Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Hà Nội ơi, một trái tim hồng

Lệ Hằng| 17/06/2010 06:39

(HNM) - Vượt hơn 1.000 hải lý từ cảng Cam Ranh qua đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, rồi Đá Tây, Đá Lát, Nhà giàn DK1... ở chặng cuối của cuộc hành trình, chúng tôi đã đến được với đảo Trường Sa - cái tên gợi nhớ, gọi thương về một quần đảo rộng lớn, thân thương, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển khơi muôn trùng bão tố.

Là nơi duy nhất đoàn công tác không phải vào đảo bằng xuồng, ngay từ khi con tàu cách đảo Trường Sa một vài hải lý, chúng tôi đã bồi hồi nhận ra cái chấm đỏ nổi bật trên nền đảo san hô xanh ngát, tựa như một trái tim hồng nằm giữa lòng biển cả. Nhà khách Thủ đô đây rồi, món quà sâu nặng nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng cho quân và dân huyện đảo mà đoàn công tác chúng tôi có vinh dự được làm lễ khánh thành. Một tình cảm yêu thương tha thiết xen lẫn với tự hào bỗng trào dâng: Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội/Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu/Một thời đạn bom, một thời hòa bình...

Nhà khách Thủ đô ở thị trấn Trường Sa.

Được mệnh danh là ''thủ đô'' của huyện đảo Trường Sa, pháo đài thép giữa biển Đông, đảo Trường Sa (Trường Sa Lớn) là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa, sừng sững kiên trung suốt bốn mùa sóng vỗ. Được thiên nhiên ưu đãi, đảo tương đối bằng phẳng, có nước lợ, cầu cảng, sân bay, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm xá... rất thuận tiện cho những con tàu đánh bắt xa bờ chọn làm điểm dừng chân, thu hút ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên... đến khai thác hải sản. Nơi đây cũng đã từng in dấu những con tàu thuộc ''đoàn tàu không số'' trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, chi viện vũ khí trang bị cho chiến trường miền Nam, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là nơi Thủ đô Hà Nội ''chọn mặt gửi vàng'' để xây dựng Nhà khách Thủ đô - một công trình đặc biệt mang nhiều ý nghĩa, đúng dịp Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Đón chúng tôi tại cầu cảng Trường Sa ì ầm sóng vỗ, ngoài hàng lính danh dự của đảo ngời ngời trong quân phục Hải quân là toàn bộ lớp học của cô giáo Nhung với hơn 10 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, đứa cao đứa thấp đứng nép mình bên cô giáo trẻ duyên dáng trong tà áo dài màu hồng, làm cho buổi gặp gỡ thêm thân thiết. ''Vì quá mong đất liền nên mỗi khi có các đoàn ra thăm, mặc dù không vào thứ bảy, chủ nhật, chúng em vẫn cho các cháu nghỉ học để đón khách, xem văn nghệ vì có đến lớp, các cháu cũng không thể tập trung. Được cái cháu nào cũng ham học, đòi học bù ngay vào các ngày nghỉ để bổ sung kiến thức'' - cô giáo Nhung chia sẻ.

