Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Huyền thoại biển Đông

Đức Huy| 04/09/2011 06:44

(HNM) - Theo dấu hành trình tàu "không số" trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, gần như ở đâu chúng tôi cũng được nghe nhắc đến cái tên Bông Văn Dĩa, người đã tham gia chuyến mở đường từ Cà Mau ra Bắc xin vũ khí, đã có mặt trên con tàu "không số" chở vũ khí đầu tiên cặp bến Vàm Lũng an toàn. Chuyện về ông không chỉ có vậy, dù chỉ với hai chiến tích ấy ông đã đủ xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành tặng ông. Sau chuyến đi dài, với chúng tôi, Bông Văn Dĩa đích thực là huyền thoại…

Hơn một tháng trời, nhóm phóng viên Hànộimới đi tìm nhân chứng, những người đã tham gia thực hiện nhiệm vụ tối mật trên biển - vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam cách nay nửa thế kỷ. Từ Thanh Hóa tới Đà Nẵng, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh hay hầu hết miền Tây Nam bộ, ở đâu cũng được gặp các cựu chiến binh tàu “không số”, nghe họ kể chuyện xưa.

Cựu chiến binh tàu “không số” và phóng viên Báo Hànộimới thắp hương tưởng niệm Anh hùng Bông Văn Dĩa. Ảnh: Ngọc Thanh

Bóng dáng huyền thoại biển Đông sáng dần trong từng câu chuyện. Ở TP Vinh là chuyện của Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh tàu “không số” Nghệ An - Nguyễn Đình Sin. Qua Can Lộc (Hà Tĩnh) là chuyện của Đại tá Nguyễn Hữu Tuần, cựu sĩ quan tác chiến của Bộ Tư lệnh Hải quân. Đến Cảnh Dương - Quảng Bình thì chuyện của cựu Thuyền trưởng - Đại úy Phạm Quốc Hồng. Vào Huế biết chuyện Vĩnh Mẫn (tức Phan Thắng), cựu Trưởng ban Tuyên huấn của Đoàn 125. Rồi là chuyện với nhóm cựu binh Lê Hà, Nguyễn Sơn, Mười Tiến (Huỳnh Văn Tiến) ở Bà Rịa - Vũng Tàu, những người cách nay nửa thế kỷ đã có mặt trên những chuyến tàu từ Bà Rịa, Bến Tre mở đường ra Bắc xin vũ khí. Là câu chuyện tưởng chừng không dứt của Đại tá Khưu Ngọc Bảy, cựu Trung đoàn trưởng 962 ở bến đón tàu, được lính tàu “không số” cả nước biết nhiều với cái tên thân mật ông Bảy Nhỏ.

Suốt chuyến đi tôi cứ nghĩ mãi. Bông Văn Dĩa là người thế nào mà nổi bật giữa biết bao đồng đội tàu “không số”, những người mà về lòng dũng cảm và chiến công thì có lẽ chẳng kém ông? Cứ nghĩ mãi cho đến hôm theo chân ông Bảy Nhỏ vào Năm Căn (Cà Mau) rồi theo xuồng ra huyện Ngọc Hiển, tới khu đất có ngôi nhà nhỏ nép mình bên những kênh rạch chằng chịt của xã Tân Ân, nơi vẫn còn mộ phần của Anh hùng Bông Văn Dĩa…

Chuyện về Bông Văn Dĩa

Ngôi nhà thưng gỗ đước. Sàn nhà, cột nhà cũng đều bằng thứ gỗ đặc trưng ở Rạch Gốc này. Tiếng người vào ra “chào chú Bảy”. Phía trong, gian phải là ban thờ Bông Văn Dĩa. Ông ở trên cao nhìn xuống, quyết liệt như ngày nào hiên ngang giữa trùng khơi, bên cạnh là người đồng đội Tư Mau (Phan Văn Nhờ), cũng là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hai ông thân thiết từ quãng năm 1955, trước ngày mở đường ra Bắc. Trên tường là những ảnh tàu “không số” do Hải quân Mỹ chụp và bao nhiêu huân - huy chương.

