôm nay, ngày mai chợ lại mọc ra. Đáng nói là, nhiều địa phương đã đầu tư quy hoạch, xây thành chợ khang trang nhưng để cỏ hoang mọc, trong khi đó người dân vẫn luôn tìm mọi cách bám đường mưu sinh, bất chấp hiểm họa luôn rình rập, coi thường tính mạng của chính mình và những người khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.