Quây quần trong sân của Nhà khách Thủ đô được xây dựng khang trang nhìn ra đường băng rộng lớn giữa trung tâm thị trấn Trường Sa lồng lộng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột mốc chủ quyền, Đảo trưởng, Trung tá Lã Tuấn Quang xúc động cho biết, 35 năm sau ngày giải phóng, từ một hòn đảo ''trắng'', được sự quan tâm sâu sắc của đất liền, sự nỗ lực, cố gắng của CBCS, diện mạo của đảo Trường Sa đã thay đổi từng ngày, trở thành một thị trấn đảo xinh đẹp, xanh tươi, tràn đầy sức sống; cùng với các công trình kinh tế, quốc phòng phục vụ dân sinh ngày càng được xây dựng kiên cố, khang trang, làm cho đảo thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống và đẹp về cảnh quan môi trường, xứng đáng là trái tim, là trung tâm của huyện đảo. Là một điểm nhấn kiến trúc với quy mô nhà 2 tầng, diện tích xây dựng 600m2, diện tích sàn 1.100m2, gồm 21 phòng nghỉ, có nhà vệ sinh khép kín (trong đó có 2 phòng VIP), tổng mức đầu tư lên tới trên 17 tỷ đồng, Nhà khách Thủ đô cùng với các hạng mục công trình khác đã và đang được xây dựng sẽ góp phần tạo ra một diện mạo mới, một thị trấn huyện đảo hiện đại giữa lòng đại dương mênh mông. Anh cũng cho biết, từ khi Nhà khách đưa vào sử dụng đã giúp cho đảo bảo đảm được một phần nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho CBCS và các đoàn khách ra thăm. Đây cũng là cơ sở để đảo tiếp tục phát triển cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và là điểm đến du lịch lý tưởng trong tương lai.

Cùng với việc nghiệm thu công trình và đưa vào sử dụng Nhà khách Thủ đô, phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của CBCS và các đoàn khách đến thăm huyện đảo, đoàn công tác TP Hà Nội còn đem đến cho đồng bào và chiến sỹ đảo Trường Sa nhiều món quà giàu ý nghĩa do các đơn vị, địa phương gửi tặng, trong đó không thể thiếu là bức tranh thêu khổ lớn chùa Một Cột do những nghệ nhân Hàng Trống thực hiện. (Trong chuyến đi này, những tờ lịch treo tường của Báo Hànộimới nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng được tôi đem theo để gửi tặng Trường Sa). Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nói, mặc dù vận chuyển khó khăn, đến thăm đảo nào, đoàn công tác cũng cố gắng đem theo một bức tranh phong cảnh về Hà Nội để cho CBCS đỡ nhớ Thủ đô, để Thủ đô luôn ở cạnh Trường Sa và Trường Sa luôn ở trong trái tim Thủ đô Hà Nội. Chị cũng cho biết thêm, lá cờ Tổ quốc đã bạc màu được treo trên cột mốc chủ quyền của Trường Sa tặng Thủ đô Hà Nội ngày chia tay sẽ được đoàn công tác đưa về, đặt trang trọng trong phòng truyền thống tại trụ sở HĐND, UBND TP Hà Nội như một món quà vô giá, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và nhắc nhở mỗi người dân Thủ đô Hà Nội về nghĩa vụ thiêng liêng đối với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, có nhiều hành động, việc làm cụ thể vì Trường Sa thân yêu.

Có nhiệm vụ khảo sát, xác định địa điểm dự kiến xây dựng công trình Nhà truyền thống Quân chủng Hải quân tại huyện đảo Trường Sa - công trình thứ 2 do Đảng bộ, chính quyền nhân dân Hà Nội gửi tặng, Phó Giám đốc Sở QH-KT Dương Đức Tuấn và Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Ngọc Hồng đã cùng với Quân chủng Hải quân làm việc hết mình để tham mưu cho TP Hà Nội và Quân chủng xây dựng một Nhà truyền thống đúng nghĩa trong tương lai. Theo đó, Nhà truyền thống có thể được xây dựng ở 1/3 địa điểm, như đảo Song Tử Tây, đảo Nam Yết hoặc Trường Sa Lớn, với kinh phí dự kiến 21 tỷ đồng. Đây sẽ là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật quý báu và là nơi giới thiệu, giáo dục về lịch sử và truyền thống chiến đấu, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đối với Quân chủng Hải quân, cũng như dành cho các đoàn công tác ra thăm huyện đảo Trường Sa. Các anh cũng cho biết, mặc dù quỹ đất ở các đảo Trường Sa rất hạn hẹp, song Quân chủng Hải quân sẵn sàng dành vị trí đẹp nhất cho các công trình của Thủ đô như một niềm tự hào thiêng liêng với trái tim của Tổ quốc.

Nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Đoàn công tác TP Hà Nội. Ảnh: Lệ Hằng

Có tận mắt chứng kiến cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập và hy sinh quên mình của quân và dân huyện đảo, cảm nhận hết tình cảm nồng hậu của CBCS và nhân dân Trường Sa dành cho Hà Nội càng thấy rõ tình cảm và trách nhiệm của mình đối với Trường Sa - đó là cảm nghĩ của tất cả những ai đã một lần được vinh dự đến với Trường Sa thân yêu. ''Tôi đã cả đêm không ngủ để suy nghĩ về những tấm gương cao cả của các CBCS ở Trường Sa. Càng thấy rõ ý chí sẵn sàng chiến đấu hy sinh, quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc của CBCS, càng thấm thía sự bon chen, ích kỷ của đất liền thật là kém cỏi và vô nghĩa. Sau khi đi Trường Sa trở về, tôi sẽ cùng Đảng bộ, nhân dân quận phát động nhiều hành động, việc làm cụ thể hướng về Trường Sa thân yêu” - anh Phạm Văn Chanh, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã tâm sự cùng tôi trên con tàu HQ 936.

Đêm cuối cùng, chúng tôi nghỉ lại Nhà khách Thủ đô ở Trường Sa. Một cảm giác thật dễ chịu và khoan khoái khi sau những ngày ngồi tàu lênh đênh trên biển. Lần đầu tiên chúng tôi được duỗi thẳng chân tay trên tấm nệm phẳng phiu, trắng muốt của phòng khách Thủ đô còn thơm mùi sơn mới. Nếu không có tiếng sóng vỗ rì rầm ở ngoài khơi thì có lẽ chúng tôi đã tưởng rằng đang ở tại nhà mình giữa Thủ đô Hà Nội. Không ngủ được khi ngày mai đã phải xa những người bạn, người em trai yêu quý mới gặp gỡ mà như đã thân quen tự thuở nào đang ngày đêm lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Lần theo tiếng sóng vỗ, tôi cùng các đồng nghiệp ra cầu cảng Trường Sa. Trong ánh điện lung linh soi sáng khắp đảo, một tổ tuần tra canh gác của Thiếu úy Ngô Đăng Sơn, Binh nhất Nguyễn Trọng Đạt (đảo Trường Sa Lớn) và Trung úy Vũ Khắc Biên (Bộ đội Biên phòng) đang dắt con Mic Ca 7 tuổi đi tuần tra quanh đảo, giữ cho đảo được bình yên. Các anh cho biết, từ khi đảo được trang bị hệ thống năng lượng sạch, hệ thống đèn chiếu sáng, ánh điện cùng ''người bạn thân thiết'' là chú chó nghiệp vụ trung thành đã góp phần đắc lực cùng các lực lượng bảo vệ đảo không bị bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cũng như tất cả các đảo chìm, đảo nổi trong quần đảo Trường Sa, bảo vệ Tổ quốc luôn là mệnh lệnh cao nhất đối với mỗi người lính Trường Sa, dù trong hoàn cảnh nào cũng không được lơ là. Chợt nhớ 5 năm trước, cũng trong đêm, các chiến sỹ Trường Sa phải cầm đèn pin đi tuần trong hoàn cảnh đảo chưa được trang bị đầy đủ như bây giờ, càng thấy rõ chủ trương hiện đại hóa các đảo là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, gắn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo với sự nghiệp của toàn dân. Càng thấm thía lời tâm sự của đồng chí Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Hải quân nói tại buổi chia tay với đoàn công tác của TP Hà Nội: ''Sự quan tâm, chia sẻ của đất liền đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió sẽ là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho họ trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng và giao phó''.

Đêm thao thức. Trong ánh điện chói lòa, cầu cảng Trường Sa nổi bật trên nền trời đêm như cánh tay trần vạm vỡ vươn dài ra hướng biển, hệt như những cánh tay chào của bộ đội Trường Sa khi giã biệt đất liền.

Thôi, tạm biệt nhé. Hẹn gặp lại Trường Sa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Hà Nội ơi, một trái tim hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.