Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu

Đỗ Hoàng Linh| 31/01/2012 06:15

(HNM) - Nhân dân vừa là người quyết định việc xây dựng chính quyền và đoàn thể từ làng xã tới trung ương. Mọi việc lớn nhỏ trong một quốc gia đều do nhân dân thực hiện, do đó từ khi lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng một đảng trong sạch vững mạnh, đây là công việc của toàn dân nếu: "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên".

Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả cán bộ, đảng viên đều nhận thức và thực hiện nghiêm chỉnh chân lý "dân vi quý" này, rất nhiều người mắc sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả làm cho Đảng xa dân và dân sẽ không còn là cái nền móng bền vững nữa một khi lòng tin với Đảng không trọn vẹn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra hai phương pháp lãnh đạo, quan hệ với quần chúng như sau:

Làm việc theo cách quan liêu: Cái gì cũng dùng mệnh lệnh, ép dân làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân, bắt dân chúng phải làm theo. Như thế là cách làm đi ngược lại với nguyên tắc vì nhân dân phục vụ của Đảng ta, đó là những cán bộ, đảng viên: Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan chủ". Miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với phương châm chính sách của Đảng và Chính phủ. Làm theo cách đó họ cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng, không tốn sức và đỡ mệt óc nhưng dù thành công trước mắt thì về lâu dài vẫn thất bại vì họ đã thản nhiên xây cao dần một bức tường vô hình ngăn cách Đảng và nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra những biểu hiện của thái độ và hành động này là:

- Xa nhân dân: Cán bộ, đảng viên là đầu tàu lãnh đạo, là trung tâm, hạt nhân quan trọng bậc nhất nên có quyền quyết định mọi vấn đề theo chủ quan, không cần tham khảo dân nữa. Những người này trở nên khoe khoang, kiêu ngạo, lạnh lùng, tự cho mình là thầy thiên hạ, đứng trên quần chúng mà không cần bận lòng đến tâm lý, nguyện vọng của nhân dân và họ đã tạo ra một hố ngăn cách giữa Đảng và nhân dân. Sự thiển cận ngộ nhận khiến họ không nhớ nổi: "Tục ngữ có câu: Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao. Việc gì mà một mình tuy có tài giỏi mấy cũng không làm được, mà nhiều người chung sức lại, thì việc gì cũng làm được".

- Khinh nhân dân: Cán bộ, đảng viên cho rằng chỉ có mình được đào tạo bài bản, chính quy, bằng cấp này nọ nên có văn hóa và học thức đầy mình còn nhân dân chẳng qua là dân ngu khu đen, chỉ đâu đánh đấy, chẳng bao giờ hiểu được lý luận chính trị cao xa, cho nên một số nơi, cán bộ, đảng viên lừa dân lòe bịp dân bằng văn bản, báo cáo, chỉ thị để mưu lợi cá nhân, họ quên mất nhân dân rất nhạy bén, khôn khéo, hăng hái, anh hùng: "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra".

- Sợ nhân dân: Cán bộ, đảng viên mỗi khi mắc khuyết điểm, sai lầm thì ngụy biện, che giấu, lẩn tránh trách nhiệm vì sợ nhân dân phê bình mình mất thể diện, có những người còn bảo thủ đến mức ngại sửa chữa khuyết điểm. Họ chỉ muốn phô ra sự hoàn thiện, cái cao đẹp, vĩ đại của bản thân, cố hết sức che đậy thật kín thói xấu và nhược điểm mà không hiểu: "Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi".

- Không tin cậy nhân dân: Cán bộ, đảng viên tự cho rằng chỉ mình có đủ năng lực, tri thức và tinh thần đảm đương công việc, còn quần chúng nhân dân chưa đủ tầm cỡ. Hễ giao việc cho quần chúng là không yên tâm, dễ hỏng việc hoặc mất đi ý nghĩa trọng đại. Những người này không biết: "Lực lượng của nhân dân nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong".

- Không hiểu biết nhân dân: Đối với nhân dân thì trăm nghe không bằng một thấy. Hết thảy nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (gần và xa, riêng và chung, bộ phận và toàn cục) chứ không thể nghe lý luận giáo điều, lời hứa hẹn xuông trong khi đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng lại khó khăn, thiếu thốn, chỉ khi: "Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy cũng không thực hiện được".