Ngoài hiên, vợ chồng bà Bông Thị Ưa, con gái Anh hùng Bông Văn Dĩa bày sản vật biển đón khách. Đủ những ốc dừa, ba khía, tôm tít mà ngoài Bắc quen gọi là bề bề… Ông Bảy Nhỏ lướt tay trên cuốn bản đồ, phần về Cà Mau, nói với tôi: “Ta đang ở đây, thuộc xã Tân Ân. Quãng xa kia là cửa Vàm Lũng. Anh Hai Địa (tên thân mật của Bông Văn Dĩa - PV) người Rạch Gốc này, ngày trước, sau khi vượt biển ra Bắc, nhận lệnh Trung ương về lại Cà Mau tìm bến đáp cho tàu “không số”, ổng đã chọn cửa Vàm Lũng đó”… Chuyện qua lại không dứt đến khi chúng tôi cùng ra thăm mộ người anh hùng, thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất. Bông Văn Dĩa nằm đó, sau gần tám chục năm góp mặt trên đời trở về đất Mẹ với hành trang quý giá nhất là hai chuyến đi - về đều mang ý nghĩa mở đầu, góp phần quan trọng hình thành tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hôm ở Nghệ An, tôi có hỏi (rất ngớ ngẩn) ông Nguyễn Đình Sin “trên tàu không số, vị trí nào là quan trọng nhất”. Lúc ấy, ông trả lời rất nhanh, rằng “thuyền trưởng!”, mãi sau lại thêm vào đó vai trò của chính trị viên. Sau này, vào TP Hồ Chí Minh, tại nhà của người hùng Ba Náo từng đánh chìm hàng không mẫu hạm Mỹ trên sông Sài Gòn, tôi lại được nghe chuyện của Nguyễn Xuân Thơm, cựu Thuyền trưởng tàu “không số” từng có hàng chục chuyến chở vũ khí vào Nam, đã có mặt ở cửa Vàm Lũng đón tàu Phương Đông 1 của Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa vào ngày 16-10-1962, mới hiểu tại sao vị trí thuyền trưởng và chính trị viên được coi trọng đến thế. Hải trình của Phương Đông 1, chuyến đầu tiên chở hơn ba chục tấn vũ khí vào Cà Mau đã có lúc cận kề thất bại. Suốt hai ngày đêm, tàu ta gặp bão, lại bị hải quân địch theo sát. Những “tình huống cuối cùng” được đặt ra, nếu phải hủy tàu thì ông Dĩa và ông Một sẽ ở lại sau cùng để đánh bộc phá. Bông Văn Dĩa không đồng ý, muốn chỉ mình ông ở lại. Cái lý của Bông Văn Dĩa để thuyết phục Thuyền trưởng Lê Văn Một là gì thì người kể không nói, nhưng hôm về Can Lộc, khi nhắc lại câu hỏi ai trên thuyền quan trọng nhất, tôi đã nghe ông Nguyễn Hữu Tuần nói, đại ý thế này: Trên biển, khi gặp nguy cơ phải cho nổ tàu, đã có chuyện chính trị viên và thuyền trưởng ép nhau rời tàu, chỉ để một người ở lại. Có khi chính trị viên “thắng”, đơn giản là để có một thuyền trưởng dày dạn khó lắm, phải sống để tiếp tục sứ mệnh cao cả.

Ông Dĩa đã đưa cái lý ấy ra với Thuyền trưởng Một chăng?

“Mở kho” công trạng

Bông Văn Dĩa sinh năm 1905, người gốc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Hơn hai mươi tuổi đầu ông được gặp thầy giáo Phan Ngọc Hiển, người mà tên gọi đã được đặt cho huyện có cái thị trấn Năm Căn bé nhỏ và những bà má từng đi vào thơ ca. Đến năm 1940, sau những ngày theo thầy Hiển hoạt động cách mạng, ông được kết nạp Đảng, rồi tham gia cướp chính quyền ở Hòn Khoai. Cuộc ấy không thành, thầy Phan Ngọc Hiển cùng 9 người khác bị kết án tử hình, còn Bông Văn Dĩa cùng hơn hai chục chiến sĩ khác bị đày ra Côn Đảo - nơi ông gặp và quen đồng chí Lê Duẩn.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông trở về Rạch Gốc hoạt động, giả làm lái buôn, kiếm tiền qua Thái Lan mua vũ khí. Đến năm 1954, ông được giao nhiệm vụ mới ở Trung ương Cục miền Nam, đưa rước cán bộ, vận chuyển tài liệu, nắm đầu mối liên lạc từ chiến khu với Tây Nam bộ, căn cứ U Minh. Đó cũng là lúc ông thân thiết với Phan Văn Nhờ.