- Không yêu thương nhân dân: Cán bộ, đảng viên chỉ biết đòi hỏi, yêu cầu, ra lệnh cho nhân dân bằng bàn tay năm ngón và con dấu đóng vào văn bản giấy tờ mà không đếm xỉa đến ý nghĩ, nguyện vọng, tâm tư của nhân dân: "Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn", thế là nhân dân cũng sẽ dần mất đi lòng tin yêu đối với cán bộ, đảng viên.

Hiện nay ở nhiều địa phương, ban, ngành, những căn bệnh này đã trở nên khá phổ biến và có nguy cơ trầm trọng hơn, thậm chí khá nhiều cán bộ, đảng viên còn biến thái đến mức lừa phỉnh, trấn áp, dọa nạt, khống chế quần chúng nhân dân, đặc biệt đối với những ai dám dũng cảm nói thẳng, nói thật, lên án những hành vi quan liêu, tham ô, tham nhũng, hối lộ, lãng phí của những vị lãnh đạo có quyền chức. Nhiều đảng viên biến chất nghĩ rằng có quyền hành, pháp chế trong tay thì muốn làm gì cũng được, một tay cũng che hết mặt trời nhưng thực ra dân chúng đều biết rõ tất cả thông qua phương pháp đối chứng. Họ so sánh trước kia và bây giờ, lập pháp và hành pháp, việc này với việc khác, cách xử lý của ngành này với ngành khác, mức độ nặng nhẹ, thông tin xuôi chiều và ngược chiều... cuối cùng họ cũng tìm ra bản chất, kết quả kèm theo lời bình luận dân gian và những phương án đáng ra nên làm công khai, hợp lý, công bằng hơn, và: "Đối với cán bộ cũng vậy. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất bởi nước ta là nước dân chủ thì: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân", cho nên đã: "Gọi là đảng viên thì phải nhận rõ, biết rõ Đảng ta phải làm gì, vào Đảng để làm gì. Đảng ta là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng", chứ Đảng không phải: "Là một tổ chức để làm quan phát tài". Thứ hai, phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân: Sự lãnh đạo của Đảng trong mọi công tác thiết thực phải bắt đầu từ quần chúng và được kiểm nghiệm trong quần chúng. Nếu không có quy trình như vậy thì tư tưởng, lý luận trở thành sáo rỗng, đường lối của cán bộ, đảng viên rất quan liêu và không phù hợp với thực tế, sẽ dẫn đến sai lầm. Thứ ba, việc gì cũng phải bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Kinh nghiệm từ các địa phương và vùng miền cho thấy nơi nào công tác yếu kém, có nhiều tiêu cực, mâu thuẫn kiện cáo chồng chéo là nơi đó cán bộ tách ra khỏi quần chúng nhân dân, họ cho rằng quần chúng dốt nát nên không thèm bàn việc, miễn giải thích, đó là sai lầm không thể tha thứ được. Nhân dân rất đông, tai mắt nhiều, nhận thức và trình độ tuy không đồng đều nhưng đa dạng đủ đánh giá và đưa ra những giải pháp hữu hiệu nếu như những vấn đề đó liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Có khuyết điểm thì thật thà phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình. Việc quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên là hoàn toàn có lợi và tích cực (nếu phê bình đúng), nó làm cho cán bộ và nhân dân hiểu nhau, thông cảm với nhau, đoàn kết hơn và cùng tiến bộ... Thứ tư, sẵn sàng học hỏi nhân dân. Nhân dân bao gồm các tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, trình độ, học vấn đa dạng, phong phú nên cán bộ, đảng viên phải tin vào dân chúng, học hỏi kinh nghiệm và tìm cách giải quyết tốt nhất cho công việc. Muốn học hỏi nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải thành thực, nhiệt tình, quyết tâm, khiêm tốn, chịu khó. Nếu tỏ thái độ chiếu lệ, hờ hững thì nhân dân sẽ không tin cán bộ, nếu có biết họ cũng không nói hoặc có nói cũng không nói hết vì miễn cưỡng hoặc không vui lòng, như thế thì sự học hỏi quần chúng sẽ mất đi ý nghĩa trọn vẹn và lâu dài. Cuối cùng, tự mình luôn phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo.

Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là quan hệ gắn bó mật thiết không thể tách rời và tác động qua lại với nhau. Không có quần chúng nhân dân thì không có Đảng. Đảng muốn lãnh đạo cách mạng, xã hội phải dựa vào dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giữ mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.