Sự thể dẫn Bông Văn Dĩa đến với con đường vận tải vũ khí trên biển chỉ bắt đầu từ năm 1961, khi ông được Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ chuẩn bị thuyền bè vượt biển ra Bắc, một chuyến đi mà chỉ nội tình tiết diễn ra quanh nó đã đủ cho nhà văn nữ Mã Thiện Đồng góp thành phần quan trọng trong cuốn “Ký ức tàu không số” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2011). Chuyến mở đường ra Bắc ấy của thuyền Cà Mau bắt đầu từ ngày 1-8-1961, có 7 thành viên, sau được Bí thư Tỉnh ủy Phan Ngọc Sến bổ sung thêm Hai Chiếu, thành 8 người, Bông Văn Dĩa là thuyền trưởng. Quãng thời gian này không chỉ có thuyền Cà Mau ra Bắc xin vũ khí, còn có hai thuyền của Bến Tre, một của Bà Rịa (Hànộimới đã đề cập trong số báo ra ngày 31-8-2011) và một của Trà Vinh. Thuyền ta như chiếc lá ngoài biển cả bao la, sểnh ra là lạc hướng nên mới có chuyện 6 thuyền ra Bắc thì thuyền Cà Mau 2 không tới đích, một vào Hà Tĩnh, một vào Nghệ An, một cặp đảo lạ gần Việt Nam, một vào Ma Cao. Thuyền của Bông Văn Dĩa (Cà Mau 1) trôi giạt suốt 6 ngày rồi cặp cửa Nhật Lệ - Quảng Bình, chưa kịp mừng đã bị áp giải vì biên phòng miền Bắc tưởng là biệt kích ngụy xâm nhập. Quân ông Dĩa một mực khai là dân đánh cá, vì muốn giữ bí mật, cho mãi đến khi gặp được đồng chí Lê Duẩn.

Sau thời gian ở Hà Nội, Bông Văn Dĩa nhận nhiệm vụ trở lại miền Nam để khảo sát tuyến đường vận tải biển. Tưởng là đơn giản mà không, bởi trinh sát là phải nắm tình hình luồng lạch, tìm vật chuẩn, xác định nơi cặp bờ, quy luật tuần tra của hải quân địch… Tàu trinh sát rời Nhật Lệ ngày 8-4-1962, đến cuối tháng 7 thì Bông Văn Dĩa cùng Khu ủy khu 9 xác định so với số Hòn Ông, Hòn Bà, Thổ Chu, Hòn Chuối, Nam Du, chỉ có cửa Vàm Lũng là khá an toàn, khi nước cường có thể vào tận nơi, lại là chỗ địch khó càn tới. Xác định là thế, Bông Văn Dĩa cùng 5 thủy thủ lại ngược ra Bắc, đến ngày 1-8-1962 thì vào bờ biển Nam Định. Ông Dĩa được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ cấp cao khác để báo cáo tình hình.

Thế là Trung ương duyệt phương án cho tàu vào thẳng miền Tây Nam bộ và chuyến đầu tiên về Vàm Lũng của tàu Phương Đông 1 do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa vinh dự được cử làm chính trị viên. Tàu vào Vàm Lũng an toàn, hơn ba chục tấn vũ khí được bổ sung cho chiến trường Nam bộ đang mỗi ngày một khẩn trương.
                                                                        *  
                                                                    *       *
Về lại Hà Nội, chúng tôi mới có dịp sắp xếp lại tư liệu về Bông Văn Dĩa. Lúc ấy mới rõ hơn về quãng thời gian sau này, khi rời biển về đất Mũi, ông đã giữ chức Đoàn trưởng 962 - phiên hiệu của một trung đoàn cũng xứng danh anh hùng vì đã bảo vệ bến bãi, tiếp nhận vũ khí, đã sát cánh cùng các chiến sĩ tàu “không số” bao năm ròng. Cũng chính từ mệnh lệnh của Trung đoàn trưởng Bông Văn Dĩa, vào 2h sáng ngày 3-5-1975, Trung đoàn phó Khưu Ngọc Bảy đã chỉ huy bộ đội 962 đánh chiếm đảo Hòn Khoai thuộc Ngọc Hiển.

Ông Bông Văn Dĩa đi biển, đánh bộ đều giỏi, đời binh nghiệp gắn liền với Đoàn 125, Đoàn 962. Dễ hiểu vì sao tên ông được đặt cho tên đường ở TP Hồ Chí Minh, ở nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ. Dễ hiểu vì sao trong những văn, nhạc, họa về tàu “không số” thường có nhắc đến ông và những người con Rạch Gốc - Tân Ân anh hùng góp công cho huyền thoại tàu “không số”:

“Má Bảy, Má Tư, Anh Sáu, Anh Mười…
Cùng ông Hai Dĩa về vĩnh hằng với đất
Trong lòng đất những trái tim bất khuất
Vẫn phập phồng theo mỗi bước chân tôi…”.


(Trích “Nắng Tam Giang” -  Khưu Ngọc Bảy)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Huyền thoại biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.